(CMO) Sáng ngày 28/10, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012. Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì.Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Từ khi có Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Cà Mau đã quán triệt và xây dựng chương trình hành động cụ thể về phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX.
Theo ông Lê Minh Ái, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, đến nay, nhận thức của các ngành, các cấp về KTTT đã có chuyển biến đáng kể; cán bộ, thành viên HTX và người nông dân hiểu rõ hơn về mô hình HTX kiểu mới; các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã có sự quan tâm đến việc chỉ đạo phát triển KTTT, HTX.
Theo đó, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT ngày càng hoàn thiện, tạo sự nhất quán trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Một số cơ chế, chính sách khuyến khích đối với KTTT đã phát huy tác dụng, tạo động lực cho sự phát triển mô hình HTX hiện nay.
Đặc biệt, tính từ tháng 7/2013 đến nay, tổng kinh phí ngân sách tỉnh đã hỗ trợ tài chính cho phát triển KTTT, HTX là 11,9 tỷ đồng. Hiện toàn tỉnh có 258 HTX, trong đó số lượng HTX thành lập mới trong giai đoạn 2013-2020 là 192. Có 224 HTX đang hoạt động, số còn lại đang ngừng hoạt động.
Đến nay vốn điều lệ của các HTX khoảng 177,5 tỷ đồng, tăng 40,1 tỷ đồng so với năm 2013; bình quân một HTX có vốn điều lệ hơn 975 triệu đồng. Doanh thu trong HTX bình quân 800 triệu đồng/năm, tăng 190 triệu đồng so với năm 2013. Trong đó, lợi nhuận của HTX đạt khoảng 200 triệu đồng/năm, tăng 60 triệu đồng so với năm 2013. Thu nhập bình quân của thành viên HTX, người lao động trung bình hơn 40 triệu đồng/năm/người.
Tổng số HTX hoạt động hiệu quả theo Luật Hợp tác xã năm 2012 hiện nay là 62 HTX, tăng 21 HTX so với năm 2013.
Tuy nhiên, việc phát triển KTTT, HTX vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Theo ông Ái đánh giá, về tổ chức thực hiện Luật HTX năm 2012, chưa được sự quan tâm đúng mức của các cấp uỷ đảng, chính quyền một số địa phương. Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc triển khai một số quy định mới của Luật, chưa thấy rõ vai trò của HTX trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên mới chỉ dừng lại ở chủ trương, chưa chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, chưa xây dựng được mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn, triển khai nhân rộng mô hình HTX hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, bản thân HTX, đa số là ít vốn, trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết,…
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 14 tập thể và 27 cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012. Ảnh: Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhận định, KTTT đã có bước phát triển nhất định, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, tồn tại cần khắc phục từ Luật cho đến các chính sách, công tác điều hành, triển khai thực hiện trong thực tế.
Do đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, cần phải có sự nỗ lực hơn nữa, nhất là trong việc vận động, củng cố, tiến tới nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX. Đặc biệt quan tâm nâng cao hiệu quả, quy mô sản xuất của các HTX có sản phẩm OCOP để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường. Khi thành lập mới HTX, phải gắn với nhiều yêu cầu điều kiện cụ thể, nhất là sản xuất cung ứng sản phẩm theo chuỗi giá trị để thu hút được sự tham gia của doanh nghiệp.
Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, UBND các huyện, thành phố phải rà soát, đánh giá phân loại HTX để có hướng chỉ đạo và hỗ trợ phù hợp. Quan tâm lồng ghép những chính sách để có nhiều nguồn lực trong hỗ trợ HTX, nhất là hỗ trợ HTX tiếp cận thị trường thông qua các sàn giao dịch điện tử, thương mại điện tử./.
Nguyễn Phú |