游客发表
发帖时间:2025-01-25 15:54:46
Anh Hà Phương Đông, Phó chủ tịch UBND xã Hoà Mỹ, hồi nhớ: “Thời điểm trước đây, Hoà Mỹ là xã nghèo của Cái Nước, còn mũi Ông Lục thì nghèo nhất xã Hoà Mỹ”. Rẻo đất cù lao này là ngã ba tiếp giáp giữa Cái Nước, Trần Văn Thời và Phú Tân, là căn cứ địa kháng chiến một thời. Thế đất như mũi tên vươn mình ra đầm Thị Tường, ai cũng bảo sau này sẽ phát triển. Và lần này chúng tôi quay trở lại, khó khăn của mũi Ông Lục không phải là đã hết, nhưng những đổi thay và niềm tin vào tương lai đang hiện hữu thật rõ ràng".
Qua rồi thời khó khăn
Sau 12 năm chia tách (từ xã Hưng Mỹ), Hoà Mỹ đã có hành trình phát triển ấn tượng. Anh Đông thông tin: “Ngày chia tách, xã chưa có mét lộ giao thông nông thôn nào, còn hiện tại cơ bản đã đấu nối hết các trục huyết mạch”. Giờ, 100% người dân Hoà Mỹ đã được sử dụng điện, một điều không ai tin được. Hoà Mỹ cũng là 1 trong các xã đang được thẩm định những tiêu chí cuối cùng để công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đi nhiều nơi, mô hình nuôi tôm công nghiệp ở các địa phương đều vướng vào cái thiếu, đó là điện 3 pha, thì Hoà Mỹ đã có hơn 15.000 m điện (3 pha) phục vụ sản xuất. Hoà Mỹ là nơi tiên phong và bước đầu thành công với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại Cái Nước.
Với anh Đông, điều mừng nhất là đời sống của Nhân dân đã được nâng lên ở mọi bình diện. Từ lúc tỷ lệ hộ nghèo lên đến gần 20%, nay chỉ còn trên 3%, thu nhập bình quân đầu người cũng đạt xấp xỉ 40 triệu đồng/năm. Những người lãnh đạo Đảng, chính quyền của Hoà Mỹ luôn xông xáo trên mặt trận chống đói nghèo, quyết tìm ra phương cách để người dân phát triển. Cũng từ đó, các dự án chuyển giao khoa học - công nghệ, đặc biệt là ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã lần lượt “trình làng”. Từ nuôi cua, tôm cho đến tận dụng bờ thửa để trồng rau màu, đâu đâu cũng bừng lên khát vọng đổi thay.
Từ năm 2011-2017, tổng kinh phí huy động xây dựng nông thôn mới của xã ước đạt trên 355 tỷ đồng, điều đáng nói là sức đóng góp của người dân Hoà Mỹ quả thật đáng khâm phục với hơn 143 tỷ đồng. Về điều này, anh Đông phân tích: “Dân Hoà Mỹ hễ đã tin thì hết lòng hết dạ cùng với địa phương thực hiện các nhiệm vụ chính trị”.
Từng đồng tiền, ngày công của bà con được xã chắt chiu, trân trọng, coi đó là nguồn lực chủ đạo trong dựng xây, phát triển quê hương. Các thông tin về xây dựng nông thôn mới, nhất là việc công khai các khoản kinh phí và mục đích sử dụng được Hoà Mỹ triển khai tới người dân thường xuyên, minh bạch. Khi quyết định đầu tư xây dựng, xã cũng bàn trước với bà con, giải thích những lợi ích mà công trình mang lại.
Có lẽ tín hiệu tích cực nhất ở Hoà Mỹ chính là nhận thức, là sự tin tưởng của người dân vào tương lai phát triển. Từ một xã nghèo, điều kiện hạ tầng và nội lực kinh tế không đáng kể, Hoà Mỹ đã vươn lên thành một điểm sáng của Cái Nước. Sự thay da đổi thịt ấy không ngẫu nhiên mà có, đó là sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, sự chung sức chung lòng của toàn thể Nhân dân. Tại đây, có một điều giản dị nhưng cốt lõi, nền tảng đó là sự bền chặt giữa ý Đảng và lòng dân, sự gần gũi, sâu sát của người cán bộ với thực tiễn đời sống.
Mũi Ông Lục vươn mình
Phía xã Hoà Mỹ, mũi Ông Lục có trên 50 hộ dân sinh sống. Tìm đến ông Bảy Dân (Mai Trung Trực, ấp Thị Tường, xã Hoà Mỹ, là người gắn bó với vùng đất này từ thời kháng Mỹ), ông thông tin: “Cái mũi đất ngoài đó ngày xưa không có dân sinh sống mà là rừng chồi để các cơ quan, cán bộ của ta bám trụ đánh giặc”.
