【bxh vđqg thổ nhĩ kỳ】Tỷ giá thả nổi: Doanh nghiệp phải làm quen với giao dịch phái sinh
Tỷ giá sẽ sát theo diễn biến thị trường thế giới
Tỷ giá điều chỉnh hàng ngày như vậy là một bước thay đổi quan trọng trong cơ chế điều hành của NHNN kể từ đầu năm 2016. Theo đó, tỷ giá VND/USD sẽ được “thả nổi”, sát với diễn biến của thị trường thế giới, thay vì “neo” cố định một mức như trước kia. Từ tỷ giá trung tâm này, các ngân hàng sẽ xác định mức giá mua bán phù hợp trong biên độ +/-3% được NHNN quy định.
Được biết, tỷ giá trung tâm do NHNN công bố hàng ngày sẽ được xác định theo các thông số là tỷ giá bình quân gia quyền của các giao dịch trong cả ngày hôm trước, cùng với giá 8 đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam, được xác định theo 5 phiên giao dịch trên thị trường quốc tế gần nhất vào thời điểm 7h sáng hàng ngày. Trong đó, trọng số ưu tiên chủ yếu là giá cả trên thị trường quốc tế. Như vậy, tỷ giá do NHNN sẽ phản ánh khá đầy đủ diễn biến của cả thị trường trong nước và quốc tế.
Cơ chế linh hoạt này là điều đã được nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo thời gian gần đây, khi các biến động mạnh của đồng USD trên thị trường thế giới đã gây nhiều ảnh hưởng đến tỷ giá trong nước, gây hiện tượng đầu cơ, găm giữ và ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Bước sang năm 2016, khả năng duy trì cơ chế “neo” tỷ giá càng khó khăn hơn khi Mỹ để ngỏ khả năng tăng lãi suất mạnh hơn, thâm hụt thương mại của Việt Nam chưa có chiều hướng giảm… Cộng thêm đó, dư địa can thiệp chính sách của NHNN cũng hẹp dần khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam không còn cao như hồi đầu năm 2015, lãi suất tiền gửi ngoại tệ bằng đồng USD đã giảm về 0%.
Để chuẩn bị cho thị trường không “sốc” khi áp dụng cơ chế mới, từ gần một tháng trở lại đây, lãnh đạo NHNN đã hơn một lần cho biết công khai về việc sẽ có cơ chế tỷ giá mới linh hoạt hơn. NHNN cũng đã có sự chuẩn bị ở các ngân hàng bằng các giao dịch phái sinh để đảm bảo sự ổn định về ngoại tệ cho ngân hàng hoạt động kinh doanh.
Nhu cầu giao dịch phái sinh sẽ tăng mạnh
Theo ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Vietinbank, việc đổi mới cơ chế là cần thiết, là bước đi quan trọng trong việc chống đô la hóa, giúp tỷ giá được phản ánh đầy đủ các yếu tố của thị trường trong nước, quốc tế. Một tác động tích cực nữa của cơ chế này là có thể khuyến khích các thành viên trên thị trường áp dụng rộng rãi hơn các sản phẩm phái sinh, trong đó có sản phẩm mua bán kỳ hạn ngoại tệ.
Với cơ chế linh hoạt này, tỷ giá sẽ biến động thường xuyên theo ngày, khó đoán trước. Do đó, để đảm bảo nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động kinh doanh các ngân hàng, doanh nghiệp sẽ có nhu cầu giao dịch phái sinh, cụ thể là giao dịch kỳ hạn nhiều hơn để hạn chế rủi ro về tỷ giá. Khi đó, theo ông Lê Đức Thọ phân tích, các nhu cầu mua bán ngoại tệ không chỉ thỏa mãn với phương thức giao dịch giao ngay mà còn được thực hiện nhiều hơn thông qua các sản phẩm phái sinh, nên sẽ giảm đáng kể áp lực mua bán ngoại tệ tại một số thời điểm nào đó, vốn đã từng gây căng thẳng cho thị trường trước đây.
Cùng với việc phát triển giao dịch phái sinh, Phó Tổng giám đốc ngân hàng Agribank Nguyễn Thị Phượng cũng cho biết, việc tỷ giá linh hoạt sẽ hạn chế hoạt động đầu cơ, găm giữ tỷ giá như trước kia do tỷ giá hiện nay sẽ rất khó đoán trước, không còn tâm lý “chờ phá giá”.
Theo ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), khi có thông tin về cơ chế tỷ giá mới, giao dịch phái sinh của các doanh nghiệp tại ngân hàng đã tăng mạnh, từ mức khoảng 10 triệu USD lên tới gần 200 triệu USD. Giao dịch phái sinh là một thông lệ tốt và phổ biến của thị trường quốc tế. Mặc dù đã được các ngân hàng áp dụng từ nhiều năm nay tuy nhiên giao dịch này tại Việt Nam vẫn chưa phát triển mạnh.
H.Y