Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tiến sỹ Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính cho biết: "Công tác nghiên cứu khoa học của ngành Tài chính luôn bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nhiệm vụ tài chính – ngân sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Do đó đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào việc tham mưu và hoạch định chính sách của ngành nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung".
Các nhiệm vụ KH&CN đã bao quát nhiều lĩnh vực và đáp ứng được những đòi hỏi cấp bách của thực tiễn đặt ra như: Chính sách kinh tế vĩ mô; phân tích dự báo; chính sách thuế và quản lý thuế; quản lý tài chính công, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành Tài chính…
"Chất lượng nghiên cứu KH&CN của ngành từng bước được nâng cao, tạo bước chuyển biến căn bản trong cả nghiên cứu cơ bản và ứng dụng. Số đề tài được nghiêm thu đạt loại giỏi, xuất sắc năm sau cao hơn năm trước. Một số công trình nghiên cứu khoa học đã đi trước đón đầu về mặt lý luận, góp phần tăng cường nghiên cứu, tạo dựng đội ngũ cán bộ KH&CN giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ", Tiến sỹ Nguyễn Viết Lợi nhấn mạnh.
Kết quả hoạt động nghiên cứu KH&CN của ngành đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước qua việc tổ chức đánh giá, sơ kết và tổng kết nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến lĩnh vực tài chính.Ngoài ra, còn chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, phát triển công nghiệp hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam…
Để tiếp tục phát huy vai trò trong công tác hoạch định chính sách, pháp luật và kịp tham mưu cho công tác quản lý, điều hành của Bộ Tài chính, Tiến sỹ Nguyễn Viết Lợi cho rằng, thời gian tới, hoạt động nghiên cứu khoa học trong toàn ngành cần phải chú trọng kết hợp cả khoa học cơ bản với ứng dụng; tiếp tục tập trung nghiên cứu đổi mới chính sách tài chính quốc gia nhằm khai thác tối đa nguồn lực và tạo động lực cho thời kỳ phát triển mới...
Đặc biệt, cũng theo Tiến sỹ Nguyễn Viết Lợi, định hướng nghiên cứu khoa học ngành Tài chính cần chú trọng nghiên cứu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng; cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân và khu vực dân doanh; cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước và nợ công; cơ chế, chính sách nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công theo hướng công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế; cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa, tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập./.
Sâm Linh