Đề cao tinh thần chủ động Ngày 4/5/2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Từ đó, Tổng cục Hải quan đã tập trung đẩy mạnh triển khai kế hoạch trong toàn ngành và đã đạt được một số kết quả nổi bật. Tổng cục Hải quan đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng làm Trưởng ban. 3 phó trưởng ban gồm: Cục trưởng các cục: Công nghệ thông tin và thống kê hải quan, Giám sát quản lý về hải quan, Tài vụ - Quản trị. Các thành viên khác của Ban Chỉ đạo là lãnh đạo một số vụ, cục khối cơ quan Tổng cục Hải quan và một số cục hải quan địa phương. Cuối tháng 7 vừa qua, Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cũng đã được ban hành. Quy chế đề cao trách nhiệm cá nhân, tinh thần chủ động của các thành viên khi giải quyết công việc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho việc tận dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Tổng cục Hải quan; đảm bảo yêu cầu phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Đáng chú ý, về chuyển đổi số trong công tác nghiệp vụ hải quan, ngành Hải quan đã tập trung nguồn lực để xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan. Trong đó, cơ quan hải quan đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ hải quan để phục vụ việc xây dựng Hệ thống Công nghệ thông tin thực hiện hải quan số. Tổng cục Hải quan cũng đã hoàn thành tài liệu nghiệp vụ chuẩn hóa với gần 2.000 trang tài liệu; hoàn thành tài liệu yêu cầu kỹ thuật phục vụ Dự án xây dựng Hệ thống Công nghệ thông tin thực hiện hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan… Đồng thời, tổng cục đánh giá tổng thể hiện trạng các trang thiết bị hiện đang phục vụ công tác quản lý hải quan, đề xuất nhu cầu đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ công tác nghiệp vụ hải quan đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Về chuyển đổi số trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Tổng cục Hải quan tiếp tục đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện Kế hoạch tổng thể triển khai NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại. Đến nay đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối NSW. Theo ghi nhận, đã có tới hơn 6,45 triệu bộ hồ sơ của hơn 63.500 doanh nghiệp được xử lý qua NSW… Tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu và ủng hộ Để hoàn thành được các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Kế hoạch Chuyển đổi số của Tổng cục Hải quan năm 2023 cũng như Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng, về công tác chỉ đạo, điều hành, cần khẩn trương rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc của tổng cục và các cục hải quan địa phương; xác định rõ nhiệm vụ của từng thành viên Ban Chỉ đạo; xây dựng quy chế của tổ giúp việc, trong đó cụ thể hóa nhiệm vụ của từng thành viên. Bên cạnh đó, tiến hành rà soát nội dung các bản kế hoạch của Tổng cục Hải quan năm 2023 để đảm bảo phù hợp với kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính và đảm bảo tính khả thi. Cuối năm 2023 phải tổ chức tổng kết, đánh giá về kết quả triển khai, phân tích rõ nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm về những nội dung chưa đạt được theo kế hoạch nếu có. Về nội dung chuyển đổi số, theo ông Tưởng, đối với Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cần tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu và đồng thuận, ủng hộ trong quá trình triển khai. Đối với Kế hoạch Chuyển đổi số của Tổng cục Hải quan năm 2023, có 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần rốt ráo triển khai ngay. Trước hết là tiếp tục thực hiện các nội dung liên quan đến chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ hải quan. Tiếp đó là số hóa các hồ sơ, chứng từ và thực hiện kết nối với các bộ, ngành qua NSW. Rà soát, đảm bảo vận hành các phần mềm và hệ thống công nghệ thông tin hiện có của ngành, đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đến khi xây dựng hệ thống mới, xây dựng hệ thống xử lý thông quan dự phòng cho Hệ thống VNACCS/VCIS. Bên cạnh đó, với việc chuyển đổi số trong quản lý nội ngành, các đơn vị cần nỗ lực xây dựng hệ thống quản lý, điều hành tập trung nhằm đảm bảo công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành thống nhất, kịp thời; đồng thời tăng cường thực hiện chữ ký số. Cuối cùng, lãnh đạo Tổng cục Hải quan nhấn mạnh việc đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình vận hành các hệ thống công nghệ thông tin; xây dựng hệ thống dữ liệu tập trung, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
|