Sau bốn năm,ạytrốncôngviệchngàycôgáivềĐàLạtdựngcănnhànằmnghenắngmưbahrain – nhật bản Đà Lạt từ là nơi xứ lạ, nay đã trở thành chốn quen của cô gái Sài Gòn 28 tuổi - Dương Khánh Huyền. Có thời điểm, cuộc sống ở “xứ mộng mơ” của Huyền và bạn trai (nay là ông xã) cơ cực đến mức nồi cơm hỏng, không có tiền thay, ba mẹ lên thăm con gái phải đành lòng ăn bữa cơm nửa sống, nửa chín.
Hiện tại, vợ chồng Khánh Huyền đã có quán cà phê, homestay, phim trường riêng - những địa điểm nổi tiếng với du khách. “Bình yên hôm nay mình có được là thành quả sau muôn vàn trắc trở. Hành trình bỏ phố về rừng không dễ dàng”, Huyền chia sẻ.
Khánh Huyền tại khu vườn tự thực hiện trong homestay
Cuộc chạy trốn thành phố không kế hoạch...
Bốn năm trước, Khánh Huyền làm việc tại Sài Gòn, nhưng không phải làm mỗi ngày 8 tiếng mà là 12 tiếng và thậm chí nhiều hơn. Có những lúc, Huyền làm việc như cái máy, căng thẳng đến chán chường. Cô không có thời gian dành cho gia đình, bạn bè.
Bỗng một ngày, Huyền dọn dẹp hành lý, “bỏ trốn” khỏi Sài Gòn để đến Đà Lạt - nơi người yêu cô đang bắt đầu khởi nghiệp với mô hình homestay bằng số vốn tích cóp của hai người.
“Mình đến đây mà không hề có kế hoạch, không có suy tính, chỉ đơn giản là muốn trốn khỏi căng thẳng, mệt mỏi. Trước đó, bạn trai từng nhiều lần muốn đón mình về Đà Lạt để cùng làm việc, không phải yêu xa mà mình chưa thực sự muốn”, Huyền thật thà chia sẻ.
Ở lì trong homestay một tuần, Huyền nhớ nhà, nhớ Sài Gòn, cô chưa kịp thích nghi với nhịp sống chầm chậm, man mác buồn của thành phố này. Huyền lại quay về Sài Gòn.
Nhưng khi quay về, cô thấy bản thân lạc lõng giữa thành phố nhộn nhịp. Huyền nhận ra, cô không thể “thả trôi” chính mình, cô phải nghiêm túc lựa chọn giữa “phố” và “rừng”.
“Và mình chọn về rừng, về Đà Lạt, để cùng bạn trai sắp xếp lại công việc kinh doanh dù mọi thứ lúc đó rất khó khăn”, Khánh Huyền chia sẻ.
Những ngày làm việc 17 - 18 tiếng không ngưng nghỉ
Thời gian đầu, khi về Đà Lạt, homestay của Huyền và bạn trai còn chưa có nhiều khách biết tới. Do thiếu kinh nghiệm nên quá trình xây dựng homestay phát sinh nhiều chi phí ngoài dự kiến, số tiền tích lũy của cặp đôi hao hụt.
Đến khi mở cửa, không có đủ tiền thuê nhân viên, cặp đôi tự lao vào dọn dẹp, cải tạo, trang trí, quảng cáo hình ảnh, đưa, đón khách.
Vốn có năng khiếu hội họa, thời gian rảnh, Khánh Huyền vẽ tranh. Những vị khách tới homestay rất thích tranh của cô, họ ngỏ ý hỏi mua, giới thiệu gần xa. Từ đó, Huyền và bạn trai có thêm các đơn đặt hàng trang trí, thi công quán cà phê, homestay.
