Ứng dụng trên di động “Hậu Giang” (app Hậu Giang) từ khi được đưa vào sử dụng thử nghiệm đã nhận được sự quan tâm của cán bộ,ỨngdụngHậuGiangsẽgpphầntăngniềmtincủangườkết quả phap công chức, viên chức và người dân trong, ngoài tỉnh. Phóng viên Báo Hậu Giang có dịp gặp và trao đổi với ông Hồ Viết Quang Thạch (ảnh), Trưởng phòng Dự án Trung tâm Tin học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện của nhóm xây dựng, phát triển ứng dụng, để giúp độc giả biết thêm những điều phía sau dự án công nghệ khá đặc biệt này, được thực hiện theo đặt hàng của tỉnh Hậu Giang...
Điểm nhấn nổi trội của ứng dụng “Hậu Giang” là gì, thưa ông ?
- Trước đây, nhiều tỉnh, thành muốn triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát khắp tất cả các nơi, các tuyến đường, điều này đem lại nhiều hiệu quả trong bảo vệ an ninh trật tự nhưng kinh phí đầu tư và bảo trì không nhỏ. Với ứng dụng này, trong chức năng “Phản ánh hiện trường” sẽ ghi nhận đa dạng ý kiến của người dân chuyển đến cho ban quản trị ứng dụng và ngành chức năng xử lý, mỗi người dân có cài đặt ứng dụng sẽ như một camera giám sát, còn ngành chức năng sẽ kịp thời biết được nhiều thông tin phục vụ quản lý, điều hành.
Ứng dụng này tích hợp nhiều “câu chuyện” bên trong, với nhiều thông tin, nội dung phục vụ người dân. Cán bộ, công chức, viên chức còn có thể trao đổi thông tin với nhau như ứng dụng của các mạng xã hội khác đang sử dụng thông dụng hiện nay.
Vấn đề bảo mật thông tin người phản ánh và cho phép bất cứ ai có cài đặt ứng dụng đều có thể “phản ánh hiện trường”, liệu có gây quá tải và xuất hiện nhiều “tin rác” không, thưa ông ?
- Ứng dụng như một kênh ghi nhận phản ánh nhanh và tiện lợi nhất cho mọi người. Tuy nhiên, giai đoạn đầu sẽ có một số khó khăn nhất định. Theo tôi, việc nhận được nhiều sự phản hồi từ người dân sẽ là ưu thế và rất cần cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước. Còn việc xử lý đã có phân cấp, phân quyền, không dồn vào một đầu mối.
Việc phản ánh này đòi hỏi phải đúng người, đúng việc và người phản ánh phải chịu trách nhiệm với những thông tin phản ánh, do đó đòi hỏi phải rõ ràng, để bộ phận quản trị có thể xử lý nhanh chóng, liên hệ để làm rõ những vấn đề chưa cụ thể và cũng lọc được những phản ánh không đúng, không chuẩn, tránh tình trạng thông tin “rác”.
Quá trình xây dựng ứng dụng có nhiều khó khăn không, thưa ông ?
- Nhóm xây dựng và phát triển ứng dụng có mười mấy người. Ứng dụng được xây dựng thực chất chỉ là môi trường công nghệ để giải quyết các vấn đề về quản lý nhà nước, khó khăn nhất không phải ở chỗ phát triển ứng dụng, mà lo ngại nhất là khi công bố thì người dân có tiếp nhận, sẵn sàng sử dụng và gắn bó với ứng dụng này hay không? Đây là điều mà chúng tôi gọi là ứng dụng phải có “hồn”, làm ra phải được đón nhận, được đông đảo người sử dụng. Công nghệ phục vụ cho đời sống xã hội là ở chỗ đó.
Ở Việt Nam, có những địa phương nào đã triển khai ứng dụng này, thưa ông ?
- Theo tôi biết, ngoài Hậu Giang hiện nay chưa có nhiều tỉnh, thành mạnh dạn đầu tư thực hiện ứng dụng dạng này. Tỉnh Tây Ninh, Thừa Thiên Huế đã triển khai thực hiện, bước đầu mang lại những kết quả khả quan. Hiện chúng tôi đang triển khai cho tỉnh Cà Mau.
Trên thế giới những ứng dụng thế này có thông dụng không, thưa ông ?
- Chúng tôi chưa nghiên cứu kỹ điều này, phát triển ứng dụng này là theo yêu cầu đặt hàng từ lãnh đạo tỉnh Hậu Giang. Chúng tôi cố gắng phát triển ứng dụng tiện lợi và phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp bằng công nghệ, phù hợp với xu hướng hiện nay, góp phần cải cách hành chính, xây dựng hệ thống chính quyền thông minh, chính quyền điện tử.
Theo ông, nếu ứng dụng được nhiều tỉnh, thành thực hiện thì hiệu quả mang lại là gì ?
- Theo tôi hiệu quả cao nhất mang lại là “niềm tin”, khi chính quyền sử dụng các hình thức công nghệ phù hợp, đại chúng để gần dân, gắn bó với dân hơn thì người dân sẽ có sự gắn kết, tin tưởng vào quản lý nhà nước. Đây cũng là cách để người dân thực hiện quyền giám sát của mình.
Ai cũng có thể cài đặt ứng dụng nếu có điện thoại thông minh
Ứng dụng “Hậu Giang” trên thiết bị di động hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm và ai có điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android và iOS, dù ở trong hay ngoài tỉnh đều có thể cài đặt. Hiện ứng dụng có 9 chức năng: Phản ánh hiện trường; Lịch công tác; Thông tin chính quyền; Tập huấn trực tuyến; Khí tượng nông nghiệp; Giám sát môi trường; Đặt lịch khám bệnh; Thu hút đầu tư. Riêng chức năng Khảo sát ý kiến là phần xin ý kiến đánh giá người dùng về tiện ích các chức năng của ứng dụng. |
Xin cảm ơn ông !
HOÀNG NGUYÊN thực hiện