Trước tình trạng nhập nhằng trong việc xác định tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo tiêu chí xã nông thôn mới,đnhđồnggiữanướcsạchvnướchợpvệone88. uk phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lòng (ảnh), Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (trung tâm) tỉnh Hậu Giang. Ông Lòng cho biết:
- Hiện nay, trung tâm quản lý 167 trạm đang hoạt động, gồm 31 trạm cấp nước tập trung, 136 trạm cấp nước mini. Các trạm cấp nước tập trung hiện hoạt động rất ổn định, hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn một số trạm cấp nước mini xuống cấp phải thường xuyên sửa chữa để duy trì chất lượng nước, cũng như một số ít khác sử dụng nguồn nước ngầm trong quá trình khai thác nên đôi lúc không đủ nước cấp cho người dân.
Như vậy, chất lượng nước ở các trạm hiện nay có đạt chuẩn nước sạch không, thưa ông ?
- Hàng tháng, để đảm bảo chất lượng nước cung cấp cho người dân, trung tâm luôn thực hiện công tác kiểm tra theo hướng dẫn của Thông tư số 50/2015/TT-BYT ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế. Ngoài ra, định kỳ 6 tháng/lần, trung tâm còn thuê Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hậu Giang xét nghiệm mẫu nước của trạm theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành (Quy chuẩn 02). Hiện chất lượng nước của các trạm đều đảm bảo theo quy chuẩn.
Thời gian qua, vẫn còn tình trạng đánh đồng giữa nước sạch và nước hợp vệ sinh, nhất là nước mưa có được xem là nước sạch không, thưa ông ?
- Theo hướng dẫn của Quyết định số 2570/QĐ-BNN-TCTL ngày 22/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt điều chỉnh Bộ chỉ số và tài liệu hướng dẫn triển khai công tác theo dõi - đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thì nước sạch và nước hợp vệ sinh được phân biệt như sau:
Về nước sạch là nước đáp ứng các chỉ tiêu theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt - QCVN 02:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 17/6/2009. Chủ yếu là phải dựa vào thiết bị thí nghiệm để đánh giá. Trong đó, nguồn nước được lấy mẫu xét nghiệm tại cơ quan có đủ tư cách pháp nhân. Còn nước hợp vệ sinh là nước được sử dụng trực tiếp hoặc sau khi xử lý thỏa mãn các điều kiện: trong, không màu, không mùi, không vị. Chủ yếu là dùng cảm quan để đánh giá.
Theo hướng dẫn như trên thì nước mưa được thu hứng từ mái ngói, mái tôn, trần nhà bằng bê tông (sau khi đã xả nước bụi bẩn trước khi thu hứng), trong bể chứa, lu chứa được rửa sạch trước khi thu hứng và sử dụng cho sinh hoạt thì được đánh giá là nước hợp vệ sinh. Để đánh giá nước mưa có phải là nước sạch hay không cần phải kết hợp với việc xét nghiệm mẫu nước có thỏa mãn 14 chỉ tiêu theo Quy chuẩn 02:2009/BYT không, sau đó mới kết luận được.
Thưa ông, để đánh giá một xã đạt tiêu chí nước sạch theo chuẩn nông thôn mới thì đòi hỏi yêu cầu gì ?
- Theo Quyết định số 239/QĐ-UBND ngày 14/02/2017 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2017-2020, xã đạt được tiêu chí nước sạch theo chuẩn nông thôn mới thì tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo quy định phải đạt 65%. Để tính được tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trong xã, chúng ta tính như sau: “Bằng tổng số hộ dân sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN 02 từ công trình cấp nước tập trung và từ các công trình cấp nước nhỏ lẻ của xã, chia cho tổng số hộ dân trong xã rồi nhân 100%”.
Với cách tính như trên thì tỷ lệ hộ dân có nước sạch của xã Hỏa Tiến hay Phú An có phù hợp với số liệu đã công bố, thưa ông ?
- Trên thực tế, nước sạch không chỉ có các công trình cấp nước tập trung mới đạt chuẩn nước sạch mà ngay cả nước hợp vệ sinh vẫn có thể được gọi là nước sạch sau khi kết hợp với việc xét nghiệm mẫu. Ngoài ra, hình thức lấy mẫu này sẽ được lấy ngẫu nhiên từ 8-10 hộ trong ấp. Các mẫu đó sẽ đại diện cho tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch của toàn ấp. Cứ thực hiện tương tự như thế, sau đó cộng tất cả các hộ dân có nước sạch sử dụng chia cho tổng số hộ dân toàn xã nhân với 100 sẽ tính được tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch của toàn xã.
Vì thế, tôi không thể trả lời được là tỷ lệ hộ dân có nước sạch của xã Hỏa Tiến hay Phú An có phù hợp hay không? Bởi việc này đều thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nếu muốn xác định được chính xác hay không thì phải lấy mẫu toàn xã thì mới ra tỷ lệ chính xác. Tuy nhiên, điều này rất khó thực hiện, do không có kinh phí.
Theo ông, việc lấy mẫu ngẫu nhiên liệu có khách quan và phản ánh được chất lượng nước sạch ở từng xã ?
- Tỷ lệ này là tỷ lệ động, hoàn toàn có thể bị rớt nếu lấy mẫu không đạt. Tuy nhiên, khả năng nước hợp vệ sinh đạt theo chuẩn nước sạch cao nhất chỉ khoảng 60%. Chính vì thế, để làm rõ điều này, trong thời gian tới, trung tâm sẽ đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh kiểm tra để đảm bảo tính chính xác, khách quan hơn.
Để nâng tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch, các xã phấn đấu hoàn thành tiêu chí nông thôn mới năm nay có được đầu tư các trạm cấp nước tập trung, thưa ông ?
- Hiện nay, trung tâm đang xây dựng 3 trạm cấp nước tập trung trên địa bàn của 3 xã là Bình Thành, huyện Phụng Hiệp; Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A và Vị Thắng, huyện Vị Thủy. Dự kiến trong năm nay sẽ đưa vào hoạt động. Dự án có công suất thiết kế cung cấp nước cho khoảng 1.904 hộ dân, góp phần nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trong xã và các xã lân cận. Riêng năm 2017, trung tâm được bố trí vốn để đầu tư 1 trạm cấp nước tại xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, để giúp địa phương này hoàn thành tiêu chí 17.1 của xã.
Các xã khác ngoài việc hộ dân đầu tư công trình cấp nước nhỏ lẻ, trung tâm còn hỗ trợ địa phương bằng cách trích kinh phí của đơn vị để mở rộng thêm tuyến ống cấp nước, tăng số hộ sử dụng nước máy, nâng cao tỷ lệ nước sạch, nước hợp vệ sinh trong xã. Ngoài việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các trạm cấp nước trên địa bàn xã thì địa phương cần phải tuyên truyền sâu rộng cho tất cả người dân nâng cao ý thức trong việc sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch, góp phần cho xã đạt tiêu chí 17.1.
Xin cảm ơn ông !
THANH THÚY thực hiện