发布时间:2025-01-10 09:21:01 来源:88Point 作者:Cúp C2
Thoạt nhìn ai cũng tưởng công việc của nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội (TTBTXH) tỉnh rất nhàn nhã, nhưng có vào trung tâm và quan sát công việc của họ mới biết đây không phải là công việc đơn giản. Họ làm việc không đơn thuần chỉ để mưu sinh và chỉ có những người có tâm, biết yêu thương những mảnh đời bất hạnh mới có thể gắn bó được với nơi này. Họ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và rất cần sự quan tâm của xã hội.
Anh Nguyễn Văn Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết, hiện trung tâm đang tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 104 người. Trong đó, có 47 cụ già neo đơn không nơi nương tựa, 52 trẻ (sơ sinh, mồ côi, khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn), 1 đối tượng lang thang và 4 trẻ bị bỏ rơi.
Thời gian giải trí của các cháu trong TTBTXH. |
Vì nuôi dưỡng nhiều người khác nhau, chênh lệch về độ tuổi, mắc nhiều bệnh tật, số người phải chăm sóc, phục vụ tại chỗ ngày càng nhiều nên công việc của nhân viên ở trung tâm vô cùng vất vả. Một ngày họ phải làm rất nhiều công việc, từ dọn phòng, cho ăn, thay quần áo, tắm rửa đến chăm sóc, điều trị bệnh, phục hồi chức năng... Có những người bị liệt, cần tới 2-3 người nâng đỡ để vệ sinh cá nhân, những trẻ nhỏ vài tháng tuổi bị bệnh nặng, khát sữa mẹ quấy khóc đêm ngày... nhưng những người làm việc tại trung tâm vẫn hết lòng chăm sóc, phục vụ.
Chị Phan Thị Thuý, Nhóm trưởng Nhóm trẻ sơ sinh, khuyết tật, chia sẻ, hiện trung tâm có khoảng 23 trẻ nằm trong nhóm này, do không làm chủ được bản thân nên cứ sau một đêm là các cháu biến phòng ngủ trở nên dơ bẩn. Mùi hôi thối không ngừng bốc lên và công việc của nhân viên nơi đây là dọn dẹp các phòng này vào mỗi ngày.
Sáng sớm, chị dọn dẹp vệ sinh cho các cháu, sau đó giặt chăn, mền, rồi cho trẻ ăn cơm. Thời gian đầu làm việc chưa quen nên chị Thuý cũng khá lúng túng. Các cháu không kiểm soát được bản thân nên phóng uế ra khắp phòng, từ trên giường ra đến cửa. Có hôm chị vừa dọn dẹp phía trước thì đằng sau các cháu tiếp tục bôi bẩn.
Buổi sáng là thời gian vất vả nhất trong ngày, còn đến buổi trưa, chiều, tối thì chỉ lo cho các cháu ăn ngủ thôi. Làm lâu rồi cái nghề nó ngấm vào máu lúc nào không hay, bây giờ chị Thuý coi đó như là công việc thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày của mình. Chỉ những người biết thông cảm và yêu thương những hoàn cảnh con người ở đây mới có thể bám trụ được. Nếu làm để mưu sinh thì với đồng lương hạn hẹp như hiện nay thì có lẽ những người như chị Thuý đã nghỉ việc từ lâu rồi.
Làm việc hiệu quả, có tâm với nghề nhưng những nhân viên như chị Thuý đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Hiện nay trung tâm có 45 công chức, viên chức và hợp đồng lao động, trong đó có nhiều người chưa đủ chuẩn theo quy định và họ đang đứng trước nguy cơ bị mất việc.
Cũng theo quy định, có 2 người hết hợp đồng mới được nhận 1 người, như vậy nếu nhận vào người mới thì số lượng nhân viên trung tâm sẽ giảm dần, trong khi số lượng người cần bảo trợ ngày càng tăng. Ðặc biệt, khi có bệnh là trẻ sơ sinh hoặc các cụ sống thực vật thì phải có 2 người chăm sóc, nếu có nhiều trường hợp như vậy sẽ dẫn đến thiếu người. Trung tâm cũng có tuyển những người đủ bằng cấp vào làm việc nhưng hầu hết họ vào không được bao lâu thì bỏ việc.
Những người được trung tâm tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng là những người sống neo đơn từ 60 tuổi trở lên (tàn tật, hộ nghèo…) và trẻ em dưới 18 tuổi (cha mẹ mất, mất nguồn nuôi dưỡng…). Từ điều kiện này lại phát sinh ra một vấn đề hết sức nan giải là người trên 18 tuổi và dưới 60 tuổi không cơ quan nào tiếp nhận, chăm sóc.
Phó Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh Cà Mau Trần Quang Làng trăn trở: “Vào các dịp lễ thì các đối tượng lang thang được gom lên trung tâm quản lý trong vòng 1 tháng, trong thời gian này trung tâm sẽ tiến hành sàng lọc người đáp ứng đủ điều kiện, sau đó làm thủ tục tiếp nhận, còn người không đủ điều kiện sẽ trả về địa phương. Ðiều này lý giải tại sao lâu lâu chúng ta lại thấy có một số đối tượng lang thang ăn xin ngoài đường. Ðối với các đối tượng có nơi cư trú trên địa bàn tỉnh thì chỉ còn cách tuyên truyền giáo dục cho họ không đi lang thang. Riêng các đối tượng lang thang không cư trú ở địa phương nhưng nằm trong khung trên 18 đến dưới 60 tuổi thì đây thật sự là vấn đề nan giải vì vẫn chưa cơ quan nào chịu trách nhiệm đối với các trường hợp này".
