Theo Tổng cục Hải quan, đến 15/1, cả nước xuất khẩu 12.518 tấn điều, tổng trị giá kim ngạch đạt 128 triệu USD. Như vậy, sản lượng tăng 29,5% so với cùng kỳ 2017 nhưng trị giá kim ngạch tăng 47%. Điều này đồng nghĩa mức giá xuất khẩu bình quân những ngày vừa qua cao hơn cùng kỳ. Theo tính toán của chúng tôi, mức giá bình quân mỗi tấn điều xuất khẩu đầu năm 2018 đạt 10.225 USD, trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt hơn 9.022 USD/tấn. Dù kết quả xuất khẩu đang khởi sắc ở cả 3 tiêu chí (sản lượng, trị giá kim ngạch và giá bình quân) nhưng có một điều lo ngại là kim ngạch nhập khẩu (chủ yếu là điều nguyên liệu) cũng xấp xỉ với trị giá xuất khẩu. Cụ thể, cùng thời điểm trên, cả nước chi gần 120,5 triệu USD để nhập khẩu điều, với sản lượng 51.498 tấn. Kết quả này tăng tới 96% về trị giá và 83% về sản lượng so với cùng kỳ. Đồng thời mức giá nhập khẩu bình quân cũng tăng từ 2.184 USD những ngày đầu năm 2017 lên 2.340 USD vào đầu năm nay. Điều này cho thấy ngành điều nước ta ngày càng phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu và gần như ngành điều xuất khẩu được 1 USD thì cũng phải bỏ ra chừng ấy ngoại tệ phục vụ nhập khẩu nguyên liệu. Trước việc phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, năm 2018, Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) đang có những điều chỉnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, năm nay, ngành hàng này đặt những mục tiêu xuất khẩu thấp hơn (cả trị giá và sản lượng) so với năm 2017. Cụ thể, về sản lượng xuất khẩu giảm từ 350.000 tấn điều nhân các loại năm 2017 xuống còn 300.000 tấn năm 2018. Tương ứng về giá trị xuất khẩu nhân điều, giảm từ 3,5 tỷ USD xuống còn 3 tỷ USD. Theo lý giải của VINACAS, lý do chính các doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ. Trong khi đó, nguyên liệu nhập khẩu có giá quá cao, chất lượng kém. Do đó, ngành điều Việt Nam sẽ chủ trương tập trung “giảm lượng tăng chất”, đẩy mạnh chế biến sâu và phát triển thị trường nội địa. |