Người tiêu dùng lo ngại
Ngày 20/3 vừa qua, Bộ Công thương đã quyết định điều chỉnh tăng giá điện thêm 8,36%. Khảo sát của nhóm phóng viên TBTCVN sau gần 2 tuần điều chỉnh giá điện cho thấy, không ít người dân lo lắng giá các mặt hàng tiêu dùng, hàng hóa trên thị trường có thể sẽ được dịp tăng theo.
Chị Hà Diệu Linh, Khu chung cư Bộ Giáo dục và Đào tạo (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, trước đây trung bình mỗi tháng gia đình chị 4 người chi hơn 1 triệu đồng tiền điện. Biết tin giá điện tăng, chị Linh bày tỏ lo lắng sẽ mất thêm một khoản để bù đắp, nhất là khi sắp vào hè với nhu cầu sử dụng điện chắc chắn sẽ tăng cao hơn, thậm chí là gấp đôi các thời điểm khác trong năm.
“Việc tăng giá điện chúng tôi không phản đối, bởi tiền điện một tháng tăng thêm vài trăm nghìn đồng chúng tôi có thể chi trả được. Tuy nhiên, đáng lo hơn là hàng tá thứ sẽ được dịp tăng giá theo, trong khi tiền lương chưa tăng, kéo theo chi tiêu mỗi tháng của chúng tôi có thể tăng thêm hàng triệu đồng” – chị Linh nói.
Thông tin giá điện tăng cũng khiến nhiều người đi thuê trọ như chị Nguyễn Thu Phương (Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội) thấp thỏm như “ngồi trên đống lửa” vì sợ chủ nhà sẽ tăng giá. Chị Phương cho biết, chị hiện đang thuê phòng với giá 2,5 triệu đồng và mức tiền điện là 5.000 đồng/số. Dù chị sử dụng rất ít thiết bị điện: không dùng điều hòa, tủ lạnh, máy giặt nhưng mỗi tháng chị cũng mất từ 300.000 – 400.000 tiền điện.
“Nếu giá điện tăng chắc chắn chủ phòng trọ cũng sẽ tăng giá điện, giá nước lên. Chúng tôi là người thuê nên chủ nhà thu bao nhiêu phải đóng bấy nhiêu. Hiện tại, chúng tôi cũng chỉ biết cố gắng sử dụng tiết kiệm điện tới mức tối đa và mong sao chủ nhà trọ sẽ không tăng giá điện quá cao” - chị Phương ngậm ngùi.
Doanh nghiệp xoay sở với bài toán chi phí
Việc tăng giá điện không chỉ khiến người tiêu dùng, hộ gia đình lo lắng, các cơ sở sản xuất, DN cũng đang tìm các giải pháp để hạn chế tác động của việc điều chỉnh giá điện.
Ông Phí Ngọc Trịnh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Hồ Gươm cho biết, các DN trong ngành may thường phải sử dụng rất nhiều điện, từ việc sử dụng điện chiếu sáng, quạt cho những nhà xưởng rất lớn đến điện dùng cho các máy may, cầu là… Bởi vậy, việc tăng giá điện thêm hơn 8% sẽ kéo theo tổng chi phí của DN tăng thêm khoảng gần 2%. Cũng theo ông Trịnh, việc tăng giá chi phí đầu vào tất yếu sẽ kéo theo giá thành sản phẩm tăng.
“Đối với DN chúng tôi chuyên may hàng xuất khẩu, những đơn hàng đã được các đối tác đặt và chốt giá theo hợp đồng từ trước cả năm rồi. Do đó, thời điểm hiện tại chúng tôi chưa thể tăng giá sản phẩm lên được. Về lâu dài, chúng tôi cũng có thể phải tính toán cân đối lại giữa chi phí và giá thành sản phẩm” – ông Trịnh cho biết.
