Trước bất cập nêu trên, ngày 3/11/2020, Tổng cục Hải quan tiếp tục có Công văn 7059/TCHQ-ĐTCBL gửi: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt; Uỷ ban Quốc phòng và An ninh, Uỷ ban Pháp luật, Uỷ ban Tư pháp và Bộ Tư pháp. Tại văn bản nêu trên, Tổng cục Hải quan khẳng định vai trò quan trọng của ngành Hải quan trên mặt trận chống buôn lậu và chỉ ra hàng loạt nội dung mâu thuẫn, chồng lấn với nhiệm vụ kiểm soát phương tiện, xử lý vi phạm do cơ quan Hải quan chủ trì thực hiện trong địa bàn hoạt động hải quan theo Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bài 1: Hải quan là lực lượng chủ công trên mặt trận chống buôn lậu Về chức năng, nhiệm vụ , phương pháp quản lý của cơ quan Hải quan, căn cứ Điều 1, Điều 2, Điều 7, Điều 12, Điều 35, Điều 88 Luật Hải quan, trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan Hải quan được giao nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chủ trì thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan Hải quan được Luật Hải quan quy định rõ chịu trách nhiệm chính, chủ trì xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, các cơ quan khác phát hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong địa bàn hoạt động hải quan thì phải báo ngay cho cơ quan Hải quan để kiểm tra, xử lý. Để thực hiện nhiệm vụ nhiệm vụ trên, cơ quan Hải quan phải kiểm tra, giám sát, kiểm soát phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu để đảm bảo thực hiện chính sách quản lý nhà nước về ngoại thương và thực hiện chức năng thu thuế cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt, chức năng, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước chỉ cơ quan Hải quan có, lực lượng Biên phòng không có chức năng, nhiệm vụ này. Thời gian qua, cơ quan Hải quan đã xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống máy soi chiếu… phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát phương tiện, hành lý xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan. Đối với các tờ khai hải quan luồng xanh, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về hội nhập quốc tế tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu thì phải giảm thời gian thông quan (chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm), cơ quan Hải quan áp dụng lý rủi ro đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (phân luồng tờ khai: xanh, vàng, đỏ theo thông lệ quốc tế). Việc áp dụng quản lý rủi ro, phân luồng tờ khai một mặt để tạo thuận lợi thương mại nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, ma túy, vũ khí bởi lực lượng chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan của cơ quan Hải quan, của các lực lượng khác như Quản lý thị trường, Công an... và thực tiễn các vi phạm lợi dụng phân luồng tờ khai đã được phát hiện xử lý (bao gồm xử lý hình sự) theo quy định của pháp luật. Đối với công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, ma túy, theo thống kê từ năm 2016 đến tháng 10/2020, cơ quan Hải quan đã phát hiện, bắt giữ 81.644 vụ việc, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 10.421 tỷ đồng; cơ quan Hải quan đã khởi tố 245 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 573 vụ. Thời gian qua, cơ quan Hải quan đã phát hiện nhiều vụ việc buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy trong địa bàn hoạt động hải quan và đã phối hợp có hiệu quả với lực lượng Biên phòng trong việc bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm như vụ việc bắt giữ 98 kg ma túy đá giấu trong 5 pho tượng gỗ do máy soi hành lý của cơ quan Hải quan phát hiện tại Hà Tĩnh; vụ bắt giữ 500 kg ketamin và 276 kg ma túy đá trong địa bàn hoạt động hải quan tại TP HCM... Các quy định chồng chéo trong dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam với nhiệm vụ của cơ quan Hải quan được Tổng cục Hải quan phân tích chi tiết sẽ được Báo Hải quan đăng tải đầy đủ trong bài tiếp.
|