Anh Nguyễn Văn Tấn cho biết thêm, điều kiện cơ sở vật chất của trung tâm chưa đảm bảo, chưa có khu dành riêng cho các đối tượng được giữ tạm thời 1 tháng để sàng lọc. Thay vào đó, các đối tượng này được ghép chung với những người đã ở trước. Trong khi trung tâm đã quy định nền nếp, giờ giấc hẳn hoi thì các đối tượng này thường không tuân thủ quy tắc nào, họ quậy phá, nói chuyện lớn tiếng… khung cửa sổ là do họ bẻ gãy để trốn ra ngoài.
"Một điều làm các nhân viên trung tâm cảm thấy rất mủi lòng chính là việc các cháu bé mới được sinh ra chẳng bao lâu bị đem bỏ trước cổng trung tâm, đặc biệt là các cháu bị khuyết tật. Trung tâm cũng đã thông báo trên đài truyền hình những trường hợp này nhằm cho người dân biết để báo cho trung tâm biết gia đình của họ ở đâu nhưng chẳng phát huy tác dụng, vì thường người ở tỉnh này thì đem lại trung tâm tỉnh khác bỏ nên cũng đành chịu. Hoặc sau khi tiếp nhận các đối tượng tâm thần, chúng tôi cho họ uống thuốc, điều trị một thời gian thì họ dần tỉnh lại và bắt đầu nhớ nhà, có trường hợp cho chúng tôi cả số điện thoại, sau khi gọi thì gia đình đối tượng cho biết đó chính là con của họ nhưng gia đình nuôi không nổi nên không đến rước về", anh Tấn bộc bạch.
Ðối với những đứa trẻ mất mẹ hay chưa bao giờ được biết mặt mẹ mình là ai thì “mẹ Út” chính là người mẹ hiền.
Tâm huyết với nghề, cảm thông, yêu thương những mảnh đời bất hạnh nên chị Trần Thị Út, Trưởng Phòng Nuôi dưỡng trẻ và Giáo dục định hướng, cũng xem các cháu là những đứa con ruột thịt của mình. Chị lo từng miếng ăn giấc ngủ cho các cháu, đứa nào tới tuổi đi học thì gửi đến trường học đàng hoàng. Năm học 2015-2016, 100% các cháu trong độ tuổi đủ điều kiện đi học đều được đến trường. Ðầu năm học có 28 cháu đến trường, cuối năm học còn 25 cháu do có người nhận các cháu làm con nuôi. Ðáp lại các cháu học tập rất chăm chỉ, nhiều cháu đạt thành tích khá, giỏi.
Cháu Lê Chí Bảo,13 tuổi, là một trong những cháu có thành tích học tập rất tốt. Bảo có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, mẹ mất, cha thì bỏ đi biển biền biệt, Bảo đến trung tâm lúc 8 tuổi. Từ lòng yêu thương của mẹ Út và các nhân viên trung tâm, Bảo đã cố gắng học tập, nhiều năm liền Bảo là học sinh giỏi. Vừa qua, Bảo được biểu dương tại Hội nghị Biểu dương trẻ khuyết tật, mồ côi, người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V tại Thủ đô Hà Nội.
Thương yêu trẻ bao nhiêu thì chị Út lại càng lo lắng cho các cháu bấy nhiêu. Chị tâm sự: "Ðây là lứa tuổi mà các cháu chưa hình thành nhân cách nên trung tâm rất chú trọng công tác giáo dục. Cũng giống cái khó chung của trung tâm, khu quản lý, nuôi dạy trẻ rất cần khu dành riêng cho các cháu mới vào, cách nói chuyện, hành xử của các cháu đã quen với môi trường ngoài xã hội, vì vậy, nếu quản lý, giáo dục không khéo sẽ ảnh hưởng đến các cháu được trung tâm nuôi dưỡng từ nhỏ".
"Bên cạnh đó, tỉnh cũng chưa có lớp hướng nghiệp dành cho các cháu thuộc đối tượng này, khi các cháu qua 18 tuổi, trung tâm phải trả các cháu về cộng đồng, các cháu chịu đi học thì đỡ, còn các cháu không chịu học khi ra khỏi trung tâm không có nghề nghiệp, chơi bời lêu lổng, từ đó trở thành gánh nặng cho xã hội", chị Út lo lắng./.
Giám đốc TTBTXH tỉnh Cà Mau Ðào Minh Hoàng cho biết, việc chăm sóc, nuôi dưỡng người được bảo trợ luôn được trung tâm thực hiện đảm bảo. Trung tâm luôn đặt việc chăm sóc sức khoẻ lên hàng đầu, nhất là đối với các cụ, các cháu ốm đau, nằm tại chỗ không tự phục vụ được. Bộ phận y tế thường xuyên kiểm tra, theo dõi sát tình hình sức khoẻ cho từng đối tượng. Tuy nhiên, các cụ, các cháu rất thiếu thốn tình cảm nên rất cần các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội quan tâm để họ cảm thấy được an ủi, giúp họ sống vui, sống khoẻ, sống có ích. |
Bài và ảnh: Quách Nguyên
相关文章
随便看看