Vọt cao rồi lại giảm mạnhDiễn biến tăng trưởng tín dụng trong khoảng vài tháng qua tạo ra những cảm xúc mạnh cho thị trường. Cụ thể sau một chu kỳ tăng trưởng chậm kéo dài suốt gần 11 tháng năm 2023, tăng trưởng tín dụng bất ngờ vọt tăng mạnh chỉ trong khoảng hơn 1 tháng cuối cùng của năm 2023. Diễn biến tín dụng từ đầu năm 2023 đến 22/11/2023 cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng mới đạt 8,21%, thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm. Tuy nhiên, đến 31/12/2023, tốc độ tăng trưởng tín dụng chung cả năm 2023 vẫn đạt 13,71%. Như vậy, tăng trưởng tín dụng đã vọt tăng một cách mạnh mẽ chỉ trong hơn 1 tháng cuối năm 2023, sau suốt gần 11 tháng chậm chạp. Chỉ trong khoảng 5 tuần từ 23/11 đến 31/12/2023, tốc độc tăng trưởng tín dụng đạt tới 5,5%.
Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, Thống đốc NHNN đã giao các đơn vị thuộc NHNN, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng triển khai các nhiệm vụ cụ thể, quy định rõ sản phẩm dự kiến và thời hạn hoàn thành. Tuy nhiên, kịch tính trong bức tranh tín dụng vẫn chưa kết thúc khi bước vào giai đoạn đầu năm 2024 tốc độ cho vay của các ngân hàng bất ngờ hãm phanh khi NHNN cho biết, tín dụng toàn hệ thống trong tháng 1/2024 đã giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Diễn biến tăng trưởng tín dụng tháng đầu năm 2024 như trên của hệ thống ngân hàng thậm chí còn “chậm rãi” hơn cả so với bức tranh chung trong 11 tháng năm 2023. Thách thức trước mục tiêu chungLý giải về tình trạng tín dụng giảm trong tháng đầu năm, lãnh đạo các ngân hàng cho biết, đây cũng là hiện tượng thông thường trong các tháng đầu năm do tâm lý khách hàng và các hoạt động kinh tế chưa sôi động do ảnh hưởng của đợt nghỉ tết. Ông Phạm Toàn Vượng - Tổng giám đốc Agribank cho biết, năm 2024 nhìn chung cơ chế dành cho tăng trưởng tín dụng của NHNN là rất thoáng, không có vướng mắc. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng trong tháng đầu năm giảm do khả năng phục hồi của nền kinh tế vẫn chậm. Thêm vào đó, nhiều dự án đầu tư cũ đang còn những vướng mắc, chưa được các địa phương giải quyết triệt để, tồn đọng nhiều năm nên không thể giải ngân vốn. Tương tự, lãnh đạo một ngân hàng khác cũng cho biết, tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập người dân giảm, thị trường bất động sản trầm lắng khiến nhu cầu vay mua nhà giảm. Số dự án mới được cấp phép cũng ít hơn, khiến nguồn cung hạn chế. Mặc dù thời gian vẫn còn dài, các ngân hàng vẫn còn tới hơn 10 tháng nữa để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra cho năm, nhưng ngành ngân hàng hiện cũng đã tỏ ra khá khẩn trưởng trong việc đẩy nhanh các giải pháp cho hoạt động tín dụng. Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng cần tập trung vào các giải pháp cụ thể, đơn cử như có thể định hướng dòng vốn tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên và có khả năng phục hồi tốt theo như chỉ đạo của Chính phủ. “Gói 15.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ đối với ngành lâm sản, thủy sản thời gian qua cho thấy đã phát huy hiệu quả. Tôi đề nghị, thời gian tới các ngân hàng nên nâng quy mô gói này lên gấp đôi, ở mức 30.000 tỷ đồng” - ông Tú nêu. Một trong những giải pháp thời gian tới được các ngân hàng đưa ra là tiếp tục thực chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chủ động phối hợp với các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội để tổ chức trao đổi, đối thoại với khách hàng vay vốn nhằm nắm bắt và kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, lãnh đạo NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại đặt mối quan tâm đến việc đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
|