(CMO) Quy mô dạy nghề trên địa bàn tỉnh Cà Mau tăng nhanh, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 27,17% (năm 2011) lên 43,85% (năm 2018). Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành lao động, số lao động chưa qua đào tạo, lao động thiếu việc làm vẫn còn nhiều, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm xem ra vẫn còn nhiều bất cập.
Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020 của Sở LĐTB&XH, giai đoạn 2011-2019, Cà Mau có trên 7,2 triệu lao động, trong đó có trên 6,1 triệu lao động đã qua đào tạo nghề theo Quyết định 1956 và truyền nghề. Giai đoạn này số lượng học sinh tốt nghiệp THPT trên 64 ngàn người. Trong đó, hơn 5 ngàn người tham gia tuyển sinh hệ cao đẳng; Gần 3 ngàn người tham gia tuyển sinh hệ trung cấp. Tuy nguồn nhân lực dồi dào, nhưng hiện nay Cà Mau vẫn không có lao động tham gia đào tạo nghề đạt trình độ quốc gia, khu vực ASEAN hay quốc tế.
Các lớp dạy nghề phi nông nghiệp, trong đó có may dân dụng, sau học, phần lớn lao động chưa phát huy được nghề. |
Lao động được học tập văn hoá, ngôn ngữ tại Tập đoàn ICO Group chi nhánh Cà Mau. |
Vấn đề này được Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng nhìn nhận, đa số lao động Cà Mau có xuất phát điểm thấp, phân bố chủ yếu trong ngành nông nghiệp, ở khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, trang thiết bị dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo và hiệu quả sử dụng chưa cao. Năng lực đào tạo ở một số cơ sở đào tạo nghề tại địa phương chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa chặt chẽ. Còn hơn 20% lao động sau đào tạo chưa mưu sinh đúng với nghề được đào tạo… Từ những rào cản này đã làm cho công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm còn mang tính khập khiễng.
Điều này cũng dễ dàng lý giải vì sao những năm gần đây lao động Cà Mau lại ồ ạt đi làm công nhân ngoài tỉnh. Cũng theo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020 của Sở LĐTB&XH, trong 8 năm (2010-2018), nguồn kinh phí thực hiện Đề án 1956 là trên 157 tỷ đồng đầu tư trang thiết bị dạy nghề; Sửa chữa cơ sở vật chất; Hỗ trợ đào tạo nghề; Bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã. Trong đó, phần lớn kinh phí được đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị dạy nghề là 37 tỷ đồng; Hỗ trợ lao động nông thôn học nghề trên 114 tỷ đồng.
Dù đã triển khai hơn 8 năm với những gói đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy nghề nhưng nhiều địa phương vẫn chưa phát huy hết hiệu quả nhóm nghề phi nông nghiệp. Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Cái Nước Hồ Thanh Liêm nhìn nhận, đơn cử như dạy nghề sửa chữa xe mô tô, thiết bị dạy nghề lạc hậu xa so với thực tế. Trong quá trình học, lao động được dạy và thực tập trên xe số, sau khi hoàn thành khoá học nghề, mở tiệm thì không thể sửa được xe tay ga. Đối với thiết bị dạy may cũng chung hoàn cảnh, thiết bị thì cũ, lạc hậu nhưng khi đi xin việc lao động phải thao tác trên máy móc mới, hiện đại và hiển nhiên doanh nghiệp khi nhận lao động phải tiến hành đào tạo lại.
Trưởng ấp Kinh Chùa, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, bà Trần Ngọc Lan chia sẻ, nhiều lao động, nhất là lao động nữ mong muốn tìm kiếm việc làm tại địa phương. Công việc này giúp chị em vừa có thêm thu nhập vừa có điều kiện gần gũi, chăm sóc gia đình. Trên thực tế dù lương công nhân khá hơn so với công việc ở địa phương, nhưng trừ các khoản chi phí ăn, ở, đi lại… thì khi về quê không mấy người có tích luỹ để lo cho tương lai. Do đó, các ngành chức năng cần tập trung tính toán dạy nghề sao cho gắn với nhu cầu thực tế, nhất là đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Công tác dạy nghề phải giúp nông dân tạo việc làm, hạn chế tình trạng người lao động sau khi học nghề phải thất nghiệp hay phải rời quê, xa xứ tìm việc làm.
Mục tiêu “ly nông bất ly hương” đối với lao động Cà Mau vẫn còn vấp phải những rào cản. Để mở hướng cho vấn đề này, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH Từ Hoàng Ân thông tin: “Với những đối tượng lao động đang làm việc ngoài tỉnh nhưng với mức lương thấp, chúng tôi sẽ tạo điều kiện tư vấn cho họ đi làm việc nước ngoài với mức lương cao hơn rất nhiều. Với các đối tượng là học sinh tốt nghiệp THPT, các sinh viên mới ra trường nhưng chưa tìm được việc làm, có thể đi xuất khẩu theo chương trình vừa làm vừa học”.
Nguồn lao động dồi dào nhưng lao động Cà Mau có thể tham gia thị trường xuất khẩu hiện nay vẫn còn là ẩn số. Ngày 8/5/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 740/QĐ-UBND ngày 8/5/2018 đưa người lao động đi làm việc ngoài nước theo hợp đồng của tỉnh giai đoạn 2018-2020 với chỉ tiêu là 1 ngàn lao động. Đây được xem là giải pháp giảm nghèo hiệu quả, đồng thời cũng là cơ hội để Cà Mau cải thiện năng suất lao động. Tuy nhiên, năm 2019 là năm thứ 2 thực hiện nhưng đề án xuất khẩu lao động vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn./.
Thanh Phương
Giai đoạn 2018-2020, Cà Mau phấn đấu đưa 1 ngàn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đài Loan… Cụ thể, năm 2018 sẽ có 100 lao động; Năm 2019 là 400 lao động và năm 2020 là 500 lao động. Kinh phí thực hiện đề án giai đoạn này dự kiến hơn 125 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương. |
Bài 3: GỠ KHÓ CHO THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG