Nhiều vụ vi phạm Chỉ trong vòng 3 ngày (5, 6, 7/4), Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an Nghệ An đã phát hiện, bắt quả tang 7 cơ sở liên quan đến sản xuất, chế biến, kinh doanh, mua bán thực phẩm bẩn và chất phụ gia. Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra, phát hiện 2 cơ sở sản xuất măng tươi tại khối 2 (phường Đội Cung, TP. Vinh) sử dụng chất tẩy trắng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhuộm màu cho măng. Tại cơ sở của ông Lê Đức Sơn làm chủ, công an phát hiện 14 tấn măng chưa qua sơ chế mùi hôi thối và khoảng 500kg măng đã ngâm hóa chất chuẩn bị được đưa đi tiêu thụ. Công an còn phát hiện một số gói bột màu vàng ô được sử dụng để nhuộm màu cho măng và một thùng phuy đựng chất bột màu trắng dùng để “phù phép” biến măng từ màu đen sang màu trắng tinh. Tại cơ sở của bà Phạm Thị Trang, công an phát hiện hơn 10 tấn măng đã qua sơ chế đựng trong các chậu nhựa và 3 gói bột màu vàng ô dùng để nhuộm màu cho măng. Bình quân, mỗi ngày, 2 cơ sở chế biến này tuồn ra thị trường khoảng 2 tạ măng tươi được ngâm tẩm hóa chất. Từ hai vụ việc này, công an tiếp tục mở rộng điều tra, phát hiện nhiều cửa hàng cũng như cơ sở sản xuất lưu chứa, sử dụng những bao hóa chất không có giấy tờ liên quan về nguồn gốc xuất xứ để tẩm ướp thực phẩm. Thiếu tá Nguyễn Huy Quân - Đội trưởng đội 4 PC49 - cho biết: Thực hiện công điện chỉ đạo của Cục cảnh sát môi trường (Bộ Công an), UBND tỉnh, đội 4 Công an tỉnh Nghệ An đã xác lập chuyên án để đấu tranh đối với hành vi kinh doanh, mua bán hóa chất, chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, bảo quản thực phẩm không rõ nguồn gốc. Sau khi lập chuyên án, đội đã phát hiện 7 vụ việc, trong đó 2 vụ liên quan đến kinh doanh, mua bán chất phụ gia, 5 vụ liên quan đến chế biến, sản xuất thực phẩm. “Hiện, chúng tôi đang đấu tranh, mở rộng không riêng địa bàn TP. Vinh mà cả toàn tỉnh đối với chuyên án này” - Thiếu tá Quân cho biết. Hệ lụy khôn lường Những hệ lụy việc sử dụng các hóa chất không đảm bảo, không rõ nguồn gốc xuất xứ cho thực phẩm là khủng khiếp. Theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chất vàng ô đứng hàng thứ 5 trong 116 chất gây ung thư hàng đầu trên thế giới. Chất vàng ô có dạng huỳnh quang, hạt mạ vàng dễ tan trong nước và cồn được dùng trong công nghiệp nhuộm vải, giấy, quét tường. Thế nhưng không chỉ riêng Nghệ An, nhiều vụ việc măng tươi “ngậm” đẫm chất vàng ô đã bị phát hiện, bán tràn lan ngoài chợ. Chỉ cần người bán thiếu chút đạo đức, một lượng nhỏ chất này, các cơ sở sản xuất đã có thể “phù phép”, biến măng kém chất lượng thành măng tươi, giòn, màu vàng sẫm hoặc trắng tinh để qua mắt người tiêu dùng. Tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 42 về danh mục bổ sung hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất - kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam trong đó có bổ sung 5 loại vàng ô. Theo ông Hoàng Quốc Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An, những chất cấm dùng trong thực phẩm gây độc hại có thể người sản xuất - kinh doanh biết, nhưng họ bất chấp pháp luật. “Để ngăn chặn, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời phối hợp liên ngành để xử lý vi phạm” - ông Sơn nói.
|