Bộ Tài chính điện tử hóa thêm 29 chế độ báo cáo định kỳ | |
Bộ Tài chính sẽ điện tử hóa 64 chế độ báo cáo trên Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia | |
Cân nhắc tăng trần nợ công để đảm bảo mục tiêu giữ vững an ninh tài chính quốc gia |
Hoạt động nghiệp vụ tại KBNN Phú Thọ. Ảnh: Thùy Linh |
Cơ bản hoàn thành tiếp nhận báo cáo từ địa phương
Việc lập Báo cáo tài chính Nhà nước (BCTCNN) đã trở thành công việc thường xuyên của KBNN và KBNN đang thực hiện báo cáo của năm 2019.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài, Cục trưởng Cục Kế toán Nhà nước, KBNN, trên cơ sở kết quả và bài học kinh nghiệm trong công tác lập BCTCNN năm 2018, ngay từ đầu năm 2020, KBNN đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó đặc biệt lưu ý việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn công tác lập BCTCNN năm 2019; hoàn thiện hệ thống thông tin Tổng Kế toán nhà nước (cập nhật công thức, khắc phục các lỗi của hệ thống…) để sẵn sàng tiếp nhận báo cáo cung cấp thông tin tài chính của các cơ quan, đơn vị và hỗ trợ công tác tổng hợp lập BCTCNN năm 2019.
Ngoài ra, KBNN đã yêu cầu KBNN các cấp phối hợp với Sở Tài chính đôn đốc các đơn vị dự toán cấp 1 trên địa bàn gửi báo cáo cung cấp thông tin tài chính; thực hiện kiểm tra, rà soát, tiếp nhận báo cáo của các đơn vị này. Đồng thời, KBNN các cấp tổ chức các nhóm hỗ trợ nghiệp vụ và kỹ thuật để kịp thời hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương tháo gỡ khó khăn trong quá trình cung cấp thông tin, tổng hợp, lập BCTCNN. KBNN còn tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ liên quan trong hệ thống KBNN…
Đến nay, KBNN đã cơ bản hoàn thành việc kiểm tra, tiếp nhận các báo cáo cung cấp thông tin tài chính nhà nước năm 2019. Đồng thời đang khẩn trương tổng hợp, phân tích 63 bộ BCTCNN tỉnh để đảm bảo đến tháng 12/2020 hoàn thành việc trình UBND tỉnh, báo cáo HĐND tỉnh và trong tháng 3/2021 hoàn thành BCTCNN toàn quốc để trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội cùng Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước trong kỳ họp tháng 5/2021 theo đúng quy định hiện hành.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hoài, để lập thành công BCTCNN, bên cạnh sự quan tâm, ủng hộ của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương cùng với phương pháp và bước đi chắc chắn, phù hợp, toàn hệ thống KBNN cần tiếp tục đồng lòng, quyết tâm khẩn trương triển khai, lập BCTCNN. Với những cố gắng, nỗ lực của KBNN và sự phối hợp hiệu quả của các đơn vị trong việc chuẩn bị lập BCTCNN sẽ là những bước đi đầu tiên rất quan trọng và ý nghĩa, đặt nền móng chắc chắn cho việc góp phần hướng tới một nền tài chính công ngày càng minh bạch, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm giải trình.
Đảm bảo thống nhất công tác báo cáo
Theo KBNN, việc lập BCTCNN là một lĩnh vực mới và khó cả về kỹ thuật nghiệp vụ, công tác phối hợp, triển khai thực hiện trong khi thời gian chuẩn bị không nhiều. Dù đến nay khung pháp lý cũng như Hệ thống thông tin Tổng Kế toán Nhà nước đã được hoàn thiện nhưng vẫn còn một số khó khăn cơ bản. Đơn cử như với BCTCNN năm 2018, vẫn còn một số nội dung chưa được thu thập và tổng hợp được như: tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa, thủy lợi, đê điều… do trung ương và địa phương quản lý và chi phí hao mòn của các tài sản kết cấu hạ tầng này.
Bà Nguyễn Thị Hoài cho biết, BCTCNN năm 2018 chỉ bao gồm một số thông tin tài chính tổng hợp (tài sản thuần, thặng dư/thâm hụt trong năm) của cơ quan, đơn vị đang áp dụng chế độ kế toán đặc thù hoặc chưa kịp chuyển sang chế độ kế toán dồn tích. Nguyên nhân là do cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công (nguồn thông tin đầu vào của BCTCNN) còn chưa đầy đủ hoặc các địa phương nhập dữ liệu chưa chính xác. Hơn nữa, chế độ kế toán áp dụng cho năm tài chính 2018 của một số đơn vị dự toán cấp 1 chưa được sửa đổi đồng bộ với hướng dẫn của Bộ Tài chính nên để tổng hợp các chỉ tiêu tài chính của các đơn vị này vào các chỉ tiêu tương ứng trên BCTCNN là tương đối phức tạp và cần nhiều thời gian…
Từ những tồn tại này, bà Hoài cho biết, KBNN đã đề xuất giải pháp để hoàn thiện cho BCTCNN năm 2019. Theo đó, để cải thiện thông tin tài sản kết cấu hạ tầng, Bộ Tài chính (Cục Quản lý công sản) cần đôn đốc các địa phương khẩn trương rà soát, cập nhật số liệu tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, nước sạch để tổng hợp vào BCTCNN năm 2019. Để cải thiện chất lượng thông tin tài chính của các đơn vị dự toán cấp 1, KBNN sẽ thực hiện rà soát, kiểm tra, phối hợp, hỗ trợ các đơn vị hoàn thiện báo cáo để đảm bảo tính cân đối, hợp lý, hợp lệ.
Đối với BCTCNN các năm sau, KBNN sẽ chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý giám sát kế toán kiểm toán nghiên cứu, trình Bộ Tài chính phương án tổng hợp thông tin tài chính của các đơn vị áp dụng chế độ kế toán đặc thù vào các chỉ tiêu tương ứng trên BCTCNN. Bên cạnh đó, Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán chủ trì nghiên cứu, trình Bộ Tài chính ban hành hệ thống Chuẩn mực kế toán công Việt Nam để đảm bảo thống nhất các quy định chung, nguyên tắc kế toán trong khu vực nhà nước. Đồng thời, nghiên cứu trình Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành và tiếp tục hoàn thiện các thông tư hướng dẫn chế độ kế toán nhà nước khác để đảm bảo hướng dẫn đầy đủ cho đơn vị thực hiện và cung cấp đầy đủ các thông tin tài chính cần thiết phục vụ tổng hợp BCTCNN đáp ứng yêu cầu quản lý của các cấp lãnh đạo.
Lãnh đạo Cục Kế toán nhà nước cho biết, KBNN sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ lập BCTCNN trong toàn hệ thống và cán bộ kế toán của các đơn vị kế toán nhà nước. Đồng thời, KBNN phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, phân tích chuyên sâu BCTCNN. Đặc biệt, việc lập BCTCNN cần phải được tăng cường truyền thông về mục đích, ý nghĩa, từ đó tranh thủ sự ủng hộ cũng như sự chia sẻ về các khó khăn, thách thức trong quá trình lập BCTCNN của các cấp lãnh đạo, các ban ngành địa phương.