Xây dựng đô thị xanh,ệnthựchoaacutemụctiecircuthagravenhphốtrựcthuộcTrungươkq parma đô thị văn minh Trước đây, thị trấn Quảng Hà chỉ có quy mô nhỏ với 5 tuyến phố. Đầu năm 2020, huyện Hải Hà tiến hành sáp nhập các xã Quảng Điền, Quảng Trung, Phú Hải vào thị trấn, đưa tổng diện tích tự nhiên của thị trấn Quảng Hà sau sáp nhập là 26,02km2, quy mô dân số là 14.815 người. Điều này đáp ứng được nhu cầu mở rộng đô thị nơi đây. Hàng loạt khu đô thị được hình thành, tạo sự sầm uất cho thị trấn Quảng Hà. Tháng 11-2021, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 1256/QĐ-BXD công nhận thị trấn Quảng Hà là đô thị loại 4. Chủ tịch UBND thị trấn Quảng Hà Phan Văn Việt cho biết: Huyện đã đầu tư nâng cấp hệ thống cống rãnh, lát lại vỉa hè, trồng cây xanh và hạ ngầm đường điện, cáp quang toàn bộ các tuyến phố chính của thị trấn. Qua đó giúp đô thị của huyện ngày càng khang trang. Không chỉ ở Hải Hà, thời gian qua các đô thị trên địa bàn tỉnh đều được quan tâm, đầu tư, chỉnh trang thường xuyên. Các địa phương trong tỉnh đều tích cực rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chung, lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị. Qua đó, tỷ lệ phủ kín quy hoạch đô thị tăng lên đáng kể. Hệ thống đô thị của tỉnh được tập trung phát triển, công nhận, nâng loại và từng bước phát huy được vai trò, chức năng, góp phần thực hiện mục tiêu nhiệm vụ phát triển KT-XH. Quảng Ninh hiện có 13 đô thị, bao gồm: 1 đô thị loại I trực thuộc tỉnh (TP Hạ Long); 3 đô thị loại II (Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí); 2 đô thị loại III (Quảng Yên, Đông Triều), 3 đô thị loại IV (Vân Đôn, Tiên Yên, thị trấn Quảng Hà của Hải Hà), 4 đô thị loại V (Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà và Cô Tô). Dân số của tỉnh khoảng 1,4 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 945.000 người; tỷ lệ đô thị hóa đạt 67,5%, ở mức cao so với cả nước. Trên cơ sở các đồ án quy hoạch, các chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung đô thị, hằng năm tỉnh đều bố trí kinh phí để chỉnh trang, nâng cấp, nâng cao chất lượng đô thị. Phần lớn các đô thị trên địa bàn đều được nâng cấp hệ thống cấp, thoát nước, vỉa hè, cây xanh. Các tuyến đường đô thị được mở rộng gắn với hạ ngầm hệ thống điện, cáp quang... Tỉnh cũng đầu tư mạnh để xây dựng những đô thị xanh, đô thị văn minh, trong đó, đã triển khai Dự án hỗ trợ kỹ thuật thúc đẩy tăng trưởng xanh tại khu vực Vịnh Hạ Long, do Jica (Nhật Bản) tài trợ; hợp tác nghiên cứu, triển khai nhân rộng các công nghệ tiên tiến thí điểm xử lý chất thải tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; đề xuất sử dụng vốn ODA để triển khai các dự án thoát nước thải trên địa bàn Uông Bí, Cẩm Phả; triển khai xây dựng Đề án phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030... Tỉnh còn lắp đặt hệ thống camera giao thông tại các nút giao thông chính, các điểm có mật độ giao thông lớn để giám sát, quản lý và tích hợp chung với hệ thống quản lý của mô hình thành phố thông minh. Vấn đề xử lý chất thải đô thị cũng được tỉnh quan tâm. Đến nay đã có 3 khu xử lý rác thải cấp vùng đi vào hoạt động bằng phương pháp đốt tại: Khe Giang (Uông Bí), Quảng Nghĩa (Móng Cái) và Tràng Lương (Đông Triều). Qua đó, hầu hết rác thải đô thị đã được thu gom, xử lý. Một số khu vực đô thị đã bước đầu có hệ thống thu gom, xử lý nước thải như TP Hạ Long, Móng Cái và một số các dự án đầu tư xây dựng mới (khu đô thị mới, KCN, các dự án đầu tư xây dựng công trình nhà ở chung cư...). Cùng với đó, các địa phương còn đầu tư hệ thống công viên, quảng trường... tạo nơi tập trung, vui chơi, thư giãn của người dân. Hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, tỉnh đã thực hiện Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020. Qua đó đã hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống chiếu sáng thông minh, tiết kiệm năng lượng trên địa bàn TP Hạ Long, Uông Bí... Thí điểm ứng dụng CNTT trong quản lý đô thị trên địa bàn TP Hạ Long và xây dựng hệ thống quản lý thông minh trong ngành xây dựng tỉnh Quảng Ninh; hoàn thành xây dựng 3 bệnh viện thông minh; xây dựng được gần 1.500 phòng học thông minh, phòng học tương tác tại 89 trường học... Tỉnh còn lắp đặt 148 trạm quan trắc môi trường tự động nhằm nâng cao năng lực quan trắc, kiểm soát môi trường tự động trên địa bàn tỉnh, kiểm soát chặt chẽ, liên tục chất lượng môi trường, không khí cảnh báo sớm ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân. Hướng tới vùng đô thị hiện đại, sinh thái Quảng Ninh đặt ra quan điểm đến năm 2030, xây dựng hệ thống đô thị tỉnh Quảng Ninh trở thành một vùng đô thị hiện đại, sinh thái; có một nền kiến trúc khác biệt, đặc biệt, văn minh hiện đại; hệ thống đô thị tỉnh Quảng Ninh trở thành một trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao thương trong nước và quốc tế. Một trong những mục tiêu được đặt ra là: Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Quảng Ninh phát triển theo mô hình chuỗi đô thị, là động lực phát triển kinh tế của miền Bắc và cả nước với hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, phát huy vai trò là hạt nhân, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, đáp ứng mục tiêu phát triển Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, với dịch vụ công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch đẳng cấp của quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia. Đồng thời, tỉnh cũng tiếp tục nâng cao chất lượng sống đô thị thông qua việc tập trung nguồn lực hợp lý để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đô thị, kiến trúc cảnh quan phù hợp, đồng bộ, từng bước hiện đại và bền vững. Đảm bảo tính kết nối theo quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đã được xác định giữa các đô thị trong hệ thống đô thị Quảng Ninh, cũng như phát huy được các thế mạnh của tỉnh. Theo đó, tỉnh dự kiến phương án phát triển các đô thị theo đơn vị hành chính cấp huyện đáp ứng tiêu chí đô thị loại I, theo mô hình thành phố trong thành phố, không hình thành các quận nội thành. Để đạt 60% số đơn vị hành chính tương đương cấp quận, tỉnh sẽ phải triển khai đầu tư, nâng cấp 7/12 đơn vị hành chính cấp huyện đạt tiêu chí đô thị loại I, gồm các thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái (mở rộng sau khi sáp nhập huyện Hải Hà), Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều và Vân Đồn. 5 đô thị còn lại thuộc các huyện: Tiên Yên, Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ và Cô Tô tiếp tục phát triển theo các định hướng quy hoạch thị trấn thuộc huyện, thị xã thuộc tỉnh. Tuy nhiên để làm được điều đó cần có sự nỗ lực rất nhiều trong hệ thống chính trị toàn tỉnh.
|