(CMO) Gặp nghệ nhân Trọng Hiếu vào một chiều thu khi ông đang tất bật công tác kiểm thính chương trình Tài tử cải lương cho Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Cà Mau. Như một thói quen đẹp tự rèn từ nhiều năm, khi đảm nhiệm vai trò này, việc chỉn chu, nghiêm túc được ông đặt lên hàng đầu.
Thấy tôi có vẻ chăm chú với cách làm việc tràn đầy năng lượng của tuổi thất thập, ông chỉ cười hiền: “Nghệ thuật là chân trời thật đẹp, ở đó không cho phép những bước chân hời hợt, thoáng qua!”.
Đam mê vương thành cái nghiệp
Đi qua những thăng trầm của cuộc sống để gắn bó với tài tử đờn ca, niềm đam mê chắp nối của cậu bé tóc xanh theo cha học từng chữ “hò xự cống xê” rồi quyết tầm và bái sư thầy Mười Bường - một nhạc sĩ mù có tiếng lúc bấy giờ, cố học hỏi những tinh hoa để rồi chỉ 18 tuổi đã nằm lòng 20 bài bản Tổ, tự tin giao lưu và khẳng định tài năng qua các sòng đờn ca.
Nghệ nhân Trọng Hiếu hướng dẫn cho hai tài tử Vis Phương và Cẩm Thuỳ trong buổi thu thanh chương trình Đờn ca tài tử của Đài PT-TH Cà Mau. |
Ngày ấy, giới chơi tài tử trọng tài lắm. Người am hiểu lĩnh vực này không nhiều. Qua các chiếu ca, tiếng lành đồn xa, cái tên Trọng Hiếu ngày càng được nhiều “bạn chơi” biết đến. Những tưởng như một cuộc dạo đẹp, không ngờ thành cái nghiệp theo mình trong suốt hành trình dài.
Không chỉ giới hạn ở việc “chơi”, từ những thập niên 80, Trọng Hiếu đã mở những lớp đờn ca tại nhà, chỉ dạy miễn phí cho những người có cùng chung niềm đam mê ca hát. Ai có chất giọng thì dạy ca, ai mê cung phím thì hướng dẫn đờn để mở rộng phong trào văn nghệ địa phương. Việc giảng dạy được ông duy trì suốt mấy mươi năm qua, từ những lớp học tự phát đến truyền dạy cho các tài tử tại những CLB đờn ca tài tử sau này.
Những năm gần đây, khi nhịp sống kinh tế tất bật khiến CLB Đờn ca tài tử tỉnh Cà Mau có những nốt trầm, khi điểm lại dòng chảy nghệ thuật đờn ca tài tử địa phương, người ta vẫn cứ nhớ một thời vàng son của nó bắt đầu từ cuối thập niên 90 đến hơn 10 năm sau đó do chính ông làm phó chủ nhiệm. Với dàn tài tử, nghệ nhân gạo cội nằm trong Ban chủ nhiệm như Lâm Tường Vân, Tăng Phát Vinh, Trường Giang, Song Thao, Minh Đăng... thì Trọng Hiếu với vai trò phó chủ nhiệm đã đem những hiểu biết, tài năng cùng chung tay góp sức để CLB Đờn ca tài tử của tỉnh buổi đầu nhanh chóng củng cố và phát triển.
Chiếc song lang độc đáo
Nâng niu những chiếc song lang do chính mình sáng chế đầy độc đáo, Nghệ nhân Trọng Hiếu không giấu được tự hào bởi nhiều năm qua “đứa con tinh thần” của mình đã được đông đảo nhạc sĩ từ Nam, Trung, Bắc, kể cả hải ngoại biết đến. Chiếc song lang truyền thống có cần bằng thép, nếu sử dụng thời gian dài sẽ giảm dần độ đàn hồi. Nhận thấy sừng trâu khi ấy ít được sử dụng, khi dùng làm lược có độ bền, dẻo rất tốt, ông liền nghiên cứu làm thành cần song lang, không ngờ có được một sản phẩm quá ưng ý.
Chiếc song lang độc đáo của Nghệ nhân Trọng Hiếu. |
Ý tưởng mới tiếp tục loé lên: “Tại sao mình không sáng chế mẫu mã đẹp, độc đáo cho nhạc cụ này?”. Vậy là sản phẩm song lang có cần bằng sừng trâu, nền sử dụng gỗ quý, đẹp để tạo tiếng kêu tốt, nghiên cứu xẻ miệng khéo léo để khi kết hợp giữa miệng, cần giã tạo nên tiếng Bắc, Trung, Nam rõ ràng, chuẩn xác. Đặc biệt, hình thể song lang sống động với 3 con vật hợp thành, nền là con cóc, cần đầu trâu có chim bồ câu đậu trên.
“Chiếc song lang đầu tiên được làm rồi trưng trên bàn thờ Tổ. Nghệ sĩ ưu tú Trường Giang trong một lần đến chơi nhà nhìn thấy rất thích liền được tặng như một kỷ niệm đẹp. Sau đó, Nghệ nhân Thái Đắc Hàn cũng tìm đến bởi sự thú vị của nó. Những món quà chân phương cứ tưởng chỉ tặng cảm kích vậy thôi, nhưng rồi sau đó qua các cuộc gặp gỡ giao lưu, những nhạc sĩ lại thích cả về mẫu mã độc lẫn âm thanh phát ra. Mấy chục năm qua, song lang của tôi đã đi khắp cả nước rồi ra nước ngoài, vinh hạnh nhất là các tay đờn giỏi như Nghệ nhân Ba Tu, Văn Giỏi, Thanh Hải, Văn Môn... cũng biết tới và sử dụng trong quá trình biểu diễn”, Nghệ nhân Trọng Hiếu khoe với chất giọng sang sảng đầy vẻ tự hào.
Anh em tài tử mỗi khi ngồi với nhau thường nhắc về ông Trọng Hiếu “rộng xài”. Hết tham gia nghệ thuật với vai trò tài tử ca lại đi làm giám khảo các cuộc thi tài tử, tham gia truyền dạy, theo sát công tác kiểm thính cho đài, nhận sửa các loại nhạc cụ dây rồi lại cần mẫn cho ra đời những chiếc song lang độc đáo..., vai trò nào cũng thật cẩn thận, chỉn chu. Ở tuổi thất thập, thanh xuân tình tự của nghệ thuật, của phím đờn lời ca sao vẫn cứ chảy tràn ...
Nghệ nhân Trọng Hiếu tên thật là Nguyễn Thanh Phong, sinh năm 1950 tại xã Khánh An, huyện U Minh. Hơn 50 năm gắn bó với nghệ thuật đờn ca tài tử qua nhiều vai trò, ông đã góp công lớn trong việc giữ gìn và phát triển loại hình nghệ thuật này tại Cà Mau. Năm 2018, ông được Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau công nhận là nghệ nhân tiêu biểu. |
Minh Hoàng Phúc