Phần lớn doanh thu của Việt Thắng đến từ kinh doanh vải mộc, thương phẩm và hàng may mặc Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu TVT là 35.000 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20%.
Vicotex có vốn điều lệ là 210 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Dệt may Việt Nam nắm giữ 46,93% vốn.
Những năm qua, doanh thu thuần của Vicotex luôn duy trì sự tăng trưởng tốt. Cụ thể, doanh thu thuần năm 2016 của Việt Thắng đạt 2.491,6 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với năm 2015. Doanh thu của Việt Thắng chủ yếu đến từ kinh doanh vải mộc, thương phẩm và hàng may mặc.
Thị trường trong nước đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu nguồn thu của Vicotex, đóng góp trung bình hơn 61% doanh thu thuần hằng năm. Cụ thể, doanh thu từ thị trường trong nước năm 2016 của Việt Thắng đạt trên 1.578 tỷ đồng, tăng gần 12% so với năm 2015. Trong khi đó, doanh thu xuất khẩu năm 2016 đạt 913 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,53% so với năm trước do sự cạnh tranh gay gắt của các công ty nước ngoài trong cùng ngành và yêu cầu về các tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao hơn của thị trường quốc tế. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của công ty bao gồm bán sợi thành phẩm, vải mộc và vải thành phẩm.
Trong quá trình sản xuất kinh doanh, có tới 99% nguồn nguyên vật liệu của Vicotex được nhập từ nước ngoài như Thái Lan, Đài Loan, Hoa Kỳ... Điều này khiến cho giá vốn bán hàng bị đội lên hơn 70% trong tổng giá vốn. Đồng thời hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dễ chịu sự ảnh hưởng của biến động tỷ giá hối đoái, giá dầu và giá nguyên vật liệu lên xuống theo mùa vụ, thời tiết, chính sách điều tiết sản lượng cung ứng từ các vùng trồng lớn như Trung Quốc, châu Phi…
Kế hoạch kinh doanh năm 2017 được Vicotex đặt ra khá khiêm tốn với doanh thu dự kiến là 2.557 tỷ đồng, chỉ tăng 2,6% so với năm 2016. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm hơn 19% xuống còn 95 tỷ đồng. |