Tại sao chúng ta cứ mải miết bắt trẻ đi học hết môn lý,ókhókhôcúp thụy điển môn toán đến hóa, văn, Anh văn mà không cho chúng có nhiều thời gian để tìm hiểu thêm những gì mà chúng thích, cố nhiên là trong sự định hướng của mình? Tại sao chúng ta cứ cố kiết yêu cầu con cái phải học, trong một chu trình thời gian lấp đầy và nhàm chán, chỉ để chúng có thể vượt qua những kỳ thi trong khi chúng lại tỏ ra lơ ngơ với những điều xung quanh mình? Có khó không nếu chúng ta dạy chúng biết cách tìm hiểu thế giới xung quanh mình và biết đánh thức những khía cạnh thẩm mỹ của đời sống qua đời sống văn hóa và nghệ thuật?
Điều cuối mà anh bạn dừng lại cũng làm tôi thấy chùng lòng: Bạn thấy không, chúng ta đang sống ở một thành phố văn hóa – du lịch nhưng con cái chúng ta đâu có hiểu nhiều về di sản văn hóa và không phải cháu nào cũng biết đến những khái niệm đơn giản nhất. Rất ít cháu biết cách cảm thụ âm nhạc, hội họa dù thành phố nơi ta sống có không ít bảo tàng, nhà trưng bày?
Tôi, sau đó, khi còn lại một mình cũng đã ngồi tự vấn xem, những đứa con của mình đã chia sẻ những điều gì, cách cảm thụ như thế nào về những điều gần như là một phần của cuộc sống mà chúng mang về từ nhà trường? Có những câu chuyện được kể về những giờ vẽ được học ở trung tâm văn thể mỹ, nơi mà theo cách của con tôi nói là nhiều bạn khó nhọc khi vẽ đúng tỷ lệ được yêu cầu về một chiếc bình hoa trên giấy, nơi có không ít những phiên bản được copy từ internet vì bạn không tìm ra được ý tưởng riêng. Có một hôm nào đó, tôi nghe về một câu chuyện khác khi con thứ kể với con đầu về sự chán mà nó “vấp” phải khi phải ngồi học cách ký xướng âm. Có lúc lại là những lời bi bô hào hứng về một buổi thực hành video clip về về chống xâm phạm trẻ em qua một tình huống nào đó mà lớp chia thành nhiều nhóm để diễn, quay hình, ráp nối và dựng lại... Cả chia sẻ “giờ học mà con chán nhất là giáo dục công dân” khi đón con tan học.
Cũng trong rất nhiều chuyện trò thường ngày, tôi biết con mình cũng có nhiều khoảng hẫng khi không biết nhiều về âm nhạc, cho dù thuộc khá nhiều bản hit của các ca sĩ tên tuổi, hoặc có thể hát và lắc lư trong một giai điệu nào đó bằng tiếng Anh. Con, và bạn của con nữa không mấy hứng thú để tham gia vào một tour du lịch trong ngày đến các điểm tham quan tại Huế. Chúng thích các món ăn vặt, trà sữa và mì cay 7 cấp độ hơn và có thể nói về những điều đó cả ngày. Tất nhiên không thể đòi hỏi con trẻ thích các ca khúc mà mình thích vì lũ trẻ thường gọi đó là “nhạc già” nhưng chắc chắn những tên tuổi như Điềm Phùng Thị, Lê Bá Đảng hay Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế cũng khá là xa lạ, ngoại trừ một vài hình ảnh về máy bay và xe tăng cũ, han gỉ trong một khuôn viên bên trong Thành Nội...
Tôi chắc là mình không thể trả lời câu hỏi “có khó không” của anh bạn, nhưng tôi cũng biết chắc rằng, mình cũng là người có lỗi khi không mở thêm một vài cửa sổ cho con cái để chúng biết cách nhìn ra bên ngoài, biết cảm thụ những điều mới mẻ của cuộc sống; biết mình chưa thu xếp thời gian một cách khoa học để truyền cảm hứng về những điều thật hay khác, ngoài (và sau) bài giảng trên lớp và những bài tập ở các lớp học thêm.
Nếu có thể, điều mà tôi muốn được sửa chữa ở đây chính là việc học phải đi cùng với đánh thức các kỹ năng khác, để chí ít thì con cháu chúng ta cũng không lơ ngơ với những điều xung quanh mình và biết cách để cảm nhận và yêu thương...
HÀ CHI