Ngành dừa sắp gia nhập câu lạc bộ “tỷ USD” Linh hoạt nhiều biện pháp tạo thuận lợi cho mặt hàng trái cây tươi XK |
| Ông Cao Bá Đăng Khoa, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam. |
Là loại cây trồng phổ biến tại Việt Nam, dừa là một trong số ít loại cây trồng mà tất cả các bộ phận của cây đều có thể sản xuất ra các sản phẩm có giá trị. Xin ông chia sẻ đôi nét về sự phát triển của ngành dừa Việt Nam trong những năm qua? Cây dừa đã hiện diện ở Việt Nam từ lâu đời, nhưng ngành dừa Việt mới chỉ được đưa vào các chương trình quốc gia từ năm 2010 với việc thành lập Hiệp hội Dừa Việt Nam nhằm nghiên cứu, đề ra các chương trình hoạt động hỗ trợ cho sự phát triển của ngành dừa; tham mưu kịp thời cho các Bộ, ngành liên quan về các chính sách, định hướng ngành dừa Việt Nam. Hiệp hội Dừa Việt Nam cũng được giao nhiệm vụ liên kết với các ngành liên quan đến dừa như thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, trồng trọt, công nghệ sau thu hoạch... nhằm nâng cao giá trị cây dừa, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm ngành dừa, tăng kim ngạch xuất khẩu cho ngành dừa Việt nam, khẳng định thương hiệu, uy tín sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Từ chỗ chỉ trồng, khai thác, chế biến sản phẩm ngành dừa theo hướng truyền thống, những năm gần đây, theo nhu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu, nhiều DN đã đầu tư những dây chuyền tự động hóa, khép kín vào ngành dừa để sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn thế giới như nước dừa đóng lon, đóng hộp, nước cốt dừa đóng lon, kẹo dừa... Nhờ đó, các sản phẩm của ngành dừa Việt Nam tự tin chinh phục các thị trường khó tính, cao cấp. Cụ thể tình hình xuất khẩu dừa hiện nay ra sao, thưa ông? Hiện cả nước có 90 DN xuất khẩu sản phẩm từ dừa, trong đó có 42 DN đã xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu "Made in Vietnam". Hiện nay, các DN ngành dừa không đơn thuần chỉ sản xuất về dừa mà còn khai thác nguyên liệu từ dừa, phục vụ các ngành sản xuất thực phẩm, y tế, mỹ phẩm với hơn 200 sản phẩm liên quan đến cây dừa. Điển hình như dầu dừa tinh khiết là sản phẩm giá trị cao đang được người tiêu dùng rất ưa chuộng do xu hướng tiêu thụ thực phẩm thuần chay từ thiên nhiên, lành mạnh có hàm lượng calo thấp và có giá trị dinh dưỡng cao, giảm nguy cơ về tim mạch. Cùng với đó, những mặt hàng mỹ phẩm cao cấp có sử dụng nguyên liệu tinh dầu dừa như dầu gội đầu, kem dưỡng da, son môi, chải mi, chất tẩy trang… cũng đang có tiềm năng tiêu thụ rất lớn. Đặc biệt, thân cây dừa đang có tiềm năng rất lớn lớn để cho ra sản phẩm gỗ dừa có giá trị cao. Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dừa chế biến sâu và các sản phẩm nguyên liệu như bột sữa dừa, cơm dừa nạo sấy… không ngừng tăng lên trong những năm qua đã tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho ngành dừa. Các sản phẩm của ngành dừa đã được xuất khẩu đến các thị trường khó tính hàng đầu thế giới và chỉ trong vòng 5 năm qua, ngành dừa đã vươn lên vị trí thứ 4 của châu Á. Số liệu thống kê cho thấy giá trị xuất khẩu dừa và sản phẩm từ dừa trong năm 2022 đạt trên 900 triệu USD. Trong quý 1/2023, do ảnh hưởng của tình hình chung, giá trị xuất khẩu dừa bị sụt giảm khoảng 32% so với cùng kỳ năm 2022, đạt khoảng 215 triệu USD. Tuy nhiên, trong dài hạn, tiềm năng xuất khẩu của ngành dừa còn rất lớn và sẽ sớm đạt mức kim ngạch 1 tỷ USD. Với tiềm năng to lớn như vậy, Hiệp hội Dừa Việt Nam đang triển khai những giải pháp gì để hỗ trợ sự phát triển bền vững cho ngành dừa, thưa ông? Hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD, Hiệp hội Dừa Việt Nam đang triển khai kế hoạch xây dựng thương hiệu cho ngành dừa, khẳng định thương hiệu các sản phẩm dừa trên thị trường. Cùng với đó, ngành dừa cũng đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp và địa phương xây dựng vùng nguyên liệu dừa