Đường phố ở New York, Mỹ, ngày 9/2/2022 |
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 325.645.695 người, 74.450.085 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 89.748 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 247.128 ca nhiễm mới; Nga đứng thứ hai với 197.076 ca; tiếp theo là Brazil (159.347 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.498 người chết trong ngày; tiếp theo là Brazil (828 ca) và Nga (701 ca).
Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 78.911.028 người, trong đó có 937.459 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 42.534.048 ca nhiễm, bao gồm 507.208 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 27.119.500 ca bệnh và 636.017 ca tử vong. Ca nhiễm mới tại Brazil đang tăng mạnh khi nước này trên đường trở lại là một điểm nóng lây nhiễm ở Mỹ Latinh.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 141 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 108,6 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 92,5 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 51,45 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 11,28 triệu ca và châu Đại Dương trên 3 triệu ca nhiễm.
Anh: Thái tử Charles lần thứ hai mắc COVID-19
Văn phòng của Thái tử Anh Charles ngày 10/2 thông báo Thái tử đang phải tự cách ly sau khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là lần thứ hai người kế vị ngai vàng nước Anh mắc COVID-19.
Vợ ông, Nữ Công tước Camilla được xác nhận âm tính với SARS-CoV-2. Thái tử Charles từng mắc COVID-19 hồi tháng 3/2020 với các triệu chứng nhẹ. Tháng 12/2021, Thái tử Charles cho biết ông và vợ đã được tiêm liều vaccine tăng cường.
Italy hướng tới tiêm nhắc vaccine hàng năm
Ngày 10/2, Tổng giám đốc Cơ quan Dược phẩm Italy (AIFA) Nicola Magrini khẳng định “sẽ không có liều thứ 4, mà hướng tới tiêm nhắc lại hàng năm vaccine ngừa COVID-19”.
Theo thống kê từ Bộ Y tế Italy, đến nay 82,09% người dân nước này đã hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, trong đó có tới 60,17% tiêm liều thứ 3. Xét cả số trường hợp tiêm 1 liều duy nhất và tiêm ít một liều vaccine ngừa COVID-19 thì khoảng 85,39% người dân Italy đã được bảo vệ trước đại dịch - yếu tố được xem là động lực để Italy có thể mở cửa trở lại.
Theo lộ trình đến ngày 31/3, thời hạn áp đặt tình trạng khẩn cấp ở Italy sẽ kết thúc, đồng nghĩa với các hạn chế sẽ được gỡ bỏ hoặc giảm nhẹ.
Séc chủ trương nới lỏng các biện pháp chống dịch
Căn cứ trên tình hình dịch bệnh thực tế, Chính phủ Séc chuẩn bị giảm thiểu các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Thủ tướng Séc Petr Fiala cho biết, giới chức chủ trương từng bước nới lỏng các biện pháp phòng dịch và có thể chỉ còn bắt buộc đeo khẩu trang. Ông cho biết chính phủ cũng đã quyết định dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát chứng chỉ COVID tại các nhà hàng, dịch vụ, tại các sự kiện văn hóa và thể thao từ ngày 10/2.
Theo Bộ trưởng Y tế Vlastimil Válek, kế hoạch giảm thiểu các biện pháp nêu trên có được thực thi hay không sẽ phụ thuộc vào diễn biến thực tế của dịch bệnh và sự lây lan của biến thể Omicron. Nếu dịch bệnh chuyển biến theo dự đoán của các chuyên gia, các biện pháp phòng dịch sẽ có thể được giảm triệt để từ ngày 1/3 tới.
Làn sóng Omicron tại Mỹ Latinh có xu hướng giảm
Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) ngày 9/2 công bố báo cáo cho biết, ca mắc COVID-19 và số trường hợp nhập viện vì căn bệnh này tại một số quốc gia Mỹ Latinh đã bắt đầu giảm trong những ngày gần đây, qua đó cho thấy làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tại khu vực này có chiều hướng đi xuống.
Số trường hợp mắc COVID-19 tại khu vực này trong tuần trước đã giảm 31% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, các chuyên gia của tổ chức y tế này cảnh báo tác động của dịch bệnh vẫn còn đáng kể do số trường hợp tử vong vì COVID-19 tại Mỹ Latinh trong tuần trước đã tăng 13%, đặc biệt là ở Trung và Nam Mỹ.
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Manaus, bang Amazon, Brazil. |
Nhật Bản cấp phép sử dụng thuốc điều trị COVID-19 dạng uống của Pfizer
Bộ Y tế Nhật Bản ngày 10/2 đã phê chuẩn việc sử dụng thuốc viên điều trị COVID-19 dạng uống do hãng dược Pfizer (Mỹ) sản xuất cho những trường hợp có triệu chứng nhẹ.
