【bang xep hang hang nhat vn】Thu theo khả năng nền kinh tế, chi theo dự toán, vay theo khả năng trả nợ
Cơ quan thuế đã dự toán thu sát thực tế
Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về tăng cường kỷ luật, kỷ cương NSNN. Đây là vấn đề được dư luận và các đại biểu Quốc hội quan tâm tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra.
Một số phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến kỷ luật tài chính - ngân sách như một số bộ, ngành dự toán không sát; lập dự toán thu phí lệ phí thấp hơn Bộ Tài chính giao; chi sai nguồn, sai mục đích, làm rõ trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương...
Ông Võ Thành Hưng cho biết, kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách là vấn đề lớn, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, được Quốc hội và Chính phủ đề cao. Tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội đã yêu cầu trong thời gian tới là kỷ luật, kỷ cương tài chính.
“Thu theo khả năng của nền kinh tế, chi theo dự toán và vay nợ theo khả năng trả nợ. Bộ Tài chính đã quán triệt nguyên tắc điều hành như vậy”, ông Võ Thành Hưng khẳng định.
Liên quan đến kết luận Kiểm toán Nhà nước có nêu “cơ bản kiểm toán vào các doanh nghiệp đều có tình trạng kê khai thiếu doanh thu, thiếu thuế”, ông Hưng cho biết, đây là vấn đề khá đau đầu với cơ quan thuế, cơ quan hải quan.
Tuy nhiên, hiện nay thực hiện theo cơ chế quản lý rủi ro, quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, doanh nghiệp tự khai tự chịu trách nhiệm. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đặc biệt nhấn mạnh việc thanh kiểm tra, năm 2017 cơ quan thuế thực hiện kiểm tra hơn 130 nghìn cuộc và thu hơn 150 nghìn tỷ đồng vào ngân sách.
Đối với giao dự toán chưa bao quát hết nguồn thu, ông Võ Thành Hưng cho biết, khi dự toán với các địa phương sẽ dựa trên cơ sở dự kiến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và chính sách thu hiện hành, trong đó có dự kiến các chính sách mới.
“Cơ quan thuế giao thu sát với thực tế, nếu nhìn vào dự toán 2 năm 2016 - 2017 thì thuế phí tương đối sát. Trong năm 2017 tăng thu khoảng 76 nghìn tỷ đồng, thì có 66 nghìn tỷ đồng tăng thu tiền sử dụng đất... cơ bản thuế, phí sát thực tế. Cả nước dự toán tương đối sát nhưng có địa phương hụt thu, cơ quan thuế không tính toán được các cơ sở kinh tế mới đi vào sản xuất hoặc kết quả kinh doanh năm sau để lại như lĩnh vực bất động sản, hay có doanh nghiệp năm trước kết quả sản xuất kinh doanh đạt tốt nhưng năm sau không tốt, cũng ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách...”, ông Võ Thành Hưng nhận định.
Về dự toán chi của địa phương cao hơn số thông báo của Bộ Tài chính, ông Hưng cho biết, đây là bài toán muôn thuở và quy luật tự nhiên, không chỉ ở nước ta mà các nước cũng có tình trạng này. Tuy nhiên, theo ông Hưng, trên cơ sở khả năng cân đối và ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia... thì năm 2018 chi quản lý hành chính cho các bộ cơ quan Trung ương “cơ bản đi ngang”, không tăng so với năm 2017, trừ các chi cho hội nghị quốc tế, các nhiệm vụ cấp bách...
Người đứng đầu Vụ NSNN của Bộ Tài chính cũng thừa nhận trên thực tế vẫn còn tình trạng chi vượt định mức, chi sai, tuy nhiên Kho bạc Nhà nước đã phát hiện chi sai, báo cáo Quốc hội.
“Việc này xuất phát từ chủ trương giao quyền tự chủ về tài chính cho các đơn vị, một mặt tạo thuận lợi, nhưng mặt khác thanh kiểm tra chưa sát nên việc vi phạm vẫn xảy ra”, ông Hưng nói.
Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện về pháp lý, tiếp tục hoàn thiện định mức tiết kiệm chi tiêu; thực hiện công khai minh bạch trong thực hiện dự toán quý, 6 tháng và 1 năm; công khai quyết toán, tăng cường giám sát, đẩy mạnh thanh kiểm tra và xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
Giải ngân phải đúng quy định, đúng dự toán
Liên quan đến việc giải ngân vốn vay ODA các dự án, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản gồm cả vay ODA và vay ưu đãi, thì một trong những nguyên tắc căn bản là phải đúng quy định và đúng dự toán.
Quang cảnh họp báo. Ảnh: T.T |
“Trước giai đoạn 2015 việc giải ngân không dựa trên dự toán Quốc hội giao mà theo tiến độ triển khai dự án, nên quyết toán NSNN hàng năm Chính phủ phải giải trình nhiều lần trước Quốc hội, là do nguyên nhân nêu trên”, ông Hoàng Hải nói.
Theo Luật NSNN 2015, kể từ năm 2016 trở đi, giải ngân ODA và vay ưu đãi đã theo dự toán Quốc hội giao, nhưng theo ông Hải, trên thực tế gặp một số vướng mắc, một số dự án vẫn theo thói quen cũ, nên việc triển khai không đúng, trong quá trình triển khai phải điều chỉnh. “Thực tế điều chỉnh dự án rất khó khăn, không thể có cơ chế chuyển vốn giải ngân chậm của địa phương này sang địa phương khác, hay từ bộ này sang bộ khác, ngay cả chuyển dự toán trong cùng một bộ cũng rất khó khăn”, ông Hoàng Hải cho hay.
Theo đại diện đơn vị này, việc điều chỉnh dự toán phải theo quy định của pháp luật và phải thực hiện dự toán sát hơn thực tế, đó là trách nhiệm của chủ dự án, để Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Quốc hội sát thực tế.
Liên quan đến việc dư luận bức xúc vì các dự án đầu tư bị đội vốn, ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến "đội vốn", có thể do khách quan và chủ quan. Với các nguyên nhân khách quan theo luật định thì việc điều chỉnh dự án và tăng vốn là cần thiết. Đối với các nguyên nhân chủ quan cần có phân tích đánh giá cụ thể đối với từng dự án để xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện, từ đó quy đúng trách nhiệm.
Đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này, ông Lê Tuấn Anh cho biết, các cấp thực hiện nghiêm túc đúng quy định; tăng cường phản biện độc lập trong lựa chọn quyết định đầu tư và thực hiện giám sát, kiểm tra nghiêm túc, chế tài xử lý theo hướng "mạnh và ngay"./.
Minh Anh