Khánh Huyền rất yêu thích việc vẽ tranh
Vậy là, Huyền đảm nhận khâu lên ý tưởng, thiết kế còn bạn trai thì trực tiếp thi công. Cô theo bạn trai rong ruổi khắp thành phố và các tỉnh lân cận để cùng giám sát tiến độ, kiểm tra chất lượng công trình. Để “lấy công làm lãi”, họ chẳng ngại vất vả, làm ngày đêm. Nhưng chẳng có kinh nghiệm, còn “nhẹ dạ cả tin” nên lần thì khách hàng thanh toán chậm, trả lắt nhắt, khi thì quỵt luôn tiền công.
Huyền và bạn trai cùng thiết kế, thi công nhiều homestay, quán cà phê
“Thời điểm đó, thấy hai đứa mình cực quá, ba mẹ lên phụ. Lúc ấy thật sự mình không còn đồng nào trong người. Nhìn ba đau bao tử mà cố nuốt bữa cơm nửa sống, nửa chín từ cái nồi hỏng, mình ứa nước mắt. Vài lần mình đã nghĩ tới việc đi làm văn phòng trở lại để ổn định hơn, ba mẹ bớt lo toan”, Huyền chia sẻ.
Sau một năm ở Đà Lạt, khi nhận thấy mọi thứ quá khó khăn, Huyền và bạn trai ngồi lại, cùng tính toán phương án, cân đối tài chính và chỉn chu hơn về hợp đồng với các đơn vị đặt hàng. Họ nhận ra lâu nay đang làm việc quá cảm tính, thiếu chuyên nghiệp.
Song song với thi công công trình, để có kinh tế, cặp đôi vẫn phải tự duy trì hoạt động kinh doanh homestay. Căn homestay của cặp đôi nằm xa trung tâm, hướng tới đối tượng chủ yếu là du khách trẻ.
“Làm homestay cực lắm, không phải cứ ngồi nhà chờ khách tới rồi tính tiền như nhiều bạn nghĩ đâu”, Huyền bộc bạch. Cặp đôi tự lo từ thiết kế, thi công, tạo ấn tượng về hình thức của homestay, đến xây dựng hình ảnh, nuôi dưỡng fanpage, liên tục đổi mới cách trang trí. Huyền từ cô gái thành phố cũng xắn tay áo cuốc đất, làm vườn, lau dọn nhà vệ sinh…
Về Đà Lạt, Khánh Huyền bắt đầu học làm vườn, trồng rau
Căn homestay liên tục được "thay áo mới" ấn tượng, thu hút du khách
“Tuy homestay nào cũng có quy định giờ giấc nhưng khi khách đến sớm, tụi mình phải ráng dậy mở cổng đón họ, mời họ dùng trà, ăn điểm tâm, không thể bỏ mặc khách đứng chờ ở cổng hay đi lang thang, mệt mỏi. Khách đi chơi về trễ, mình cũng ráng chờ để mở cửa, tránh để khách loay hoay ngoài trời lạnh. Thực tế, có những dịp đông khách, mình làm việc liên tục 17 - 18 tiếng, nhiều hơn cả thời gian làm văn phòng”, Huyền chia sẻ.
Vừa phục vụ khách hàng, Huyền vừa phải tính toán, sắp xếp để kết hợp nhịp nhàng cùng các trang Booking (đặt phòng trực tuyến), tránh tình trạng trùng phòng, gây mất thiện cảm với khách hàng.
Homestay đón từ khách lẻ tới khách gia đình, khách đoàn của doanh nghiệp, từ khách trẻ đến người trung tuổi, nên cô phải linh hoạt tiếp đón, phục vụ, rất cẩn trọng để các nhóm khách không bất hòa khi vui chơi, ăn uống trong khu vực sân chung của homestay.
“Tụi mình cứ làm việc liên tục như vậy, cố gắng từng ngày. Có khi các cặp đôi khác hẹn hò, đi ăn, xem phim thì hai đứa mình mới lọ mọ đi thiết kế, thi công về. Có ngày khách đông, hai đứa ra lều ngủ tạm. 2 giờ đêm khách nhờ nấu mì gói, tụi mình lại dậy, vui vẻ phục vụ. Mình chưa từng quên những ngày tháng đó”, Huyền xúc động nhớ lại.
