Cử tri Hà Tĩnh kiến nghị, đối với cơ sở hạ tầng dôi dư sau sáp nhập, cần khai thác, sử dụng và quản lý một cách hiệu quả tránh để xuống cấp, lãng phí.
Bộ Tài chính cho biết, đối với trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp và các tài sản khác của cấp xã thuộc phạm vi quản lý của địa phương, tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết đã quy định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, UBND các cấp trong việc giao, bố trí, quản lý, sử dụng, khai thác, xử lý đối với tài sản công thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Theo đó, đối với các cơ quan nhà nước sau khi được tổ chức lại sẽ được Nhà nước giao tài sản bằng hiện vật hoặc bố trí ngân sách để đầu tư xây dựng, mua sắm theo tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định để phục vụ công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công.
Đối với tài sản dôi dư thì sắp xếp lại, xử lý chuyển giao, điều chuyển, thu hồi, bán đấu giá... UBND các cấp ở địa phương hoặc cơ quan, người có thẩm quyền theo phân cấp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc tổ chức thực hiện.
Bộ Tài chính đồng tình với kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh về việc cần phải khai thác, sử dụng và quản lý một cách có hiệu quả tài sản dôi dư sau sáp nhập xã, phường để tránh xuống cấp, lãng phí.
Bộ Tài chính đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh phản ánh kịp thời các thông tin liên quan đến UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan chức năng của địa phương để thực hiện đúng quy định của pháp luật và thẩm quyền được giao, tránh thất thoát, lãng phí tài sản./.
Minh Anh