Ưu đãi thuế không phải là lý do chính để chọn địa điểm đầu tưPhát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải hoan nghênh sáng kiến tổ chức hội thảo và kỳ vọng hội thảo với sự tham gia đông đảo của các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, chuyên gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và các đại biểu sẽ nêu ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn, thực trạng triển khai của các quốc gia trên thế giới, kinh nghiệm của các nước về thuế tối thiểu toàn cầu, đồng thời đề xuất giải pháp chính sách cho Việt Nam.
Theo Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Carolyn Turk, cạnh tranh thuế gây hại đã gia tăng trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong những năm gần đây. Trong khi các nền kinh tế phát triển ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương áp dụng ít ưu đãi thì các nền kinh tế đang phát triển áp dụng nhiều hình thức ưu đãi thuế gây tác động về thu ngân sách cho Chính phủ. "Các kết quả nghiên cứu, khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp không coi ưu đãi thuế là lý do chính để chọn địa điểm đầu tư. Thay vào đó, môi trường chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường pháp luật, chất lượng hạ tầng, khả năng chống chịu của hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực mới là yếu tố quyết định để thu hút vốn đầu tư FDI" - bà Carolyn Turk nhấn mạnh. Do vậy, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, nhân cơ hội triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng quan điểm tổng thể hơn về thu hút vốn đầu tư với đầu tư trong nước và nước ngoài, để đạt hiệu quả như mong muốn. Sớm bổ sung quy định về thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng tại Việt NamTrình bày tại hội thảo về hiện trạng hệ thống ưu đãi thuế tại Việt Nam và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phổ thông của Việt Nam là 20% về cơ bản đã đảm bảo quy định thuế tối thiểu toàn cầu. Tuy nhiên, do áp dụng ưu đãi thuế suất thấp và được ưu đãi miễn, giảm thuế trong khoảng thời gian nhất định, nên trên thực tế, thuế suất với các dự án đầu tư của doanh nghiệp FDI có ưu đãi có thuế suất thực tế bình quân 6% đến 8% trong thời gian được hưởng ưu đãi.
Hiện nay, các nước nhận vốn đầu tư từ nước ngoài, tương tự như Việt Nam đang nghiên cứu để đưa ra chính sách ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó có việc áp dụng quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) để tránh việc các tập đoàn phải nộp thuế bổ sung về các nước nơi công ty mẹ đóng trụ sở chính. Đồng thời, cũng nghiên cứu một số giải pháp hỗ trợ về tài chính để giữ chân các công ty chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu. Do đó, Việt Nam cần chủ động thực hiện theo chương trình thuế tối thiểu toàn cầu, cụ thể là cần bổ sung quy định về thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng tại Việt Nam. Đồng thời, có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư. Đánh giá lại tổng thể hệ thống ưu đãi đầu tư của Việt NamCác chuyên gia của OECD, WB và các công ty phát biểu tại hội thảo cũng nhấn mạnh quan điểm Việt Nam cần phải hành động ngay để không bỏ qua các khoản thu thuế quan trọng, đồng thời với việc cải cách hệ thống thuế và thực thi chính sách ưu đãi đầu tư mới dựa trên các nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để giữ chân và thu hút dòng vốn FDI. Đại diện Công ty Luật Kim & Chang đề xuất, trong trường hợp cơ quan lập pháp của Việt Nam chưa nội luật hóa theo thủ tục lập pháp thông thường, do tính cấp bách cần áp dụng QDMTT từ năm 2024 thì phương án ban hành nghị quyết của Quốc hội là phù hợp.
Kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Vân Chi đánh giá, nhìn chung các ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết phải nội luật hoá các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu. Đặc biệt là trước mắt cần đưa vào áp dụng thuế nội địa bổ sung tối thiểu đạt chuẩn tại Việt Nam với hiệu lực áp dụng cho năm 2024, để kịp thời đồng hành cùng các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động hiện nay thuộc diện điều chỉnh của thuế tối thiểu toàn cầu. Đồng thời với việc áp dụng thuế nội địa bổ sung tối thiểu, đã có nhiều ý kiến đề xuất về việc áp dụng một số hình thức hỗ trợ cho các nhà đầu tư. Về cơ bản các ý kiến đều nhất trí rằng cần có những biện pháp hỗ trợ bổ sung cho các nhà đầu tư trên nguyên tắc phù hợp với các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu và bảo đảm sự công khai, minh bạch, dễ thực thi. Đối với môi trường đầu tư cho Việt Nam, tới đây khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, ý kiến các chuyên gia, các đại biểu đều cho thấy hệ thống ưu đãi đầu tư của Việt Nam hiện nay cần được rà soát, đánh giá lại một cách tổng thể để có các điều chỉnh, cải cách phù hợp. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Vân Chi nêu rõ: "Với mục tiêu thích ứng với môi trường mới, bối cảnh mới, chúng ta phải trả lời các câu hỏi mang tính định hướng về các biện pháp chính sách thu hút đầu tư giai đoạn hậu thuế tối thiểu toàn cầu, như việc thiết lập môi trường đầu tư tích cực để thu hút các nhà đầu tư mới; hay là chính sách thuế đối với các tập đoàn lớn của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài nhằm giữ quyền đánh thuế của Việt Nam theo quy định của thuế tối thiểu toàn cầu; cũng như các câu hỏi thực tiễn về các bước điều chỉnh trong giai đoạn quá độ...”.
|