发布时间:2025-01-10 10:10:50 来源:88Point 作者:World Cup
Sau Hiệp định Paris năm 1973, âm mưu bình định cấp tốc “tràn ngập lãnh thổ” giành đất, giành dân của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trên địa bàn Cà Mau bị quân, dân ta đẩy lùi một bước, nhiều vùng nông thôn được giải phóng trở lại. Ðể phục vụ cho yêu cầu tiếp tục phá kềm, mở mảng, tạo sức ép vây hãm Tiểu khu An Xuyên (thị xã Cà Mau), Tỉnh uỷ chủ trương cho các tiểu ban, các bộ phận trực thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh “xuất công sự Giáp Nước, Vịnh Dừa…” tiếp cận vùng ta - địch còn tranh chấp… đóng cơ quan.
Cuối năm 1974, Tiểu ban Văn nghệ chúng tôi đến ấp Rau Dừa (xã Hưng Mỹ) xin cây lá của dân cất cơ quan tại vàm rạch Xẻo Trê, gần nền đồn Rau Dừa khi bọn giặc vừa rút chạy. Cơ quan vừa lợp xong mái chưa kịp dừng vách thì nhận lệnh cấp trên “đi hoả tuyến”. Tuy “đi hoả tuyến” làm gì không được phổ biến, nhưng trong lòng anh em có một cảm giác mới mẻ, có một nỗi mừng vui, phấn khởi, rộn ràng.
Buổi chiều hôm đó, anh em xúm xít bên nhau nấu nướng và cùng nhau ăn bữa cơm với mẻ kho khô cá sặt và 2 tô canh đọt lang. Xong bữa cơm đạm bạc ấy, anh em Tiểu ban Văn nghệ chia tay nhau, xuống xuồng mỗi người đi một hướng, theo sự phân công đến từng địa bàn khác nhau…
Nhân dân Cà Mau háo hức ra đường chào mừng quân cách mạng đã về. Ảnh: VÕ AN KHÁNH |
Chiếc xuồng tôi vừa đến nền đồn Rau Dừa thì Nhà báo Nguyễn Duy Vinh quảy ba lô, tay xách máy ảnh hơ hải chạy xuống bến kêu tôi ghé và bước xuống xuồng… Chúng tôi chèo một mạch đến Nhà Phấn (xã Thạnh Phú), chúng tôi nhập vào đoàn cán bộ của Ban Tuyên huấn tỉnh: Tiểu ban Tuyên truyền, Ðoàn Văn công, Ðoàn Ðiện ảnh, Ðội Vũ trang tuyên truyền, Tiểu ban Giáo dục, phóng viên của Tiểu ban Thông tấn báo chí…
2 ngày đêm, đoàn cán bộ, một số tá túc trong nhà dân, một số căng võng ngoài vườn ở xóm Nhà Phấn và kinh Quảng Sanh. Ðến hừng sáng ngày thứ 3, đoàn cán bộ Ban Tuyên huấn nhận lệnh lui về “đóng quân” xóm Lộ Xe (ấp Cái Rắn, xã Phú Hưng). Nhận lệnh “lui quân” khiến tâm trạng chúng tôi băn khoăn, nôn nóng, mong chờ, trở nên bức xúc...
Buổi sáng 29/4/1975, các anh lãnh đạo báo tin vợ tôi vừa sinh mà nhà không có người và các anh giải quyết cho tôi về phép, đến 30/4 trở ra hoả tuyến. Từ Cái Rắn tôi chèo chiếc xuồng lúc 8 giờ, đến xế chiều mới về tới nhà ở sau hậu Giáp Nước, Rạch Láng. Tôi khẩn trương sắp xếp và làm các công việc cần thiết.
