当前位置:首页 > World Cup

【việt nam vs malaysia hôm nay】Đình thần Tân Lộc được xếp hạng di tích cấp tỉnh

Báo Cà Mau(CMO) Di tích Đình thần Tân Lộc thuộc Ấp 2, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình. Ngôi đình có niên đại hàng trăm năm nằm bên bờ kinh xáng Bạch Ngưu, ngay ngã ba Bà Đệ, vì vậy, dân gian quen gọi là Đình Bà Đệ. Bên kia sông là ngôi miếu thờ Liệt nữ Nguyễn Thị Nương được sử sách nhắc đến như một tấm gương tiết hạnh.

Vào ngày 29/11 năm Nhâm Tý (năm 1852), vua Tự Đức ban chiếu chỉ sắc phong “Thành Hoàng Bổn Cảnh” cho Đình thần Tân Lộc, cùng với nhiều ngôi đình khác ở Nam Bộ. Hiện nay, sắc thần vẫn được Ban Quản trị đình thần giữ gìn cẩn thận và tổ chức rước sắc thần vào lễ hội Kỳ yên hằng năm. Nếu căn cứ vào sắc thần thì tên gọi chính thức của ngôi đình là Đình Tân Mỹ, vì địa danh vùng đất này trước đây là “Tân Mỹ thôn”, thuộc tổng Quảng Xuyên, huyện Long Xuyên, tỉnh Hà Tiên.

Đình thần Tân Lộc bên bờ kinh xáng Bạch Ngưu, ngã ba Bà Đệ.

Theo chủ trương của triều Nguyễn, nhằm mục đích xác lập chủ quyền lãnh thổ quốc gia và thể theo nguyện vọng của Nhân dân, vào ngày 29/11 năm Nhâm Tý (1852 - năm Tự Đức ngũ niên), vua Tự Đức ban chiếu chỉ sắc phong Thần làng “Thành Hoàng Bổn Cảnh” cho hầu hết các đình làng ở Nam Bộ nói chung, Cà Mau nói riêng, trong đó có Đình thần Tân Lộc. Nhưng đến nay, nhiều đình làng không còn giữ được sắc phong. Theo kết quả kiểm kê và lập danh mục các di tích ở Cà Mau bước đầu cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 23 ngôi đình, nhưng chỉ có 7 ngôi đình còn giữ được sắc phong (trong đó có Đình thần Tân Lộc)[*], các sắc phong chỉ khác nhau ở địa danh được ghi nhận.

Nghi lễ khán sắc tại Đình thần Tân Lộc.

Những năm chiến tranh loạn lạc, ngôi đình đã nhiều lần bị đốt phá, nhưng sau đó lại được Nhân dân địa phương sửa chữa, trùng tu. Theo những người lớn tuổi ở địa phương, để giữ gìn được nguyên vẹn sắc thần, Ban Quản trị đình đã nghĩ ra nhiều cách cất giấu, có lúc sắc thần được cất giấu trên ngọn cây dừa để tránh tai mắt địch. Vào năm 1970, sắc thần được gửi vào chùa Phước Linh, cách ngôi đình khoảng 4 km và được thờ cúng thường xuyên tại điện Ngũ hành. Đến năm 1993, sắc thần mới được rước từ chùa Phước Linh về đình để thờ cúng.

Lễ hội Kỳ yên hằng năm được tổ chức vào ngày 16 và 17 tháng 2 âm lịch. Đây là dịp để người dân trong vùng tập trung về cúng viếng, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Lễ rước sắc thần được tổ chức vào lúc 7 giờ sáng ngày 16 tháng 2 âm lịch, Ban Quản trị đình và các học trò lễ trong lễ phục áo dài khăn đóng, mang theo kiệu cùng với cờ lộng, chiêng, trống, mõ, có sự tham gia của các đoàn bô lão, thanh thiếu niên, người dân địa phương cùng đến nhà người thờ sắc ở cách đình khoảng 2 km để rước sắc thần về đình và tổ chức khán sắc.

Nghi lễ khán sắc được tổ chức rất trang trọng. Sắc thần được người chủ lễ mở ra cùng với Ban Quản trị đình, các quan khách và người dân địa phương cùng xem sắc. Các nghi lễ tiếp theo lễ tế Ông Hổ (lúc 10 giờ), lễ tế Ngũ Công (lúc 11 giờ), lễ tế Thần Nông (lúc 14 giờ), tụng kinh cầu an (lúc 17 giờ) và sau đó là biểu diễn văn nghệ từ 18 giờ đến khuya.

Lễ cúng chính thức được tiến hành vào lúc 22 giờ cùng ngày. Chánh bái cùng vị Phó bái quỳ lạy trước bàn thờ Thần, hai bên có học trò lễ lên xuống để cúng gọi là “Cúng tế Thần Chánh”. Trong quá trình cúng tế, tất cả mọi người cùng học trò lễ phải tuân theo sự hướng dẫn của Ban hương lễ và Ban hương văn của Đình.

Sau đó, theo thứ tự lớn nhỏ trong Ban Quản trị Đình thắp hương trước, đến khách mời cùng bà con trong và ngoài làng đến thắp hương, lúc này nhạc lễ đánh liên tục. Phẩm vật gồm 1 mâm xôi, 1 mâm trái cây, 1 cặp vịt, trầu cau, rượu, trà và 1 con heo trắng trong tư thế nằm phục. Đến 5 giờ sáng ngày 17 tháng 2 (âm lịch) tiến hành cúng tế các anh hùng liệt sĩ, lễ tế Tiền hiền, Hậu hiền, tiếp đón khách thập phương và các đình bạn đến dâng hương, đến 14 giờ hoàn mãn đưa sắc thần trở về nơi thờ.

Lễ hội tại Đình được duy trì thường xuyên, liên tục thể hiện tính cộng đồng cao, bà con trong vùng có dịp gần gũi nhau hơn, là cầu nối tâm linh giữa con người với thần linh, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đồng thời cũng là hình thức trao truyền văn hoá truyền thống của dân tộc từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Đây là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh của địa phương đã tồn tại từ hàng trăm năm qua.

Đình thần Tân Lộc đã trở thành nơi sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng mang đậm phong tục tập quán truyền thống của dân tộc, là bằng chứng của sự hình thành các cộng đồng cư dân nông nghiệp Cà Mau. Để ghi nhận những giá trị lịch sử - văn hoá của ngôi đình, vào ngày 15/11/2017, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 1890 xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Đình thần Tân Lộc.

Trải qua thời gian dài cùng với sự tàn phá của chiến tranh nhưng ngôi đình vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống đặc trưng của đình làng Nam Bộ. Nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật quý và những câu đối bằng chữ Hán được sơn son thếp vàng tạo nên ấn tượng về một ngôi đình cổ xưa trên vùng đất mới./.

[*] 7 ngôi đình còn giữ được Sắc phong của vua Tự Đức gồm: Đình thần Thới Bình, Đình thần Tân Thành, Đình thần Tân Nghĩa, Đình thần Tân Lộc, Đình thần An Thành, Đình thần Tân Trạch và Đình thần Tân Bằng

Huỳnh Thăng 

 

 

 

分享到: