(CMO) Từ các cửa biển, các địa phương được dự báo ảnh hưởng trực tiếp bão số 16, sáng nay, phóng viên Báo Cà Mau tiếp tục cập nhật thông tin về công tác chuẩn bị ứng phó bão.
Tại thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, thuỷ triều dâng cao, ngập một số tuyến đường. Theo ghi sáng nay bà con đã có động thái chủ động, tích cực mua dây, cát… chằng chống nhà cửa. Nhiều hộ dân đã tự động sơ tán người già, trẻ em và phụ nữ đến nơi tránh trú an toàn.
Lực lượng Biên phòng giúp dân chằng chống nhà cửa. |
Ông Trần Hữu Phước, Bí thư Huyện uỷ huyện Phú Tân, cho biết: “Hiện tại vẫn còn một số tàu đã vào cửa nhưng vẫn chưa vào nơi tránh trú an toàn. Chúng tôi đang quyết liệt kêu gọi, nếu có các tàu vẫn không chấp hành lệnh di chuyển thì lực lượng chức năng sẽ chủ động xuống tàu bắt buộc di dời vào nơi tránh trú. Cơn bão hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu suy yếu nên bà con không được chủ quan”. Đến thời điểm này, tất cả các phương tiện đánh bắt đã vào bờ.
Theo thống kê, số người cần phải di dời của toàn huyện là 2.483 hộ, với 8.949 khẩu. Trong đó có 4.490 người già và trẻ em. Tối 24/12, số người già và trẻ em được sơ tán đến Đồn Biên phòng Cái Đôi Vàm là hơn 140 người. Sáng nay, chính quyền địa phương tiếp tục sơ tán người đến nơi tránh trú an toàn. Nếu đến chiều nay, tình hình thời tiết có diễn biến bất thường thì sẽ có lệnh di dời toàn bộ dân trong khu vực nguy hiểm đến nơi tránh trú.
Hiện tại, các trường đã đóng cửa, cho học sinh nghỉ học. Chợ nhà lồng sẽ được hoạt động đến chiều nay để phục vụ bà con. theo ghi nhận một số mặt hàng như dây chì, cao su, áo phao đã có dấu hiệu tăng giá.
Để kịp thời ứng phó với tình hình cơn bão số 16, giảm thiệt hại do cơn bão gây ra, Ban Chỉ huyPhòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Tân kêu gọi bà con theo dõi xuyên suốt diễn biến của bão.
Tại huyện U Minh, ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện U Minh cho biết: UBND huyện vừa xuất ngân sách gần 500 triệu đồng hỗ trợ trên 3.000 hộ dân nghèo mua các vật dụng cần thiết để chằng chống nhà cửa, mỗi hộ 150.000 đồng. Tuy nhiên, qua kiểm tra sáng nay, còn nhiều hộ dân khi nhận được tiền hỗ trợ của Nhà Nước mà không chằng chống nhà cửa dù cho địa phương nhắc nhở nhiều lần.
Tại cống T29, xã Khánh Hội còn khoảng 20 phương tiện khai thác thuỷ sản neo đậu bên ngoài cống. Địa phương tiến hành lập biên bản cưỡng chế lai dắt các phương tiện vào nơi neo đậu.
Lực lượng chức năng vận động chủ phương tiện khai thác thuỷ sản còn neo đậu bên ngoài cống T29 đưa tàu vào nơi trú ẩn an toàn. |
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến 9 giờ sáng 25/12, toàn bộ các ki-ốt chợ nhà lồng xã Khánh Hội đóng cửa, ngừng các họat động kinh doanh mua bán. Bên ngoài chợ chỉ còn một vài tiểu thương mua bán các nhu yếu phẩm cần thiết.
Tính đến thời điểm hiện nay, huyện đã sơ tán di dời xong 720 hộ, với 2.500 khẩu, chủ yếu người già, phụ nữ và trẻ em sống ven đê vào 7 nơi tránh trú an toàn.
Ngoài công tác sơ tán di dời dân ở 2 xã ven biển Khánh Hội và Khánh Tiến, huyện còn đặc biệt quan tâm tuyên truyền người dân các xã còn lại và thị trấn U Minh tiếp tục triển khai các phương án phòng chống bão, hướng dẫn bà con rào chắn, bồi đắp đê bao bảo vệ các diện tích nuôi trồng thuỷ sản, lúa, cá và hoa màu. Đặc biệt, là diện tích lúa trên đất nuôi tôm trên 17.000 ha đang vào giai đoạn chuẩn bị cho thu hoạch. Hiện bà con đã thu hoạch sớm giảm khoảng 500 ha.
Đối với 30.000 ha rừng, trong đó có gần 8.000 ha keo lai đang đến tuổi thu hoạch, tập trung chủ yếu ở Công ty TNHH MTV lâm nghiệp U Minh Hạ hiện chưa tìm được phương án nào để bảo vệ tối ưu. “Khi có tình huống bão đổ bộ vào đất liền chắc chắn sẽ bị thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế”, ông Dư Bé Ba lo lắng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện U Minh trời âm ưu đầy mây, gió thổi nhẹ, riêng tại cửa biển Khánh Hội, xã Khánh Hội, gió thổi mạnh, sóng lớn bắt đầu nổi lên.
Kim Chi – Trung Đỉnh
Từ sáng nay, do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc bão số 16 kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển từ Quảng Ngãi đến Khánh Hoà có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận (bao gồm cả đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12; sóng biển cao từ 5-7 m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Từ trưa nay (25/12), vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, giật cấp 13-14. Cấp độ rủi ro thiên tai (bao gồm cả huyện đảo Côn Đảo): cấp 4. Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20 - 25 km/giờ). Đến 16 giờ ngày 26/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,4 độ Vĩ Bắc; 102,7 độ Kinh Đông, cách Thổ Chu khoảng 100 km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75 km/giờ), giật cấp 11, sóng biển cao 3 - 5 mét. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 100 km tính từ vùng tâm bão. |