Ðến 18 giờ (ngày 30/4), lùa vội chén cơm, tôi xuống chiếc xuồng trở ra hoả tuyến. Chống chèo cật lực đến 19 giờ 30 phút, xuồng tôi lao ra mặt đầm, một vùng trời nước bao la, những đợt sóng lăn tăn theo làn gió nhẹ đuổi nhau lấp lánh dưới nền trời sao sáng làm cho mặt đầm toát lên vẻ đẹp lung linh, êm ả. Là vùng căn cứ địa nổi tiếng qua 2 cuộc kháng chiến và Ðầm Thị Tường đã trở thành quê hương thứ hai của tôi, bao nhiêu năm tôi đi về mà sao đêm nay chiếc xuồng tôi lướt trên mặt đầm làm lòng tôi có cảm giác nôn nao, náo nức và cảm nhận Ðầm Thị Tường với dáng vẻ uy nghi, huyền ảo.
Còn cách vàm sông Thị Tường chừng 1 cây số, chiếc radio ở giữa chiếc xuồng của tôi phát bản tin Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng cách mạng (thực ra Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố này vào buổi trưa 30/4, do về nhà bận công việc nên tôi không theo dõi). Bản tin làm lòng tôi tràn ngập niềm vui và sung sướng cực độ. Chiếc xuồng đang lướt trên mặt đầm mà cơ hồ như cất cánh cùng trăng sao.
Chiếc xuồng tôi rẽ nước ào ào vượt con sông Thị Tường, con sông Rau Dừa, đoạn mương lộ Rau Dừa - Cái Rắn… ghé vào điểm đóng quân ngày hôm qua, tôi không còn thấy bóng dáng đồng nghiệp nào, chỉ có chủ nhà ra bến nói với tôi: “Mấy em từ giã hồi chiều tối”, chú chủ nhà vừa nói vừa chỉ tay về hướng Rạch Rập. Tôi từ giã chủ nhà, hối hả quay mũi xuồng lao đi… Trong đầu tôi chập chờn một tâm trạng: giờ lịch sử đến rồi, mình tuột lại sau là sự tiếc nuối, thật là vô nghĩa!
Tôi chèo cật lực 1 tiếng đồng hồ, phía trước hiện ra dãy vườn dừa xóm Rạch Rập. Trong bóng sương mờ mờ, tôi nhận ra có một nhóm người khá đông đang quây quần trên cái sân rộng. Ðó là sân nhà Xã Bảo - nơi mấy trái ô buýt chụp làm ông Nguyễn Hải Tùng, Phó Ban Tuyên huấn tỉnh bị thương; bà Nguyễn Thị Kim Hoa, cán bộ của Tiểu ban Tuyên truyền hy sinh, tôi chứng kiến trong đợt I tổng tấn công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Tôi mừng rỡ ghé vào, kéo rướn mũi xuồng lên bờ nằm cặp dãy xuồng của đoàn đang nằm sẵn ở đó. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau… đầy xúc động.
Lệnh xuất phát…
Theo xóm Rạch Rập, con đường thẳng băng, nhà cửa san sát. Trời còn tranh tối tranh sáng, trước cửa dãy nhà những bóng đèn điện còn óng ánh, bà con đứng 2 bên đường vẫy tay, phất lá cờ mặt trận mừng đón chúng tôi. Trên đường vào nội ô thị xã không có bất cứ cản ngại nào đối với chúng tôi, đi càng sâu vào nội ô bà con ra đứng 2 bên đường đông hơn, xuất hiện cờ mặt trận nhiều hơn. Có những lá cờ thật cao to phấp phới trên nền trời trong xanh mang đến cho chúng tôi nguồn cảm xúc mạnh mẽ, niềm tự hào, sung sướng. Trong dòng người ra đường vẫy chào mừng đón chúng tôi buổi sáng hôm ấy, có những người mới hôm qua trong bộ máy nguỵ quyền vừa bỏ nhiệm sở của giặc và những người trong hàng ngũ nguỵ quân hôm qua còn cầm súng giặc hôm nay đã giao nộp súng đạn cho cách mạng, đứng vào hàng ngũ Nhân dân chào mừng cách mạng giành thắng lợi, chào mừng thị xã Cà Mau giải phóng, chào mừng đất nước độc lập.
