(CMO) Sau 2 năm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), các tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM được xã Phú Hưng, huyện Cái Nước tiếp tục phát huy, nâng cao chất lượng. Nổi bật là công tác giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.
“Trong công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), ý thức trách nhiệm của người dân là cốt lõi. Để nâng cao nhận thức của quần chúng Nhân dân, vai trò của các tổ chức cơ sở rất quan trọng. Vì vậy, huy động sự đóng góp của dân để xây dựng và phát triển các mô hình là cách làm mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giữ gìn ANTT trên địa bàn xã Phú Hưng thời gian qua”, ông Lê Văn Sáu, Phó chủ tịch UBND xã Phú Hưng, cho biết.
Trên bờ "giăng" rào
Hiện tại, xã Phú Hưng đã xây dựng 97 tổ Nhân dân tự quản với 194 thành viên. Đây là những nhân tố tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân kết hợp với diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân” để phát triển các mô hình: “Cổng ANTT”, “Tiếng loa an ninh”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Ánh sáng an ninh”… từ đó hạn chế tội phạm, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội.
Diễn tập thao tác “Lưới an toàn ANTT” ở cầu Giáo Mậu, ấp Hưng Thành. |
Ông Nguyễn Văn Sư, Bí thư Chi bộ ấp Cái Rắn A, phấn khởi: “Địa bàn rộng, bây giờ giao thông nông thôn phát triển rộng khắp, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương… Nhưng đó cũng là điều kiện để tội phạm lợi dụng hoạt động. Từ khi địa phương xây dựng cổng ANTT và người dân mắc đèn chiếu sáng vào ban đêm, nhiều vụ trộm cắp ở địa phương, hoặc ở các xã lân cận chạy qua địa bàn xã đã được người dân phát hiện, đóng cửa rào vây bắt. Vì thế tình trạng trộm cắp, tệ nạn xã hội giảm đáng kể".
Theo ông Ngô Thanh Chủng, Phó trưởng Công an xã Phú Hưng, từ năm 2015, Công an xã đã tổ chức dán danh thiếp (tên và số điện thoại của công an) tại nhà dân và thường xuyên tổ chức diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân”. Qua đó nhận được nhiều nguồn tin có giá trị (do Nhân dân cung cấp), giúp lực lượng công an xử lý hiệu quả, dứt điểm một số vụ việc nổi cộm, trong đó có không ít vụ trộm cắp, đối tượng bị người dân hợp sức vây bắt và giao công an xử lý.
Dưới sông "bủa" lưới
“Bế tắc” đường bộ, tội phạm chuyển sang hoạt động trên đường thuỷ, giả dạng là dân đi soi cua, bắt chuột… để tiếp cận và trộm tài sản của người dân rồi sử dụng phương tiện vỏ máy công suất lớn để thoát sự truy đuổi của quần chúng Nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Sáu, người dân ấp Phú Thạnh, nhớ lại: Khoảng năm 2013-2014, ấp Phú Thạnh và ấp Đường Cuốc liên tục bị mất trộm. Có trường hợp hai vợ chồng thức canh đến gần 3 giờ sáng, nghĩ rằng đã gần sáng mà trời đang mưa chắc không có gì xảy ra nên cả hai đi ngủ, nào ngờ sáng ra trong chuồng hơn 100 con cá sấu đã “không cánh mà bay”. Không chỉ cá sấu mà chó và bất cứ tài sản nào của người dân, đối tượng trộm luôn rình rập lấy cắp nếu người dân sơ hở.
“Trộm cắp trên đường sông ngày càng lộng hành ở Phú Thạnh và nhiều ấp khác trên địa bàn xã khiến lòng dân bất an. Song, khi “Lưới an toàn ANTT” được triển khai thực hiện tại cầu Điền Phú trên sông Ngã Ba Lầu vào tháng 7/2015, đã bế đường tẩu thoát của tội phạm, nạn trộm cắp giảm dần, từ đầu năm đến nay ở Phú Thạnh chưa nghe người dân báo có trộm”, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ấp Phú Thạnh, thông tin.
Cũng như “Cổng ANTT”, “Lưới an toàn ANTT” được đặt tại các điểm cầu nông thôn. Mành lưới có kích thước bằng với độ thông thuyền, hai đầu lưới được buộc chặt với đoạn tre, một phần trên được buộc cố định với hành lang cầu, phần còn lại cuộn lên buộc hờ với phần cố định. Khi có thông báo trộm xảy ra, người dân sẽ tháo phần buộc hờ thả lưới xuống rào ngang sông (phần trống 2 bên cầu đã được rào chắn bằng cây gỗ địa phương). Vướng lưới, phương tiện sẽ không thể qua được và người dân dễ dàng vây bắt đối tượng trộm cắp.
“Chi phí đầu tư “Lưới rào an toàn ANTT” (được xem là “sáng kiến Phú Hưng”) ít tốn kém nhưng hiệu quả mang lại rất cao trong công tác đấu tranh trấn áp tội phạm. Từ 6 lưới rào được thực hiện thí điểm vào năm 2015, đến nay trên địa bàn xã xây dựng được 25 “Lưới an toàn ANTT” tại các cầu nông thôn nơi địa bàn giáp ranh, nên đối tượng trộm cắp không dám vào, vì một khi vào mà bị phát hiện thì không có đường tẩu thoát. Đến nay, tình hình an ninh đường sông trên địa bàn trật tự và ổn định hơn”, ông Ngô Thanh Chủng cho hay.
Sáng kiến những mô hình hiệu quả và huy động sức mạnh của toàn dân cùng với hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt để kéo giảm tội phạm và tệ nạn xã hội. Năm 2016, xã Phú Hưng được UBND tỉnh Cà Mau tặng cờ thi đua tiêu biểu, dẫn đầu phong trào thi đua “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Những tháng đầu năm nay, tình hình ANTT ở Phú Hưng tiếp tục chuyển biến tích cực, trên địa bàn xã xảy ra 36 vụ vi phạm liên quan 56 đối tượng (số vụ và đối tượng đều giảm so với cùng kỳ năm 2016), trong đó xã đã ra quyết định xử phạt hành chính 22 vụ liên quan 52 đối tượng với số tiền trên 76 triệu đồng.
Mỹ Pha