Ý tưởng này đã nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, ý tưởng này khó có thể trở thành hiện thực.
Cả bà Merkel và ông Steinmeier về cơ bản ủng hộ các lý lẽ mà ông Juncker đưa ra cho ý tưởng thành lập quân đội châu Âu, song có điều khác là Chủ tịch EC đặc biệt liên tưởng tới cuộc khủng hoảng Ukraine. Phát biểu với báo chí Đức, ông Juncker cho rằng việc thành lập quân đội chung của châu Âu sẽ gửi thông điệp tới Nga rằng "EU nghiêm túc với việc bảo vệ các giá trị của mình".
Ý tưởng này sẽ được khối tiếp tục thảo luận, bởi đây là điều khá bất ngờ, trong khi một số nước như Anh phản đối ý tưởng này. Ý tưởng thành lập quân đội chung châu Âu không thể thực hiện một sớm một chiều, mà đây là "kế hoạch tương lai và không thể đưa vào một chương trình nghị sự cụ thể".
Với đội quân 28 nước EU và tổng cộng khoảng 1,5 triệu binh sĩ, vấn đề chi phí là rất lớn. Trong khi đó, việc hợp tác có thể giúp giảm được chi phí trong phát triển, mua sắm hay sử dụng các thiết bị quân sự. Ngoài ra, việc phân bổ nhiệm vụ cho từng nước theo khả năng quân sự riêng cũng sẽ chuyên biệt hơn. Sự kết hợp quân đội EU trong một mái nhà sẽ là biểu tượng của sự quyết tâm và sức mạnh châu Âu.
Tuy nhiên, cơ sở để có một quân đội châu Âu là chính sách đối ngoại và an ninh châu Âu phải thống nhất, điều cho tới nay chưa có trong thực tế chính trị của khối này. Với hầu hết các nước EU, quân đội từ lâu là biểu tượng cơ bản cho chủ quyền quốc gia và đã có truyền thống rất lâu đời.
Việc giao quân đội cho EU là điều khó xảy ra, đặc biệt với các nước lớn, nơi mà quân đội được xem là nền tảng cơ bản cho ảnh hưởng chính trị. Ngoài ra, điểm khó nữa là các nước thành viên phải nhất trí được cơ chế pháp lý cho việc triển khai quân, điều cho tới nay vẫn rất khác biệt ở nhiều nước châu Âu.
Đề xuất của ông Juncker không phải là điều mới lạ, bởi từ những năm 1950, Đức, Pháp, Italy và các nước thuộc Liên minh Hải quan Benelux đã muốn thành lập "Cộng đồng Quốc phòng châu Âu" để phản ứng với cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Tuy nhiên, ý tưởng đó đã đổ vỡ do không vượt qua được rào cản tại Quốc hội Pháp. Từ đó tới nay, kế hoạch này còn được nhiều lần nhắc lại. Gần đây nhất, năm 2004, EU đã quyết định thành lập một lực lượng quân sự luân chuyển giữa các nước thành viên để sẵn sàng triển khai can thiệp vào các khu vực khủng hoảng, song thực tế lực lượng này chưa bao giờ được triển khai.