Theo báo cáo tài chính của Công ty CP Xây lắp Cơ khí và Lương thực Thực phẩm (MCF), doanh thu thuần trong quí 1-2013 đạt hơn 151 tỉ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Công ty chỉ hơn 6 tỉ đồng, giảm gần 22% so với quí 1-2012. Ông Nguyễn Văn Kiệt – Phó Tổng Giám đốc cho biết, trong 3 mặt hàng chính của Công ty, chỉ có mặt hàng cơ khí tăng 70% về doanh thu và 63% lợi nhuận gộp so với cùng kỳ năm trước. Còn lại mặt hàng lương thực và bao bì trong quý 1 tiêu thụ đều giảm so với cùng kỳ năm 2012. Cụ thể, sản lượng gạo tiêu thụ giảm 12%, bao bì giảm 22%. Đặc biệt, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của mặt hàng gạo giảm sâu, theo đó gạo xuất khẩu giảm 63% và gạo nội địa giảm 33% so với cùng kỳ năm trước (do giá nguyên liệu đầu vào tăng và giá bán giảm theo tình hình chung của thị trường trong nước và xuất khẩu). Tương tự như MCF, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang (AGM) đạt doanh thu thuần hơn 411 tỉ đồng trong quý 1-2013, cao hơn quí 1-2012 là 34 tỉ đồng (tương đương 9%). Tuy nhiên, giá vốn hàng bán đã tăng trên 44 tỷ đồng (tương đương gần 13%) so với cùng kỳ năm 2012, do đó lợi nhuận gộp chỉ đạt 18,8 tỷ đồng, giảm 34%. Sau khi trừ các chi phí, AGM lãi sau thuế 1,9 tỷ đồng, giảm trên 50% so với quý 1-2012. Trong công văn giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, ông Nguyễn Văn Tiến – Tổng Giám đốc AGM cho biết, trong quý 1-2013, dù số lượng gạo tiêu thụ tăng 26% nhưng do giá bán bình quân giảm 23% (từ 541 USD/tấn trong quý 1-2012 xuống còn 417 USD/tấn đã dẫn đến lãi gộp giảm 34% so với cùng kỳ. Theo ông Tiến, nguyên nhân là do thị trường gạo thế giới gặp nhiều khó khăn, cung vượt cầu nên tỷ suất lợi nhuận ngành gạo năm 2013 thấp hơn năm 2012. Công ty CP Docimexco (FDG) chuyên sản xuất và kinh doanh lúa gạo cũng có doanh thu tăng tới 26% so với cùng kỳ năm 2012, nhưng chi phí đầu vào lại tăng đến 34% khiến cho lợi nhuận gộp của Công ty trong quý 1-2013 chỉ đạt 5,2 tỷ đồng, giảm hơn 9,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2012…
Cùng lý do như trên, lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần đường Sơn La (SLS) trong quý 1-2013 cũng chỉ đạt 11,9 tỉ đồng, giảm 62% so với quý 1 năm trước. Sản lượng đường giảm 31%, giá bán giảm 13%, khiến cho doanh thu mặt hàng đường giảm tới 40% so với cùng kỳ năm 2012. Tương tự, công ty CP mía đường Kon Tum (KTS) cũng giảm 83% lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2012, chỉ đạt 2,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, vẫn có một số điểm sáng khi đạt mức lợi nhuận khả quan. Cụ thể, Công ty cổ phần mía đường nhiệt điện Gia Lai (SEC) vẫn lãi ròng 32 tỷ đồng trong quý 1-2013, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Hay Công ty CP Lương thực thực phẩm Safoco cũng có mức lợi nhuận tăng trưởng trên 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt 5,3 tỷ đồng./. Nguyễn Hiền |