Không phụ công sức của cặp đôi, homestay ngày càng đông khách, các đơn đặt hàng công trình thi công, thiết kế cũng tới nhiều hơn. Có thu nhập, cặp đôi tích lũy rồi đầu tư vào bất động sản trong khả năng. “Khi có nguồn thu tốt hơn, mình thuê thêm nhân viên để hỗ trợ công việc. Mình bắt đầu có thời gian để học thêm marketing, ngoại ngữ, thiết kế…
Trải qua giai đoạn khó khăn nên mình muốn có nhiều kiến thức hơn, đảm bảo có thể tồn tại dù chuyện gì xảy ra. Năm ngoái, mình bị tai nạn giao thông nên sức khỏe ít nhiều ảnh hưởng. Việc học hành giúp mình bớt căng thẳng, minh mẫn đầu óc”, Khánh Huyền cho biết.
Bỏ phố về rừng: Đừng mộng mơ
Sau bốn năm, khi công việc đã ổn định, Huyền và bạn trai quyết định kết hôn. Hiện vợ chồng cô đang sở hữu 5 cơ sở dịch vụ. Tuy nhiên, sau đó dịch Covid-19 ập tới khiến các homestay, quán cà phê của cặp đôi đều đồng cửa.
“Không có khách du lịch nên việc kinh doanh gần như tê liệt. Tụi mình phải lấy chi phí kinh doanh các mảng khác để bù vào ngành dịch vụ, du lịch. Nếu không có nhiều mảng kinh doanh khác nhau thì khó lòng trụ vững”, Huyền cho hay.
Đến nay, Huyền vẫn chưa vội vàng mở cửa hoạt động trở lại để đảm bảo an toàn phòng dịch cho nhân viên. “Nhân viên của mình bây giờ chủ yếu chăm sóc vườn, quán để có công có việc, phục vụ số ít du khách địa phương với điều kiện tuân thủ tuyệt đối yêu cầu phòng chống dịch”, Huyền chia sẻ.
Nhìn lại hành trình 4 năm gây dựng sự nghiệp tại Đà Lạt, Khánh Huyền thừa nhận, việc “bỏ phố về rừng” phải có tính toán kĩ lưỡng. “Các bạn trẻ đừng như mình, về đây trong trạng thái lơ mơ, không dự tính, không định hướng”, Huyền nói.
Cô cho biết, về Đà Lạt làm homestay hay mở quán cà phê phải xác định rõ đối tượng khách hàng, giá trị sản phẩm hướng tới, tính toán kinh phí. Trong khoảng 6 tháng đầu tiên mở cửa, du khách sẽ rất ít ỏi, cần bình tĩnh đầu tư hình ảnh, quảng cáo ấn tượng trên mạng xã hội; chuẩn bị tâm lý để không chán nản.
“Về tài chính, cần tính toán: giá thuê mặt bằng, chi phí làm giấy phép, chi phí đầu tư, chi phí cố định hàng tháng, hao mòn tài sản và chi phí tái đầu tư. Sau đó chia đều cho tổng thời gian thuê để ra khoản chi phí chung cần chi hàng tháng. Từ con số này, các bạn trẻ có thể cân đối tài chính của mình”, Huyền cho biết.
Huyền cũng nói thêm, khi về Đà Lạt kinh doanh dịch vụ lưu trú, quán xá, các bạn trẻ cần xác định phải “lấy công làm lãi”, tự học các kĩ năng từ sửa chữa điện nước, làm vườn, phục vụ… Nếu việc gì cũng thuê người thì chi phí rất tốn kém lại không chủ động.
“Bỏ phố về Đà Lạt không chỉ có mộng mơ. Mình vẫn đang đi đi về giữa Sài Gòn và Đà Lạt, vẫn tiếp tục học thêm nhiều khóa học mới, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới”, Khánh Huyền chia sẻ. “Nhưng mình chưa bao giờ hối hận về quyết định đến Đà Lạt. Hạnh phúc là khi ta biết đủ…”, cô tâm sự.
Linh Trang (Ảnh:NVCC)