Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Thưa ông, thời gian qua, động thái áp dụng các biện pháp PVTM từ các thị trường NK đối với thép Việt đã và đang gây ra những khó khăn gì cho XK mặt hàng này? - Trong quá trình tham gia hội nhập kinh tế, cạnh tranh toàn cầu diễn ra thường xuyên, tranh tụng thương mại cũng diễn ra nhiều. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên được sử dụng công cụ để bảo vệ sản xuất trong nước. Ngành thép bị nước ngoài áp dụng các biện pháp PVTM tương đối nhiều. Thép Việt chủ yếu XK sang các thị trường như ASEAN, Hoa Kỳ, EU. Tại ba thị trường XK hàng đầu này, thép đều đã từng bị áp dụng biện pháp PVTM. Tính chung từ trước tới nay, ngành thép Việt đã phải đối diện với khoảng 25 vụ việc áp dụng biện pháp PVTM từ thị trường NK, trong đó điển hình phải kể tới các vụ việc khởi xướng từ thị trường Australia, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, gần đây nhất là Hoa Kỳ và EU. Việc bị khởi kiện, áp thuế khiến thép Việt XK vào các thị trường tăng giá, giảm tính cạnh tranh. Trước mắt, những tháng tới, xuất phát từ các động thái áp dụng biện pháp PVTN, XK thép sang các thị trường như Hoa Kỳ, EU sẽ gặp nhiều khó khăn. | "Dính" nhiều vụ kiện PVTM đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới XK thép Việt Nam. Ảnh: N.Thanh |
Theo ông, đâu là nguyên nhân mấu chốt khiến thép Việt ngày càng bị các thị trường NK giá tăng áp dụng biện pháp PVTM? - Thời gian gần đây, sản xuất thép trên thế giới tăng nhanh, đặc biệt là khu vực châu Á mà điển hình là Trung Quốc. Hiện, Trung Quốc sản xuất trên 800 triệu tấn thép mỗi năm, chiếm gần 50% sản lượng thép toàn thế giới. Thực tế này gây nên tình trạng dư thừa thép. Một số nguồn cung thép trên thế giới muốn XK đi bằng mọi cách nên đã áp dụng giảm giá bán. Một số quốc gia lại dùng các chính sách nhà nước như hạ giá điện, giảm thuế, hạ giá nguyên liệu để hỗ trợ, giúp gia tăng sức cạnh tranh cho ngành thép nội địa. Tất cả các động thái này góp phần làm méo mó thị trường thép. Trong khi đó, tại các nước NK thép, điển hình như Hoa Kỳ, chi phí sản xuất thép trong nước khá cao, không cạnh tranh nổi với hàng NK nên đã tiến hành áp dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ nền sản xuất trong nước. Xu thế chung là nước nào cũng muốn bảo vệ nền sản xuất của mình. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng, hầu hết vụ việc áp dụng các biện pháp PVTM của các thị trường đều phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhiều quan điểm cho rằng, điểm yếu mấu chốt trong các vụ kiện PVTM là nhận thức cũng như năng lực ứng phó của DN Việt còn kém. Quan điểm của ông như thế nào? - Trên thực tế, dù thời gian gần đây đã có những tiến bộ nhất định, song nhận thức về luật lệ thương mại quốc tế không chỉ của các DN Việt mà còn của cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn các luật sư vẫn còn hạn chế. Khi xảy ra các vụ kiện PVTM, nhiều trường hợp phải thuê tư vấn nước ngoài gây tốn kém, mất thời gian. Thép Việt XK đi khá nhiều thị trường. Mấu chốt là các DN tránh đừng vi phạm, đừng bán phá giá. VSA luôn khuyến cáo các DN XK thép của Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm để vươn tới thị trường nước ngoài, đồng thời nâng cao nhận thức về thương mại quốc tế, tránh rủi ro có thể xảy ra. Với các vụ việc khởi xướng điều tra theo đúng thông lệ quốc tế, DN phải tích cực hợp tác với cơ quan điều tra nhằm giảm thiểu thiệt hại với DN mình. Điển hình như thời gian qua, Australia đã tiến hành khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép