Lệ thuộc vì lép vế
Đơn cử cho sự lệ thuộc rõ rệt nhất là ngành cơ khí. Là ngành công nghiệp nền tảng có vai trò và vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhưng nhìn lại 12 năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, giá trị của ngành năm 2013 chỉ đạt 700 ngàn tỷ đồng chiếm 20% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp. XK năm 2006 được 1,6 tỷ USD và năm 2013 được 13 tỷ USD.
Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết, hiện tại ngành Cơ khí đang có nhiều khó khăn. Ngoài việc vốn đầu tư hạn chế lại dàn trải, thiếu đồng bộ, ngành công nghiệp sản xuất vật liệu cơ bản như luyện kim, hóa chất, công nghiệp phụ trợ không có đủ nguồn hàng, chủ yếu nhập ngoại, ngành còn có khó khăn lớn là hầu hết dự án công nghiệp đang dùng cơ chế chỉ định thầu hoặc cơ chế đấu thầu giá thấp nên đều lọt vào tay các nhà thầu Trung Quốc. Từ năm 2003 đến 2011, nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) 5/6 dự án hóa chất, 2/2 dự án chế biến khoáng sản, 49/62 dự án xi măng và nhiều dự án giao thông. Riêng nhiệt điện có 16/27 dự án do Trung Quốc làm tổng thầu, chỉ còn 7 dự án không phải nhà thầu Trung Quốc.
Theo phân tích của ông Nguyễn Văn Thụ, mặc dù làm tổng thầu nhiều dự án như vậy, nhưng nhà thầu Trung Quốc không đảm bảo về thời gian, chất lượng của dự án, thậm chí còn đem toàn bộ vật tư sắt thép, phụ tùng, phụ kiện có thể chế tạo tại Việt Nam và cả lao động phổ thông sang làm tại các công trình mà họ làm tổng thầu. Cụ thể như gói thầu Nhà máy Alumin Lâm Đồng có giá trị là 466 triệu USD nhưng nhà thầu chỉ giao cho thầu phụ Việt Nam một số công trình có giá trị 170 tỷ đồng (tương đương gần 8 triệu USD) hay Nhà máy Alumin Nhân Cơ giá trị hợp đồng là 499 triệu USD nhưng cũng chỉ giao thầu phụ Việt Nam vài hợp đồng công trình có giá trị là 53 tỷ đồng (2,5 triệu USD).
Ông Nguyễn Văn Thụ,
Lệ thuộc vì XK “một thị trường”
Sau khi Hiệp hội Cơ khí đề xuất về việc thiết kế, chế tạo giàn khoan cho khai thác dầu khí và được Nhà nước chỉ định tổng thầu cho Tập đoàn Dầu khí (PVN), 30 tháng sau, một công ty của PVN là Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí đã hoàn thành chế tạo giàn khoan tự nâng 90m nước giá trị trên 200 triệu USD và đưa vào khai thác có hiệu quả. Hiện nay đội ngũ cán bộ công nhân viên của công ty đang tiếp tục thiết kế, thi công giàn khoan thứ hai có độ sâu 125m nước giá trị gấp 1,5 lần giàn khoan trước.
Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam
Có thể nói công nghiệp cơ khí là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi việc các nhà thầu Trung Quốc là tổng thầu nhiều dự án công nghiệp. Ngoài cơ khí, nhiều lĩnh vực khác cũng không là ngoại lệ như dệt may, da giày, nông sản… Những số liệu XNK mới nhất của Hiệp hội Sắn Việt Nam với thị trường Trung Quốc cũng đã cho thấy sự phụ thuộc của ngành này vào thị trường Trung Quốc. Tổng thư ký Hiệp hội Sắn Việt Nam, ông Phạm Vũ Hà cho biết, tính đến cuối tháng 6-2014, tổng lượng tồn kho sắn lát XK khoảng trên dưới 300.000 tấn. Cụ thể, khu vực Quy Nhơn và Tây Nguyên còn dưới 200 nghìn tấn, TP.HCM còn dưới 100 nghìn tấn và khu vực phía Bắc còn khoảng 20-30 nghìn tấn. Đây là một con số tồn kho không nhỏ so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng tồn kho cũng xảy ra với tinh bột sắn. Từ tháng 3 nhiều DN ở khu vực miền Trung Tây Nguyên đã phải thuê kho dự trữ tại Quy Nhơn. Ước tồn kho tinh bột sắn đến 20-6 khoảng 150 nghìn tấn. Theo ông Phạm Vũ Hà, nguyên nhân của thực trạng này là do các DN không thỏa thuận được giao dịch cho các đơn đặt hàng mới. Thời gian vừa qua Trung Quốc tập trung mua hàng từ Thái Lan, trong khi trước đây họ mua hàng của Việt Nam là chủ yếu. Trước sự ảm đạm kéo dài của thị trường và lượng tồn kho tinh bột sắn lớn, nhiều DN phải chấp nhận bán lỗ với giá dưới 420USD/T cho đợt giao hàng tháng 6.
Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền, trong 10 năm gần đây (2005-2014), các sản phẩm gỗ của Việt Nam XK sang Trung Quốc tăng cả về số lượng và giá trị kim ngạch. Nếu như năm 2005 kim ngạch XK gỗ, lâm sản chỉ đạt 50 triệu USD thì đến năm 2013 đã đạt trên 740 triệu USD nghĩa là trong vòng chưa đầy 10 năm đã tăng lên 15 lần. Tuy giá trị kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc đạt cao nhưng giá trị gia tăng, lợi nhuận thu lại thấp. Nguyên nhân của điều này là bởi các thương nhân của Trung Quốc mua các loại sản phẩm gỗ ở dạng sơ chế.
