Bà Lưu Thị Hiền chia sẻ về niềm phấn khởi khi lần đầu tiên tham dự Lễ hội Sen Hà Nội lần thứ nhất năm 2024. Ảnh: Mộc Miên |
Trà sen Tây Hồ nức tiếng xa gần
Những ngày này, các gia đình nghệ nhân làng sen Tây Hồ (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) tất bật công tác chuẩn bị sản phẩm trà sen phục vụ cho Lễ hội Sen Hà Nội lần thứ nhất năm 2024. Sen Tây Hồ nức tiếng gần xa với tiếng danh “thiên cổ đệ nhất trà”, từng là đặc sản chiêu đãi tại các sự kiện quan trọng trong nước và quốc tế, giờ đây “nghề ướp trà sen Tây Hồ” chính thức được bảo tồn và ghi nhận.
Nằm trong số những gia đình nghệ nhân được lựa chọn gian hàng trưng bày sản phẩm trà sen Tây Hồ, nổi bật là gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm và bà Lưu Thị Hiền. Sản phẩm trà sen mang thương hiệu Hiền Xiêm nổi tiếng từng được chọn tiếp đãi các đại biểu quốc tế trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên năm 2019, sự kiện tiếp trà bà Ngô Thị Mận - Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và bà Bành Lệ Viện - Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hồi tháng 12/2023.
Theo bà Lưu Thị Hiền, sản phẩm trà sen được nhiều vùng đất, làng nghề trồng sen khác nhau nhưng để có được trà sen chuẩn vị nhất, thứ trà sen phải được làm từ chính những bông sen Bách Diệp - loài hoa trăm cánh, màu hồng nhạt, hương thơm thanh tao trồng tại mảnh đất Tây Hồ. Là một trong số gia đình tiên phong thuê đầm trồng sen Bách Diệp, đến nay gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm và bà Lưu Thị Hiền là gia đình tiêu biểu làng nghề Tây Hồ giữ nghề trồng sen và nghề ướp trà sen truyền thống.
Ba thế hệ gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm và bà Lưu Thị Hiền làm nghề ướp trà sen Tây Hồ. Ảnh: Nguyễn Hoa |
Cứ vào độ tháng 6, mùa sen nở rộ cũng là thời điểm gia đình ông Xiêm, bà Hiền bước vào mùa ướp trà sen. Hàng nghìn bông hoa sen Bách Diệp được thu hái từ tờ mờ sáng, trải qua nhiều công đoạn thủ công, tách bông sen, gạo sen, sàng, sảy… cho ra nguyên liệu thô. Đến giai đoạn ướp trà đòi hỏi người có nhiều kinh nghiệm, đong đếm lượng trà và gạo sen cân đối, chè phải là chè nõn tôm Tân Cương hảo hạng. Thường thì làm ra được 1kg trà sen cần 1.500 bông sen Bách Diệp. Để phục vụ ướp trà đòi hỏi phải có nguồn hoa sen ổn định, gia đình ông Xiêm, bà Hiền đã thuê 7 héc ta đầm ở khu vực hồ Tây để canh tác, trồng sen Bách Diệp.
Mỗi mẻ trà sen trải qua đủ 21 ngày với 7 lần vào hương và 7 lần sấy mới hoàn thành. Nhiều năm qua, bà Hiền là người đảm trách công việc đứng sấy trà, mỗi mẻ sấy trên than hoa truyền thống đòi hỏi phải đặt tâm thức lên hàng đầu, canh lửa đều để trà sen giữ được trọn hương vị. Sau nhiều công đoạn tỉ mỉ, trà sen của gia đình bà Hiền sẽ có màu nước vàng đặc trưng như mật ong, đọng vị ngọt dần, ngọt hậu trong cổ, đượm nồng và say hương.
Lưu giữ nghề truyền thống
Trà sen khó làm nhưng cũng kén cả việc pha trà. Trà sen ngon nhất được pha vào ấm đất nung Bát Tràng, dùng nước mưa pha trà, kế đến là độ nóng của nước ước chừng chỉ khoảng 85-90 độ C. Người pha trà nhẹ nhàng tráng bộ ấm đất, đổ lượng trà sen và không cần tráng lại nước bởi trà sen đã giữ được độ sạch và để tránh mất hương vị. Cách thưởng thức trà sen đúng cách là nhấp từng ngụm nhỏ trong tâm thế thư thái, không vội vàng.
Giữ nghề ướp trà sen, đến nay trà sen của gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm với thương hiệu “Trà sen Hiền Xâm” được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. So với giá thành thị trường, trà sen ướp truyền thống của gia đình hiện được bán với mức giá 8-10 triệu đồng/kg. Dù giá thành cao nhưng tính ra qua mỗi công đoạn làm tỉ mỉ, công phu thì mỗi cân trà sen chỉ được “lãi” bằng đam mê giữ nghề truyền thống. Đáp ứng thị hiếu người dùng, gia đình bà Hiền cũng làm trà bông sen. Đó là thứ trà được ướp xổi trong những bông hoa sen, dùng lá sen gói lại. Bông sen ngậm chè được cắm vào nước qua một đêm, giá thành dao động từ 30-35 nghìn đồng/bông.
Đầm sen 7ha tại khu vực hồ Tây của gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm và bà Lưu Thị Hiền. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Bà Lưu Thị Hiền cho biết, trước đây, nghề làm trà sen truyền thống có khoảng 20 gia đình, đến nay chỉ còn 3-4 hộ, số lượng rất ít, mỗi mùa chỉ 10-20kg. Hiện nay, nhiều gia đình hướng đến việc làm trà bông sen vì tính thời vụ, giá thành rẻ. Nghề ướp trà sen Tây Hồ có chỗ đứng, thương hiệu trên thị trường nhưng việc gìn giữ nghề truyền thống không bị mai một cần một thế hệ trẻ yêu nghề. Gia đình ông Xâm, bà Hiền là đời thứ 5 làm nghề và luôn truyền dạy cho các con, cháu tình yêu, niềm đam mê với nghề từ khi còn nhỏ.
Từng đi du lịch tại Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và được hướng dẫn viên đưa đến nhiều cơ sở giới thiệu sản phẩm địa phương, khách du lịch đến mua rất nhiều sản phẩm sau khi nghe câu chuyện của họ. Sau mỗi chuyến du lịch, bà Hiền luôn khao khát sản phẩm trà sen cũng được giới thiệu như các nước bạn.
Bày tỏ niềm vinh dự khi được chọn là gia đình nghệ nhân tiêu biểu tham gia Lễ hội Sen Hà Nội lần thứ nhất năm 2024, bà Hiền phấn khởi: “Gia đình háo hức chuẩn bị những loại chè ngon nhất. Chúng tôi hứa sẽ mang đến những ấm trà ngon đặc biệt giới thiệu cho du khách tại lễ hội. Hy vọng, với việc tích cực quảng bá, sản phẩm trà sen sẽ được bay xa”.
Nêu ý kiến về việc Lễ hội Sen Hà Nội hướng tới sự kiện thường niên và trở thành sản phẩm đặc thù của Hà Nội, bà Hiền cho biết rất ủng hộ với chủ trương, chính sách của quận Tây Hồ và TP Hà Nội. Cùng với đó, “Nghề ướp trà sen Tây Hồ” được đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là cơ hội lớn để quảng bá, vinh danh nghề làm trà sen Hà Nội tới đông đảo du khách, chung tay góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quận Tây Hồ thành Trung tâm văn hóa du lịch của Thủ đô.
Lưu giữ nét đẹp văn hoá Hà Nội trong nghệ thuật ướp trà sen Tây Hồ | |
Tháng Bảy rực rỡ với sắc sen Hà Nội | |
“Đánh thức” giá trị mới của sen Hà Nội |