Với sự tham dự của lãnh đạo, đại diện Bộ Tài chính, Công Thương, KH&ĐT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam..., Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn nhìn nhận những điểm hạn chế, tồn tại, trách nhiệm của Bộ KH&CN trong việc giảm số mặt hàng, thời gian kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu.
“Gốc” có chuyển thì “ngọn” mới đổi
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, một trong những yêu cầu quan trọng nhất của Nghị quyết 19 là phải giảm được số mặt hàng thuộc diện kiểm tra chất lượng, nhưng hiện chưa giảm.
Để giảm được thời gian thông quan hàng hóa, thì vai trò của Bộ KH&CN là rất quan trọng, có thể nói là “nắm đằng gốc”. Vì hai luật gốc của hoạt động quản lý chuyên ngành là Luật Chất lượng sản phẩm và Luật Đo lường.
“Muốn giảm thời gian kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá xuất nhập khẩu, thì phải tác động tới gốc, một là danh mục các mặt hàng phải kiểm tra và hai là phương thức quản lý phải chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng công nghệ thông tin”, ông Cung khẳng định.
Giảm 1 ngày tiết kiệm 800 triệu USD/năm
Khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu đưa ra ví dụ cụ thể, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết hiện có khoảng 74 nghìn DN tham gia xuất nhập khẩu, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu trung bình là 10 ngày, xuất khẩu 12 ngày, dài gấp đôi so với khu vực, trong đó riêng thời gian kiểm tra chuyên ngành là hơn 7 ngày.
Chi phí mỗi ngày cho một lô hàng từ 120-300 USD, cứ giảm được 1 ngày thủ tục sẽ giúp DN tiết kiệm 200 USD một lô hàng. Trong khi mỗi năm cả nước có khoảng 8,3 triệu lô hàng, 36% trong số đó bị kiểm tra, tỷ lệ này cao gấp 2,5 lần các quốc gia trong TPP và gấp 3 lần EU.
“Nhưng quan trọng hơn là chất lượng kiểm tra, kết quả kiểm tra rất thấp, phát hiện vi phạm không đang kể, hầu hết hàng hóa đều qua. Điều này đang cản trở sự phát triển. Vì 94% lượng hàng nhập khẩu là để phục vụ sản xuất kinh doanh”, ông Tuấn nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý Tổng cục Đo lượng và chất lượng nghiên cứu cách làm mới đối với những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng toàn cầu thay cho phương pháp kiểm định chất lượng truyền thống. Ảnh: VGP/Đình Nam
Trước thực trạng trên, Nghị quyết 19 của Chính phủ đã yêu cầu phải giảm tỷ lệ lô hàng bị kiểm tra chuyên ngành xuống còn 15% vào cuối năm nay. Ông Tuấn đề nghị để thực hiện mục tiêu này, có những việc có thể làm được ngay. Như Bộ KH&CN có thể sửa ngay Thông tư 28 về công bố hợp chuẩn, hợp quy, hiện đang tiền kiểm 100%, thì nên sửa thành hậu kiểm, thực hiện từ ngày 1/10. Ông Tuấn cho rằng việc sửa Thông tư này có thể giúp giảm từ 8-12% số lô hàng phải kiểm tra.
Trước đề nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bình luận: Nếu sửa được như vậy thì chắc DN và xã hội cũng không phê bình Bộ về việc không lấy ý kiến trước khi sửa.
“Cải cách kiểm tra chuyên ngành nghe qua dường như không liên quan KHCN nhưng sự đóng góp của các đồng chí rất quan trọng. Giảm thời gian thông quan được 1 ngày thì 1 năm chúng ta tiết kiệm được ít nhất 800 triệu USD, bằng đúng kinh phí cấp cho ngành KHCN hằng năm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu sửa Thông tư 28 trong thời gian ngắn nhất trên tinh thần “sửa đâu chắc đấy” để các Bộ (Công Thương, y tế, NN&PTNT...) có sơ sở sửa đổi các quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý.
Phó Thủ tướng lưu ý thêm, về lâu dài với việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đòi hỏi Việt Nam phải rà soát, sửa đổi nhiều luật trong đó có các luật về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng hàng hóa. Nhưng trước mắt nếu tập trung vận dụng linh hoạt các quy định của luật hiện hành có thể xử lý được tới 80% vướng mắc hiện tại.
Quyết tâm cải cách phải từ người đứng đầu
Liên quan đến mục tiêu giảm số mặt hàng và thời gian kiểm tra chuyên ngành, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngay tuần tới các Bộ phải đưa ra đề xuất cụ thể, thống nhất thực hiện theo đúng Nghị quyết 19.
“Để cải thiện năng suất thì phải dịch chuyển lao động nông nghiệp sang công nghiệp, xây thêm nhà máy, khu công nghiệp, mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu. Và khi đó thủ tục thông quan hàng hóa cũng phải theo kịp, phải hỗ trợ cho xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa. Nếu không ý thức đầy đủ vấn đề này sẽ có tác động không nhỏ tới cả nền kinh tế”, Phó Thủ tướng nói.
Cùng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng cho rằng giải pháp cấp bách nhất là rà soát, bãi bỏ những mặt hàng không cần thiết nằm trong danh mục phải kiểm tra chuyên ngành. Cùng với đó, tăng cường hậu kiểm… Tuy nhiên, Thứ trưởng Khánh nêu ý kiến, cải cách không thể chỉ bằng lời nói, quyết tâm mà phải đầu tư, tức là phải có ngân sách.
Trước ý kiến này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt vấn đề, đúng là phải đầu tư, nhưng cũng cần xem xét có nhất thiết phải dùng tiền ngân sách không, có thể xã hội hóa được không?
“Hơn nữa, cải cách thì quan trọng nhất là con người, là vai trò của người đứng đầu. Khi cần thiết phải cách chức, điều chuyển những người không làm được việc”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh: Nguyên tắc quan trọng nhất trong thực hiện Nghị quyết 19 là phải theo thông lệ, mặt bằng chung của thế giới, để phấn đấu, vươn lên.
“Điều quan trọng nhất là làm sao DN giảm thời gian làm thủ tục liên quan đến chứng nhận chất lượng hàng hóa, Chúng ta đã giảm từ 23 ngày xuống trung bình 13 ngày thì quyết tâm giảm còn 10 ngày, trước hết tập trung vào những mặt hàng mất nhiều thời gian kiểm định như điện, điện tử”, Phó Thủ tướng gợi ý.
Theo Chinhphu.vn