Ðoàn cán bộ tuyên huấn chúng tôi vào tiếp thu thị xã Cà Mau, gặp ùn tắc tại cầu đầu vàm kinh Rạch Rập. Chúng tôi tuần tự xuống chiếc xuồng sang con sông, vào Phường 1, nội ô thị xã Cà Mau vào khoảng 9 giờ 30 phút ngày 1/5/1975. Khi đặt chân vào nội ô, nhiều cán bộ trong đoàn bung ra thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ định của kế hoạch tiếp thu đã triển khai từ đầu. Còn lại một số cán bộ, phóng viên Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng và một số cán bộ, phóng viên Tiểu ban Thông tấn báo chí kéo lên chiếc xe quân sự đang đậu trước cổng căn cứ Trung đoàn 32 (Sư 21 chủ lực nguỵ). Chúng tôi mượn anh tài xế chạy đưa chúng tôi qua nhiều con đường trong nội ô và đưa chúng tôi đến Toà Hành chánh, Trung tâm Chiêu hồi, căn cứ hải quân, Khám Lớn, sân bay… Nỗi cảm xúc thật thiêng liêng, khó tả: Cuộc chiến đấu 30 năm xương máu của dân tộc đã lấp đầy sông, đầy suối, nay ngày độc lập thật sự đã đến rồi. Lần đầu tiên chúng tôi đi trên một chiếc xe mà chiếc xe đó ngày hôm qua còn trong tay giặc, ngày hôm nay thuộc tài sản của cách mạng, của Nhân dân. Chúng tôi đi trên chiếc xe tự do đến khắp cùng thị xã - nơi mấy chục năm là hang ổ của kẻ thù gieo bao đau thương tang tóc cho Nhân dân tức khắc bóng dáng quân thù bị quét sạch, do cách mạng và Nhân dân làm chủ.
Khi nhận lệnh "đi hoả tuyến", anh em trong Tiểu ban Văn nghệ được phân công đi nhiều mũi khác nhau, tất cả đều vào nội ô đúng thời gian, đúng kế hoạch cùng các ban, ngành lo công việc tiếp quản. Ðến 14 giờ ngày 1/5, ông Lâm Tường Vân, Trưởng Tiểu ban Văn nghệ tập hợp tất cả anh em trong tiểu ban mở cuộc họp: kiểm điểm công tác, tiếp quản. Bố trí chỗ nơi ăn, ở, làm việc xuất bản Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng, vẽ hàng loạt tranh cổ động, đưa cán bộ văn nghệ quần chúng và đoàn văn công “chim chèo bẻo” phục vụ quần chúng. Các hoạt động này của Tiểu ban Văn nghệ tập trung phục vụ thời kỳ quân quản, phục vụ quần chúng thị xã Cà Mau sau ngày giải phóng.
Cơ quan Tiểu ban Văn nghệ được tiếp nhận một căn nhà của tên sĩ quan bỏ trống tại Kinh 16 làm trụ sở. Ngôi nhà làm trụ sở chật hẹp nên các anh lãnh đạo tiểu ban mượn thêm 2 căn của Trường học An Xuyên cho bộ phận hội hoạ triển khai ăn ở và làm nơi bày bố công việc vẽ tranh cổ động. Còn tôi với anh Nguyễn Duy Vinh được anh Tiến Thành (anh họ của Nguyễn Duy Vinh) kêu về nhà anh ở. Anh chị Tiến Thành đón tiếp chúng tôi nồng hậu và tử tế, chúng tôi vừa đến chị Tiến Thành đích thân lau dọn một căn phòng trên gác khá rộng giao hẳn cho 2 anh em tôi trọn quyền làm nơi ăn ở, sinh hoạt (nhà anh chị Tiến Thành nằm bên cạnh Khách sạn Cà Mau bây giờ). Hằng ngày, buổi sáng anh chị cho chúng tôi điểm tâm cà phê, hủ tiếu, những buổi trưa, chiều đi hoạt động về chị Tiến Thành dọn sẵn mâm cơm trong phòng cho chúng tôi.
