【lich thi đâu cup c2】Phát triển du lịch cộng đồng vùng đồng bào DTTS
Nắm bắt được tiềm năng du lịch của địa phương, năm 2021 anh Lý Hồng Công (thôn Bản Chuồng, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) đã mạnh dạn cải tạo khu nhà ở của gia đình thành homestay đón khách du lịch với số vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng. Mặc dù còn đơn sơ, nhưng kể từ khi đi vào hoạt động, hầu như vào dịp cuối tuần, homestay của gia đình anh Công đều kín khách.
Làm du lịch đã tạo cho gia đình anh Công cùng nhiều hộ dân trên địa bàn không chỉ có nguồn thu nhập cao và ổn định, mà còn tạo cho người dân ở đây có điều kiện giao lưu văn hoá với du khách, để từ đó vươn lên làm giàu trên mảnh đất mình sinh sống.
Anh Công chia sẻ: Ngoài lưu trú, gia đình cũng cung cấp dịch vụ ăn uống cho du khách với thực đơn là những sản vật của bà con tự chăn nuôi, trồng cấy được. Nhờ chuyển hướng làm du lịch, lợi nhuận thu được cũng đủ cho gia đình trang trải cuộc sống và một phần tiết kiệm để có thể mở rộng hoạt động kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Là huyện miền núi, biên giới, Bình Liêu được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu đặc trưng ôn hòa, mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đặc biệt là những rừng hồi, quế, sở, những thửa ruộng bậc thang trải dài tầm mắt. Nơi đây cũng có nhiều danh lam, thắng cảnh và di tích lịch sử thu hút đông đảo du khách đến khám phá như thác Khe Vằn, bãi đá thần - núi Cao Ba Lanh, núi Cao Xiêm, thác Khe Tiền, Sông Moóc...
Nhằm phục vụ nhu cầu lưu trú ngày càng tăng của du khách, hiện nay huyện Bình Liêu đang khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư, phát triển các cơ sở lưu trú. Đến nay trên địa bàn huyện đang có 3 khách sạn và hàng chục homestay, với trên 300 buồng, phòng, đáp ứng nhu cầu lưu trú cho hơn 1.200 du khách.
Với nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, huyện Bình Liêu có văn hoá truyền thống đa dạng, giàu bản sắc, với các phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, vũ điệu dân gian đa sắc màu. Các hình thức diễn xướng văn nghệ dân gian như hát then - đàn tính, hát soóng cọ cũng được đồng bào lưu giữ, sử dụng trong sinh hoạt, tạo nên đời sống tinh thần vô cùng phong phú. Đây chính là thế mạnh, tiềm năng riêng có để Bình Liêu phát triển du lịch cộng đồng, khám phá, trải nghiệm với không gian văn hóa phong phú, đặc sắc.
Nhằm khai thác tối đa giá trị cảnh quan, gắn với việc tạo ra các sản phẩm du lịch mới thu hút du khách, hằng năm huyện Bình Liêu đều tổ chức nhiều chương trình hấp dẫn như Hội mùa vàng, Hội hoa sở, các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian... Qua đó, đẩy mạnh quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc, từng bước khẳng định dấu ấn đặc sắc của du lịch Bình Liêu trên bản đồ du lịch trong nước. Bên cạnh đó huyện cũng chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP, đồng thời đầu tư nguồn lực phát triển mạnh mẽ về hạ tầng giao thông kết nối các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn giúp tạo thuận tiện cho du khách tham quan.
Ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, chia sẻ: Để phát triển du lịch trên địa bàn nhanh, bền vững, Bình Liêu đã xây dựng Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển KT-XH đến năm 2030; ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU ngày 31/3/2023 về phát triển du lịch huyện Bình Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó nhấn mạnh giải pháp phát triển du lịch cộng đồng dựa trên nền tảng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với bảo vệ môi trường cảnh quan tự nhiên; tập trung xây dựng, hình thành các bản văn hóa của dân tộc Tày, Dao và Sán Chỉ, tạo nên điểm nhấn, gia tăng thêm các trải nghiệm của du khách.
Bên cạnh những điểm đến đã trở thành thương hiệu và quen thuộc như vịnh Hạ Long, Yên Tử... việc mở rộng không gian du lịch ra vùng biên giới, vùng đồng bào DTTS như tại huyện Bình Liêu là một hướng đi đúng đắn của du lịch Quảng Ninh nói chung.
Để phát huy lợi thế, cuối năm 2020, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Mục tiêu của đề án hướng đến phát triển du lịch cộng đồng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số... góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của người dân, đồng thời thay đổi nhận thức về sinh kế để giảm nghèo bền vững.