Trước đó cùng ngày, một ủy ban thuộc Bộ này đã thông qua việc cấp phép cho thuốc Paxlovid của Pfrizer trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tăng mạnh thời gian gần đây. Thuốc Paxlovid, kết hợp của hai hoạt chất kháng virus là nirmatrelvir và ritonavir. Nirmatrelvir có tác dụng ức chế một protein SARS-CoV-2 để ngăn virus nhân lên trong khi ritonavir làm chậm sự phân hủy của nirmatrelvir giúp thuốc tồn tại trong cơ thể lâu hơn và ở nồng độ cao hơn. Paxlovid được dùng điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ đến trung bình trong độ tuổi từ 12 trở lên, có cân nặng tối thiểu 40kg và có nguy cơ bệnh diễn tiến nặng dẫn đến phải nhập viện. Đây là thuốc điều trị COVID-19 dạng uống thứ hai được cấp phép sử dụng tại Nhật Bản, sau thuốc Molnupiravir của Merck&Co (cũng của Mỹ).
Ngoài 2 loại thuốc nhập khẩu trên, hiện Chính phủ Nhật đang xem xét sớm cấp phép có điều kiện đối với thuốc điều trị COVID-19 dạng uống có tên S-217622 do công ty dược phẩm trong nước Shionogi & Co bào chế. Thuốc viên S-217622 dành cho người nhiễm COVID-19 giai đoạn đầu nhằm ngăn ngừa bệnh chuyển nặng, giúp giảm các triệu chứng như sốt và ho.
Tại Đông Nam Á, tình hình dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu lắng dịu, đặc biệt tại Thái Lan và Indonesia.
Indonesia dự báo số ca mắc mới đạt đỉnh trong 2-3 tuần tới
Ngày 10/2, Tổng Vụ trưởng Vụ chăm sóc sức khỏe và dịch vụ thuộc Bộ Y tế Indonesia, ông Abdul Kadir, cho biết số ca mắc mới COVID-19 ở nước này có thể sẽ đạt đỉnh trong 2-3 tuần tới.
Chính phủ Indonesia kêu gọi người dân tuân thủ các quy định phòng ngừa COVID-19, cụ thể là đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và duy trì khoảng cách khi tiếp xúc. Chương trình tiêm phòng COVID-19 tại Indonesia cũng đang được đẩy mạnh để tạo miễn dịch cộng đồng. Chính phủ Indonesia cũng đã triển khai việc thực hiện các hạn chế hoạt động cộng đồng (PPKM) từ cấp độ 1 đến cấp độ 3 để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron.
Trong ngày 10/2, nước này ghi nhận 40.618 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc kể từ đầu dịch đến nay lên 4.667.554 ca. Trong khi đó, số ca tử vong tăng 74 ca, nâng tổng số ca tử vong lên 144.858.
Campuchia: Thủ đô Phnom Penh siết chặt các biện pháp phòng dịch
Chính quyền thủ đô Phnom Penh vừa ban hành quy định nhằm ứng phó tình trạng số ca nhiễm biến thể Omicron tại Campuchia tăng 3 chữ số ngày thứ 6 liên tiếp.
Kiểm tra thân nhiệt phòng dịch COVID-19 tại trường học ở Phnom Penh, Campuchia. |
Chính quyền Phnom Penh ghi nhận trong vài ngày qua, một số người dân không tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như không đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách, không rửa tay sát khuẩn, tụ tập đông người tại các đám cưới, lễ hội, nhà hàng, chợ và các điểm vui chơi giải trí.
Nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan mạnh trong cộng đồng, chính quyền Phnom Penh yêu cầu tất cả 14 quận trong thành phố, các sở và đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các quy định, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng, chống dịch; tại các địa điểm đông người và các nhà hàng, tiệc cưới, không xếp chỗ ngồi quá 7 người/bàn và giữ khoảng cách, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Chủ kinh doanh phải kiểm tra thẻ tiêm phòng của khách hàng. Khách hàng chưa tiêm mũi tăng cường 4 tháng sau khi tiêm đủ liều cơ bản không được ra, vào chỗ công cộng.
Thái Lan cân nhắc tăng cường các biện pháp
Nhà chức trách Thái Lan đang cân nhắc tăng cường các biện pháp phòng, chống COVID-19 vào dịp Lễ tình nhân (14/2) trong tuần tới và Tết Songkran trong tháng 4 do số ca mắc mới trong 1 ngày liên tục vượt ngưỡng 10.000 trong những ngày qua.
Truyền thông sở tại dẫn một nguồn tin từ chính phủ ngày 10/2 cho biết, Tổ điều hành thuộc Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) đang xem xét đề xuất các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh cứng rắn hơn. Tại cuộc họp cùng ngày, Cục Kiểm soát dịch bệnh thuộc Bộ Y tế đã báo cáo tình hình COVID-19 hiện nay ở Thái Lan, đồng thời dự báo diễn biến của dịch bệnh. Đề xuất này, cùng với những đề xuất khác của Tổ điều hành, sẽ được trình lên CCSA để phê duyệt tại cuộc họp ngày 11/2.
Ngày 10/2, Thái Lan ghi nhận 14.822 ca mắc mới COVID-19 - mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua kể từ ngày 11/9/2021. Nước này cũng ghi nhận thêm 20 trường hợp tử vong vì COVID-19. Như vậy, kể từ đầu dịch tới nay, Thái Lan có tổng cộng 2.545.873 ca mắc COVID-19, trong đó có 22.364 người không qua khỏi./.