Tuy nhiên, ông Trịnh cũng cho rằng, trong trường hợp phải tăng giá thành sản phẩm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa, DN Việt. Bởi, hai yếu tố quan trọng cấu thành năng lực cạnh tranh của sản phẩm là chất lượng và giá cả. Do đó, khi giá cả sản phẩm tăng sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu ngày càng lớn khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Cũng có chung quan điểm như DN May Hồ Gươm, tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Cao Thanh Chức – Chuyên viên Marketing, Công ty Tôn Phương Nam, đối với nhiều DN không dễ để tính đến chuyện tăng giá sản phẩm trong thời gian ngắn tới. Bởi, khi tăng giá sản phẩm có thể DN sẽ mất ngay nhiều khách hàng và như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Do đó, nhiều DN sẽ phải chấp nhận giảm lợi nhuận để bù vào chi phí tăng giá điện, chứ không thể tăng giá sản phẩm ngay được.
“Như DN chúng tôi hiện nay đã đang sử dụng nhiều loại máy móc, thiết bị có khả năng tiết kiệm điện cao, nên việc tăng giá điện lần này DN cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục gia tăng đầu tư máy móc, thiết bị tiết kiệm điện, để cân đối hài hòa giữa chi phí và giá thành sản phẩm cũng như giữ vững được năng lực cạnh tranh của DN” – ông Chức chia sẻ.
Trong bối cảnh giá điện tăng, theo ông Trần Quốc Khánh - Phó trưởng phòng kinh doanh, Công ty Kính nổi Viglacera, để hạn chế tối đa việc tăng giá điện ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, các DN, nhất là những DN sử dụng nhiều điện, cần tích cực tuyên truyền, kêu gọi người lao động tiết kiệm điện, tắt những thiết bị điện khi không sử dụng...
* Ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:Nhiều doanh nghiệp tiêu tốn điện do sử dụng công nghệ lạc hậu
Ông Tô Hoài Nam |
Các doanh nghiệp (DN) sản xuất thường phải sử dụng rất nhiều điện để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Theo đó, chi phí cho điện cũng chiếm một khoản không nhỏ trong tổng chi phí hoạt động của DN.
Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các DN Việt, nhất là các DN nhỏ và vừa lại đang sử dụng rất nhiều máy móc, thiết bị lạc hậu, thậm chí đến vài thế hệ, tiêu tốn rất nhiều điện năng. Trong bối cảnh giá điện tăng, các DN nên quan tâm và chú trọng đầu tư nhiều hơn cho các máy móc, thiết bị có khả năng tiết kiệm điện cao để không ảnh hưởng quá lớn đến chi phí hoạt động của DN.
Bên cạnh sự chủ động ứng phó của DN trước những biến động của thị trường như giá điện tăng…, Nhà nước, các bộ, ngành cũng cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phát triển, nhất là các vấn đề như tiếp cận tín dụng, tiếp cận đất đai, cải cách thủ tục hành chính… Việc tháo gỡ dần những rào cản đang cản trở DN phát triển sẽ góp phần giúp DN Việt nâng cao sức cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay….
* Ông Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính: Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát
Ông Nguyễn Đức Độ |
Chính phủ và các cơ quan quản lý đã cân nhắc, tính toán kỹ các tác động trước khi quyết định tăng giá bán lẻ điện bình quân. Tôi cho rằng, chúng ta không nên quá lo lắng, bởi giá điện cũng như một số hàng hóa, dịch vụ vẫn phải điều chỉnh tăng theo lộ trình giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Việc trì hoãn không tăng giá có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
2 yếu tố “đe dọa” lạm phát trong năm 2018 là thịt lợn và tỷ giá được dự báo sẽ ổn định trong năm 2019, có nghĩa khả năng lạm phát năm 2019 là không đáng lo ngại. Kể cả với kịch bản giá xăng dầu tăng mạnh trở lại và tỷ giá có mức tăng tương đương năm 2018, đồng thời Chính phủ điều chỉnh giá một số dịch vụ theo lộ trình (giá điện; giá dịch vụ y tế, giáo dục…), thì dự kiến lạm phát trung bình cả năm vẫn trong tầm kiểm soát./.
TT - Diệu Thiện – Hằng Hoa