cuộn từ ba thị trường Hàn quốc, Đài Loan và Việt Nam. Nhờ sự hợp tác tích cực từ phía DN Việt Nam, phía Australia mới đây đã kết luận biên độ bán phá giá thép cuộn Việt Nam sang Australia nhỏ và chấm dứt điều tra. Ngoài ra, tôi cho rằng, các DN XK cũng cần nghiên cứu, bố trí thị trường XK hợp lý, tránh tập trung chủ yếu vào một vài thị trường gây ra tình trạng XK tăng đột biến, tạo cớ cho các nước NK tiến hành khởi xướng điều tra. Theo một số chuyên gia, việc ngày càng phải đối diện với nhiều vụ kiện PVTM vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các DN ngành thép đổi thay, từng bước nâng cao khả năng ứng phó. Ông suy nghĩ ra sao về điều này? - Đối diện với các vụ kiện PVTM, XK gặp khó là đương nhiên. Tuy nhiên, nhờ đó, các DN nâng cao được ý thức phải tuân thủ luật lệ quốc tế, nâng cao hiểu biết, từ đó đổi thay trong cách thức XK hay chiến lược của mình. Tuy nhiên, chú trọng tới công tác PVTM cũng khiến DN tốn thêm chi phí nhất định. Ví dụ, muốn nâng cao nhận thức, DN cần tiến hành tổ chức hội thảo, tiến hành đi học tập tại nước ngoài… Với những DN lớn, việc bỏ ra khoảng vài chục tỷ đồng cho vấn đề này là bình thường, song với DN nhỏ thì đây là cả bài toán nan giả. Các DN phải tùy điều kiện của mình để “liệu cơm gắp mắm”. Đứng từ góc độ đại diện cho DN, VSA có kiến nghị, đề xuất như thế nào với cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ các DN ngành thép ngày càng vững vàng trong hội nhập, ứng phó tốt với vụ kiện PVTM, thưa ông? - VSA mong muốn ngày càng nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các đơn vị trực tiếp như Bộ Công Thương. Cụ thể, hệ thống tham tán thương mại ở các nước có thể hỗ trợ cho DN ngành thép thông tin về thị trường cũng như các luật lệ, quy định của thị trường. Trên có sở, DN có thể hiểu biết rõ hơn về thị trường cũng như rào cản luật pháp để tránh xảy ra tranh tụng thương mại. Xin cảm ơn ông! Ông Chu Đức Khải, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA): Mấu chốt là sản phẩm XK phải có chất lượng cao, bán giá cao Để tránh vướng phải các vụ kiện PVTM, mấu chốt là sản phẩm thép XK phải có chất lượng cao, đi kèm bán giá cao. Bởi, giá cao sẽ giúp thép Việt tránh bị nghi ngờ lẩn trốn thuế, gian lận thương mại. Bên cạnh đó, một số giải pháp để giúp các DN ngành thép vượt qua các vụ kiện PVTM có thể kể đến như: Thành lập nhóm nhân viên chuyên trách, cập nhật thông tin liên tục và đầy đủ; hợp tác với các nhà tư vấn luật chuyên nghiệp; đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với VSA và các DN trong ngành… Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Trưởng phòng Phòng vệ thương mại, Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): DN Việt cần tích cực sử dụng công cụ PVTM để bảo vệ mình Đem ra so sánh dễ thấy, hiện nay, việc sử dụng biện pháp PVTM ở trong nước để đối phó với những hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa NK khá ít ỏi so với số vụ kiện PVTM mà hàng hóa XK của Việt Nam phải đối mặt. Ngoài nỗ lực trong các vụ bị khởi xướng điều tra, DN có thể tích cực sử dụng các công cụ PVTM để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Trước tiên, DN phải trang bị hiểu biết về các công cụ PVTM nhằm hành động đúng và kịp thời. Ngoài ra, các DN phải phối hợp chặt chẽ với những DN cùng ngành. Bởi, để khởi xướng các biện pháp PVTM, không chỉ một DN muốn là có thể thực hiện. Đứng từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, cần có cơ chế hỗ trợ thông tin cho DN với những nhóm thông tin mà DN không thể tự tập hợp hay thống kê. Đức Quang (ghi) |
|