Đất mũi Ông Lục trước đây phèn mặn, hầu như không trồng trọt được, giờ có điện, có nước, ông Lê Thanh Duyên trồng thêm luống rau, vài chậu kiểng trước nhà. |
Từ thông tin của ông Bảy, chúng tôi biết thêm nhiều cơ quan từng chọn địa bàn này làm nơi đứng chân, trong đó có những cơ quan đầu não kháng chiến của miền Nam và tỉnh Cà Mau. Tại kinh Mười Phải ăn thông ra mũi Ông Lục, ông Bảy cho biết: “Mấy chục nóc gia ở đây đều trọn lòng theo cách mạng, không một ai phản bội”. Người dân có thể nhịn ăn để dành lương thực, thực phẩm cho bộ đội. Mặc bom đạn, giặc càn phá, người dân “một tấc không đi, một ly không dời” để bảo vệ cách mạng.
Ông Vương Thanh Dũng, Bí thư Chi bộ ấp Thị Tường, thông tin: “Ngoài đó bà con bây giờ có cuộc sống tương đối ổn định, chỉ còn mấy hộ mới ra riêng là gặp đôi chút khó khăn”.
Ông Bảy Dân nhớ lại: “Tiếp thu rồi dân mình mới ra đó sống, mà đất đó phèn mặn dữ lắm, đâu có làm ăn gì được. Vậy rồi cái nghèo đeo miết, cho tới bây giờ mới khấm khá chút đỉnh”.
Từ năm 2000, mũi Ông Lục bắt đầu chuyển mình với con tôm, con cua và huê lợi từ ven đầm Thị Tường, người người, nhà nhà không còn lo lắng chuyện chạy gạo, chạy cơm từng bữa. Đó cũng là thành quả từ việc Hoà Mỹ đã nạo vét, thông luồng cho các tuyến thuỷ lợi nối ra mũi, đất đai dần thành thuộc và bớt đi cái khắc nghiệt của mặn phèn.
Theo ông Phạm Văn A, trước đây ngoài mũi hầu như không trồng trọt được gì, không điện, không nước, không lộ giao thông, con nít lớn lên học vài ba năm là nghỉ. Cái nghèo quẫn bách khiến mũi Ông Lục như một ốc đảo cô đơn lặng lẽ tách mình ra khỏi cộng đồng. Vậy nhưng, vài năm trở lại đây, chính ông A cũng bất ngờ: “Thỉnh thoảng ra thăm bà con, thấy nhà nhà yên vui, có của ăn, của để mình mừng lắm. Chỗ đó mà hết khó khăn thì cả Hoà Mỹ này sẽ phát triển biết chừng nào”. Tuy nhiên, dân mũi cũng còn nỗi trăn trở, đó là lộ giao thông nông thôn. Nghe nói có dự án của một tổ chức đã triển khai 3 năm, nhưng tới giờ vẫn chưa đâu vô đâu, khiến người dân nơi đây bức xúc.
Gia đình anh Huỳnh Văn Trí, mũi Ông Lục, ấp Thị Tường, xã Hoà Mỹ khá lên từ nuôi tôm công nghiệp.Ảnh: THANH NHÀN |
Trời mưa nặng hạt, chúng tôi chạy vỏ lãi đuôi tôm ra đầu mũi để thăm người quen cũ, ông Lê Thanh Duyên. Ngày ông Duyên mới về đây, mũi Ông Lục là nơi rừng thiêng, nước độc, cả nhà chỉ trông đợi vào biền lá dừa nước ven đầm Thị Tường để mưu sinh. Còn bây giờ, trước nhà có luống rau, điểm thêm mấy chậu kiểng nhỏ xinh. Dưới đầm là lứa cua, tôm đang vào độ thu hoạch. Bên ly trà quạu, ông bộc bạch: “Ừ thì cũng bớt cực hơn hồi trước, tính đâu không sống nổi vậy mà giờ cũng ổn định rồi đó”. Ông Duyên nói: “Mũi Ông Lục giờ có điện, có nước, có người bám trụ nhưng chưa có được tuyến lộ giao thông, cái này phải giải quyết sớm cho bà con, chớ khó lắm”.
5 năm chúng tôi trở lại, mũi Ông Lục đã khoác lên mình màu áo mới. Ngồi ở mũi đất cù lao này nhìn ra mặt đầm mênh mông, ngẫm ra mới thật sự khâm phục sức lao động của con người. Trong cái ấm nồng của lòng người, của sự đổi thay và niềm tin phát triển, câu thơ từ đâu cứ vang vọng lại: “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”./.
Quốc Rin
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接