Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, điểm mới của Đề án là tập trung các giải pháp có thể thực hiện ngay như: Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN giảm lượng hàng tồn kho; tiếp cận vốn ngân hàng để đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh; duy trì tăng trưởng và phát triển; đẩy mạnh XK, khai thông thị trường; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất, XNK… Đặc biệt, trước khi đưa ra Đề án này, Bộ Công Thương đã tổ chức 2 hội nghị ở Hà Nội và TP. HCM với sự tham gia của rất nhiều hiệp hội, ngành hàng để lắng nghe ý kiến các DN. Sau khi công bố đề án “cứu” DN, Bộ Công Thương cũng đã đề xuất tới Chính phủ hàng loạt kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Cụ thể, với chủ trương giảm 50% tiền thuê đất năm 2012 đã được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng cần chỉ đạo các địa phương và có hướng dẫn chi tiết hơn theo hướng giảm nhẹ thủ tục hành chính để DN có thể được giảm tiền thuê đất. Hơn nữa, do tình hình khó khăn có thể còn kéo dài, bộ này kiến nghị cần giảm 50% tiền thuê đất cho cả năm 2013 chứ không chỉ năm 2012. Bộ Công Thương cũng đề nghị Chính phủ phê duyệt tăng giá than bán cho điện, giảm thuế XK than từ 20% xuống 10%. Đối với ngành điện, Bộ đề nghị Chính phủ ưu tiên vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ, bảo lãnh cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vốn nước ngoài và cho EVN có cơ chế đặc biệt trong việc phát hành trái phiếu đầu tư trong và ngoài nước. Một số dự án cụ thể cũng được Bộ Công Thương đề xuất cơ chế như: Dự án mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, dự án bột giấy Phương Nam của Tổng công ty Giấy Việt Nam, Dự án chế biến muối ở Lào của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam…
Với những đề xuất này, nhiều ngành đã được giải thoát kịp thời. Ví dụ như ngành than, được sự hậu thuẫn của Bộ Công Thương nên Chính phủ đồng ý tăng giá bán than cho điện, giảm thuế XK từ 20% xuống còn 10% giúp giải phóng hàng tồn. Hoặc như ngành điện, Bộ Công Thương cũng chủ trì thẩm định đề án phát hành trái phiếu DN của EVN để ngành này có tiền trả nợ cho các ngành khác. Thế nhưng, nếu đứng trên phương diện là bộ phụ trách một ngành kinh tế rất quan trọng của đất nước thì cách giải quyết của Bộ Công Thương xem ra chưa nhận được sự đồng thuận của cộng đồng DN. Bởi rất nhiều khó khăn của DN thuộc các ngành hàng như gạo, thủy sản, dệt may… đã “kêu” lên Bộ Công Thương vẫn chưa giải quyết. Những phương án Bộ Công Thương đưa ra mới chỉ tính đến lợi ích cục bộ của DN, tập đoàn nhà nước thuộc bộ quản lý mà chưa bao quát hết hệ thống DN của ngành. Thiết nghĩ, các biện pháp, chính sách của Bộ Công Thương thời gian tới cần được áp dụng chung cho cả nền kinh tế chứ không chỉ dành riêng cho một bộ phận nào. Diệp Anh |