Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử, di sản văn hóa của bộ môn lịch sử là hoạt động mang tính tiên phong, thí điểm trong việc tổ chức dạy học tại thực địa của nhà trường. Trong hoạt động giáo dục của trường THPT hiện nay, dạy học nội khóa là hình thức chính, chiếm chủ yếu thời gian học tập của học sinh ở trường và diễn ra liên tục trong suốt cả năm học. Hoạt động này có tính chất bắt buộc, kết quả học tập của học sinh được giáo viên kiểm tra, nhận xét, đánh giá. Bài học nội khóa có thể được tiến hành ở trên lớp hoặc ngoài thực địa. Dạy học tại thực địa (còn có tên gọi khác là dạy học tại hiện trường) là hình thức dạy học tại môi trường có hiện vật và các hoạt động liên quan chặt chẽ với nội dung bài học. Qua đó, tạo thuận lợi cho việc hình thành kiến thức, kỹ năng, thái độ của học sinh theo mục tiêu của bài học. Thông thường, việc dạy học tại thực địa được cụ thể hóa ở hai dạng thức là thực địa tại di tích, di sản và thực địa sản xuất, kinh doanh. Đối với bộ môn lịch sử, hoạt động dạy học nội khóa tại thực địa có thể tiến hành ở các di tích lịch sử, di sản văn hóa hoặc bảo tàng, nhà lưu niệm… có vai trò và ý nghĩa đặc biệt, bởi lịch sử gắn liền với các sự kiện, di tích, nhân vật. Trong học tập lịch sử hiện nay, đa số các em học sinh chỉ tiếp cận tri thức lịch sử một cách trừu tượng thông qua sách vở và bài giảng của thầy, cô ở trên lớp. Vì vậy, việc tổ chức dạy học nội khóa tại thực địa đối với môn lịch sử ngoài việc giúp học sinh tiếp nhận kiến thức lịch sử trong chương trình một cách trực quan, sinh động thì còn tạo hứng thú, khơi ngợi niềm đam mê học tập, nghiên cứu lịch sử cho học sinh, qua đó góp phần đổi mới và làm đa dạng phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng dạy học lịch sử. Xuất phát từ những ý nghĩa trên, một số tiết học lịch sử ở Trường THPT Hai Bà Trưng đã được giáo viên tổ chức tại di tích lịch sử, di sản văn hóa, vừa đảm bảo nội dung, vừa phong phú hình thức cũng như tạo ra hứng thú cho học sinh. Với hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa đa dạng của tỉnh Thừa Thiên Huế, bên cạnh hoạt động ngoại khóa, tham quan, trải nghiệm thì việc tổ chức dạy học nội khóa tại thực địa của bộ môn lịch sử, Trường THPT Hai Bà Trưng (TP. Huế) là rất cần thiết, nhằm khai thác nguồn sử liệu gốc gần gũi, tạo ra cơ sở vững chắc cho quá trình nhận thức và tư duy lịch sử, phát triển tính tích cực, sáng tạo của học sinh. Đây còn là giải pháp hữu hiệu có tính khả thi cao, giúp học sinh hiểu rõ hơn lịch sử địa phương mình, góp phần giáo dục lịch sử, văn hóa Huế cho học sinh, có ý thức trân trọng vốn di sản quý giá của cha ông để lại, khơi dậy lòng tự hào và ý thức bảo vệ, giữ gìn các di tích lịch sử, di sản văn hóa, từ đó giúp học sinh vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng, ý thức và nhân cách công dân, góp phần thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018. |