Toàn cảnh hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch Thừa Thiên Huế năm 2016 |
Tại hội nghị, tỉnh Thừa Thiên Huế đã giới thiệu những tiềm năng, cơ hội đầu tư đến với các cá nhân và doanh nghiệp, đồng thời công bố 30 dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết: Về địa bàn phát triển, chúng tôi ưu tiên hai hướng chiến lược: đột phá Huế trở thành thành phố di sản, thành phố xanh với nguyên lý cốt lõi là sự kết hợp hài hòa giữa xưa và nay, giữa truyền thống và hiện đại; đột phá Chân Mây - Lăng Cô trở thành thành phố đối đẳng Huế, kết cặp với Đà Nẵng để hình thành hành lang đô thị biển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đó là Huế - Chân Mây - Đà Nẵng - Chu Lai - Dung Quất - Nhơn Hội - Vân Phong, là một tổ hợp phát triển hiện đại, cảng biển cộng với công nghiệp sáng tạo và du lịch nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên để làm được điều đó, Huế có nhiều việc phải làm, trong đó xác định là phải đổi mới nhận thức, phương cách phục vụ doanh nghiệp, phục vụ người dân là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Qua đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả đầu tư và công tác xúc tiến đầu tư; ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước trên địa bàn.
Với tư cách là Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Cao cam kết sẽ đồng hành cùng nhà đầu tư thực hiện, hỗ trợ các thủ tục liên quan từ khâu nghiên cứu, lập dự án đến các thủ tục đền bù, thuê đất, xây dựng, triển khai dự án. Đồng thời lãnh đạo tỉnh sẽ luôn sẵn sàng gặp gỡ, đối thoại, trao đổi với các nhà đầu tư để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư từ đó kịp thời chỉ đạo xử lý, giải quyết giúp doanh nghiệp an tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết: Trung ương đánh giá cao về việc tỉnh Thừa Thiên Huế lấy năm 2016 là “Năm doanh nghiệp”, qua đó việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong những năm qua đã có nhiều bước tiến vượt bậc. Tuy nhiên, để thu hút các nhà đầu tư đến với Thừa Thiên Huế cần có các cam kết, chính sách rõ ràng từ phía lãnh đạo tỉnh.
Về phát triển du lịch thì Huế có giàu tiềm năng nhưng ít dịch vụ, chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để biến những tiềm năng thành khả năng và hiện thực Trung ương đã đồng ý để Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan xây dựng đề án phát triển đặc thù cho di sản Huế; đồng ý nguyên tắc xây dựng đề án công tư trong việc phát triển bảo tồn di sản Huế, trong lĩnh vực y tế, công nghệ... Đặc biệt, Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cần tập trung vào 5 vấn đề căn bản để phát triển, đột phá trong lĩnh vực du lịch đó là: Đổi mới tư duy phát triển du lịch, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch, cải thiện môi trường du lịch và kiện toàn bộ máy Sở Du lịch khi Sở này mới được thành lập. Đồng thời triển khai khẩn trương các dự án liên quan đến đề án Tổ chức kế hoạch phát triển vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2020 (vì đề án này đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2009 nhưng đến nay chưa triển khai hạng mục nào). Riêng cá nhân Phó Thủ tướng sẽ kêu gọi các nhà đầu tư đến với Thừa Thiên Huế, đồng thời sẽ cố vấn, tham mưu cho tỉnh bất kể lúc nào, kể cả những ngày nghỉ, Phó Thủ tướng chia sẻ thêm.
Lễ trao quyết định chủ trương đầu tư tại hội nghị |
Cũng tại hội nghị, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao 16 giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 7.744 tỷ đồng và ký 6 thỏa thuận hợp tác với các đối tác, nhà đầu tư. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam ký kết thỏa thuận tài trợ Quy hoạch chi tiết tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng mức tài trợ là 7 tỷ đồng và ký kết thỏa thuận hợp đồng nguyên tắc, tài trợ vốn tín dụng cho 7 dự án với tổng mức đầu tư 4.558 tỷ đồng.