Nguyễn Quốc Việt, con trai đầu của anh chị Tiến Thành, khi ta vào tiếp thu, Việt đang học dở dang năm đệ ngũ. Cháu Việt chủ động làm quen thân với chúng tôi, hỏi và tìm hiểu nhiều điều về cách mạng. Cháu Việt là cán bộ nòng cốt Ðoàn của nhà trường. Anh Nguyễn Duy Vinh cho biết, anh Tiến Thành là cán bộ kháng chiến chống Pháp. Khi Ngô Ðình Diệm chấp chính miền Nam, anh là cán bộ cơ sở mật trong lòng địch, đến khi ta tiếp thu… vẫn không lộ. Người em thứ bảy của anh Tiến Thành tập kết ra miền Bắc, là sĩ quan quân đội…
Hằng ngày, tôi với anh Nguyễn Duy Vinh đến các trường học gặp gỡ anh chị giáo viên và các em học sinh. Chúng tôi chuyện trò thân mật, cởi mở… không ít người bày tỏ tâm trạng đồng cảm với chúng ta: Lật đổ chế độ cũ, thiết lập chế độ mới là sự đổi thay có tính lịch sử trọng đại của đất nước, dân tộc. Nhiều người tha thiết tìm hiểu chính sách đoàn kết dân tộc, chính sách khoan hồng của cách mạng, tìm hiểu tương lai, việc làm và cuộc sống sắp tới của họ sẽ ra sao? Một mặt chúng tôi giải đáp những câu hỏi, giải toả những tâm trạng và khai thác viết bài đề tài về họ. Mặt khác, chúng tôi khuyến khích lực lượng trí thức này viết bài cộng tác cho Báo Cà Mau Giải phóng và Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng. Ngay những ngày đầu thị xã Cà Mau giải phóng mà có khá đông thầy, cô giáo và các em học sinh đóng góp nhiều bài vở có chất lượng tốt. Trong số đó có em học sinh Phan Hoàng, những năm sau này trở thành đạo diễn điện ảnh nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh, 2 em học sinh Hữu Thiện và Hoàng Anh Việt… những năm sau này trở thành nhà thơ…
Ngày chúng tôi vào tiếp thu thị xã Cà Mau, lực lượng biên tập, phóng viên của Tạp chí Lúa Vàng chỉ có 6 anh em: Quang Thắng, Quân Phong, Duy Vinh, Thanh Minh, Nguyễn Thanh, Lê Anh, trong khi yêu cầu tuyên truyền đặt ra cho tạp chí rất lớn và cấp bách: tăng trang, mở nhiều chuyên mục mới, rút ngắn định kỳ phát hành hằng tháng, đối tượng chủ yếu của tạp chí lúc bấy giờ nguỵ quân, nguỵ quyền tan rã tại chỗ và Nhân dân nhiều năm sống trong vòng kềm kẹp của kẻ thù, nội dung của tạp chí tập trung vào ổn định chính trị, ổn định xã hội, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của mặt trận…
Với tinh thần mỗi cán bộ, biên tập, phóng viên của tạp chí phấn đấu làm việc bằng hai, bằng ba cùng với sự tổ chức đông đảo và chặt chẽ đội ngũ cộng tác viên là cán bộ kháng chiến lâu nay là những ngòi bút trung thành với tạp chí, cùng với lực lượng cộng tác viên mới là giáo viên, công chức và học sinh khá đông đảo… làm cho lượng bài vở tạp chí dồi dào, nội dung phong phú và chất lượng nâng cao rõ rệt. Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng trở thành một binh chủng công tác tư tưởng đắc lực trong thời kỳ quân quản và là món ăn tinh thần được các giới đồng bào trong thị xã Cà Mau vừa được giải phóng yêu thích. Số lượng phát hành hàng chục ngàn bản/kỳ.
Niềm tự hào, sung sướng về ngày giải phóng miền Nam, giải phóng thị xã Cà Mau dâng trào đến cực độ và đó đã trở thành động lực phi thường giục giã những người cầm viết chúng tôi - là cán bộ, biên tập, phóng viên Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng làm việc say sưa, không biết mỏi mệt. Ban ngày tất cả anh em lăn lộn trong thực tế, ban đêm ngồi vào bàn làm việc tới khuya sáng tác những bài văn, bài thơ./.
Phạm Văn Tri
相关文章
随便看看