đạt chuẩn, tiến đến hình thành “Bản đồ dừa” trên cả nước để làm dữ liệu cho các nhà đầu tư, DN tham khảo, hỗ trợ ngành dừa phát triển. Hiện nhiều DN và địa phương đã liên kết với các nông hộ đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ tại Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang…, tiến đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo hộ thương hiệu sản phẩm ngành dừa trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, quá trình xây dựng và phát triển của cây dừa Việt Nam gặp không ít khó khăn. Với tập quán trồng dừa bằng các nguồn giống không kiểm soát, tự lai tạo và không được đăng ký lưu hành về giống đang là trở ngại lớn cho việc hình thành các vùng nguyên liệu. Hiệp hội Dừa Việt Nam đang nỗ lực phối hợp với Cục trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ địa phương đăng ký giống đầu dòng, hỗ trợ doanh nghiệp đăng lý lưu hành đăng ký sở hữu về giống, để tăng độ tin cậy và bảo vệ năng lực cạnh tranh cho sản phẩm từng vùng theo Luật trồng trọt và Nghị định 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ. Cùng với đó, Hiệp hội Dừa Việt Nam cũng xây dựng kế hoạch phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp ngành dừa và liên quan đến dừa, nhằm thu mua nguyên liệu, tư vấn kỹ thuật thu hoạch, sản xuất sản phẩm gia công và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Qua đó hạn chế thấp nhất tình trạng dừa rớt giá như những năm vừa qua. Ngành dừa cũng đang đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN tham gia các hội chợ, triển lãm, các sự kiện giao thương trong và ngoài nước để tìm kiếm khách hàng, tiếp cận máy móc, công nghệ mới…, tiến tới nâng cao chuỗi giá trị ngành dừa và xuất khẩu bền vững. Xin cảm ơn ông! Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre: Sự đầu tư mạnh mẽ của các DN vào hoạt động chế biến dừa đã giúp ngành dừa ngày càng có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao, đạt được nhiều tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường nhập khẩu khó tính. Nhờ đó, giá trị xuất khẩu của ngành dừa không ngừng gia tăng, thâm nhập vào các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ… Chỉ tính riêng năm 2022, giá trị xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa của Bến Tre đã đạt 420 triệu USD, tăng trưởng 20% so với năm 2021. Năm nay, dù tình hình thị trường chung có nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu của ngành dừa vẫn tương đối ổn định và dự báo sẽ đạt mức tương đương hoặc tăng nhẹ so với năm 2022. Trong đó, 5 sản phẩm chủ lực chiếm tới 80% kim ngạch xuất khẩu của dừa Bến Tre là nước cốt dừa, cơm dừa nạo sấy, nước dừa đóng hộp, than hoạt tính và chỉ xơ dừa. Trong thời gian tới, triển vọng phát triển của ngành dừa còn rất lớn. Tuy nhiên, do ngành dừa Việt Nam phát triển sau các nước như Indonesia, Philippines, Thái Lan… nên để tạo được chỗ đứng vững chắc, sản phẩm dừa Việt Nam vẫn cần có thêm thời gian để khẳng định uy tín và thương hiệu trên thị trường quốc tế. Ông Nguyễn Văn Phát, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Dừa Xanh: Với vùng nguyên liệu rộng 1.350 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ, sản phẩm chủ lực của Công ty TNHH Thực phẩm Dừa Xanh (Green Coco Foods) hiện là dầu dừa và bột dừa và gần như 100% sản lượng được xuất khẩu tới các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt khoảng 4 triệu USD. Các thị trường nhập khẩu đều đánh giá rất tốt về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, mức giá hiện còn hơi cao so với các nước khác. Nguyên nhân là do việc khai thác các phụ phẩm từ dừa chưa được hiệu quả, dẫn tới giá thành của sản phẩm chính bị tăng lên. Để khắc phục tình trạng này, sắp tới Green Coco Foods sẽ nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm như than gáo dừa để gia tăng thêm giá trị, giúp kéo giảm giá thành của dầu dừa và bột dừa. |
|