Bộn bề giải pháp
Từ thực trạng trên, ông Quyền cho rằng Việt Nam rất cần xây dựng chiến lược và giải pháp thương mại với Trung Quốc đối với riêng ngành gỗ và lâm sản để đảm bảo nâng cao hiệu quả các mặt hàng lâm sản Việt Nam. Ngoài ra, hiện nay trong 51 DN FDI của Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam có đến 50% DN chế biến sản phẩm đồ gỗ XK cũng chỉ áp dụng công nghiệp chế biến lạc hậu, 100% thiết bị của Trung Quốc và có nhiều DN FDI của Trung Quốc chủ yếu thực hiện công đoạn lắp ráp chi tiết đã NK nguyên liệu từ Trung Quốc sang Việt Nam để hoàn thiện sản phẩm và XK sang nước thứ 3 nhằm trốn thuế và tránh các vụ kiện chống bán phá giá tại các nước NK. Do đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản đề nghị Nhà nước sớm ban hành chính sách xúc tiến xây dựng các trung tâm giao dịch gỗ tại 3 miền Bắc, Trung, Nam để hạn chế tối đa các thương lái Trung Quốc gây rối loạn thị trường gỗ Việt Nam.
Còn đối với ngành Cơ khí, nhận định được những tác hại lâu dài của việc yếu thế so với các nhà thầu Trung Quốc tới sự phát triển của ngành cơ khí trong nước, thời gian gần đây Hiệp hội Cơ khí Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm xoay chuyển lại tình hình. Từ năm 2007, Hiệp hội đề xuất với Nhà nước cho cộng đồng DN cơ khí nhận nhiệm vụ thiết kế, chế tạo, lắp đặt cơ khí thủy công của khoảng 20 dự án thủy điện kể cả một phần thủy điện Sơn La. Và sau khi được chỉ định thực hiện các dự án thủy điện, trình độ thiết kế, tư vấn của một số viện thiết kế trong nước đã được nâng lên rõ rệt, tự chủ hoàn toàn thiết kế thiết bị thủy công (ví dụ như sau quá trình hợp tác với Viện thiết kế thủy công Zaporoge -Ucraine).
Mới đây, Hiệp hội cũng đề xuất việc thiết kế, chế tạo giàn khoan cho khai thác dầu khí và được Nhà nước chỉ định tổng thầu cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN). Tuy nhiên, ông Thụ cũng thừa nhận rằng, DN cơ khí trong nước thực sự cũng chưa đủ mạnh ngoài các Tổng công ty Lilama, Sông Đà. Do đó, để có một chiến lược phát triển dài hơi cho ngành, ngoài những đề nghị về chính sách, ông Thụ cũng cho rằng, các DN cơ khí cần nhanh chóng liên kết, hợp tác sản xuất, xây dựng các tổ hợp chuyên ngành như sản phẩm cho công nghiệp phụ trợ, sản phẩm cơ khí chính xác, đóng tầu thủy, sản xuất và lắp ráp ô tô… để đủ năng lực tham gia các dự án, công trình công nghiệp trong và ngoài nước, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu có hiệu quả.
Dù đã có nỗ lực ngăn chặn sự lệ thuộc nhưng ngành Cơ khí cùng nhiều ngành, lĩnh vực khác đang thực sự tất bật, bộn bề với nhiều công việc phải làm bởi nếu không khi nước lên quá cao thì sẽ không còn kịp nhảy, mặc dù đáng lẽ đây đã là công việc của ngày hôm qua.
TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế: Giải pháp hạn chế nhập siêu cũng như giảm ảnh hưởng NK từ một vài thị trường lớn cần một chiến lược tổng thể và dài hơi. Đó là ưu tiên đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng XK và cần có chính sách hợp lý đối với XNK qua đường biên mậu để gia tăng hoạt động chính ngạch. Các DN cũng cần có kế hoạch khai phá thị trường mới, tận dụng lợi thế của những thị trường đã được hưởng ưu đãi thuế quan nhằm tăng kim ngạch XK, giảm nhập siêu. Các DN Việt Nam cần chủ động kích thích sản xuất trong nước như đặt hàng, đấu thầu trong nước trước khi NK, kiên trì thúc đẩy nhau sản xuất và tiêu thụ cho nhau như vải cho dệt may, sắt thép xây dựng và tham gia đấu thầu cung ứng máy móc thiết bị cho các công trình Trung Quốc trúng thầu. Kinh nghiệm hãng Huyndai (Hàn Quốc) chỉ nhập một vài dây chuyền của Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ sau đó phát triển nội địa hóa nhiều dây chuyền sản xuất ô tô, đóng tàu, phát triển công nghiệp hỗ trợ để giảm NK, tăng năng lực sản xuất trong nước hướng XK là một hướng đi mà DN Việt Nam cần học hỏi. TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: Điểm yếu của Việt Nam là công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ kém phát triển, ảnh hưởng nhiều đến việc một số ngành phải NK nguyên liệu như dệt may, da giày. Tuy nhiên, trên thế giới, các nước cũng phải NK nhưng kinh nghiệm là đừng để sự phụ thuộc quá lớn khiến cho đối tác có thể gây sức ép. Ví dụ như nước Đức mỗi năm phải nhập một lượng khí đốt khá lớn nhưng họ không nhập của nước nào quá 8% nên đã không để nước ngoài làm giá. Ngoài ra, khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thì cần có sản phẩm mang tính vượt trội, có khoa học công nghệ, để tạo vị trí quan trọng với đối tác. Độc lập trong một thế giới hội nhập không có nghĩa là chỉ có một mình mình mà là phải làm sao để mình có quyền tự quyết. Huyền Bảo(ghi) |