Không cho đất nghỉ
Gia đình anh Nguyễn Thanh Luật (1981) có 6 ha trồng tiêu (từ năm 2009-2015). Những năm tiêu trúng mùa,ỗilomugraveaxuốnggiốtỷ số lillestrom được giá hộ anh thu trên 1 tỷ đồng/năm. Năm 2016, anh Luật thu 11 tấn tiêu, giá bán 120 ngàn đồng/kg, thu trên 1,3 tỷ đồng. Mùa mưa năm 2017, bệnh thối rễ chết nhanh, chết chậm đã xóa sổ 4.500 trụ tiêu, tương đương 3 ha, trong đó 2,2 ha trồng năm 2015 với vốn đầu tư 700 triệu đồng. Cũng năm này, tiêu nhiễm bệnh chết, sản lượng giảm chỉ còn 5 tấn, giá bán chỉ bằng nửa năm trước. Tiêu nhiễm bệnh chết không thể trồng lại ngay, anh Luật chủ động thu gom tiêu hủy, dọn vệ sinh và phơi đất. Mùa mưa năm nay, anh trồng thay thế 2.500 cây cà phê, 300 cây điều ghép và bổ sung 100 cây mít Thái siêu sớm.
Diện tích tiêu chết đã được anh Nguyễn Thanh Luật trồng cà phê
Anh Luật cho biết: “Những cây trồng mới chỉ là thay thế tạm thời, khoảng 6-7 năm sau tôi sẽ trồng tiêu trở lại. Tuy là cây trồng khó tính, chăm sóc vất vả, dễ nhiễm bệnh, đầu tư ban đầu cao nhưng tôi rất đam mê. Bởi trồng tiêu nhanh cho thu hoạch, trồng năm trước, năm sau đã có thể bán dây giống, kinh tế gia đình tôi khá lên cũng từ cách lấy ngắn nuôi dài này”.
Đối diện nhà anh Luật, hộ ông Phạm Văn Dân có 2,7 ha tiêu. Từ năm ngoái tới nay, tiêu chết dần chỉ còn khoảng 300 trụ và nay vẫn đang chết chậm. Mùa mưa năm 2017, ông Dân dọn vườn và trồng 500 cây cà phê. Vừa qua, ông tiếp tục trồng thêm 500 cây. Còn ông Nguyễn Công Tiến ở gần đó cũng trồng thay thế 300 cây bơ vào diện tích 1.000 trụ tiêu chết. Hiện cây trồng đã xanh tốt.
Cần lựa chọn giống
Năm 2017, thôn Bình Hòa có khoảng 100 ha trồng tiêu, chiếm 75% diện tích tiêu toàn xã. Do bị nhiễm bệnh nên thiệt hại khoảng 40%. Ngoài một số diện tích chết đồng loạt thì đa số tiêu chết rải rác từng khoảnh. Hiện nay, người trồng tiêu không dám chăm sóc và cũng không chữa trị hết bệnh cho cây. Để kịp thời vụ, tận dụng quỹ đất, phần lớn các hộ chuyển đổi cây trồng khác, hoặc chủ động trồng xen vào các diện tích tiêu đang nhiễm bệnh, phòng khi tiêu chết thì đã có cây thay thế.
“Hiện Bình Phước đã được công nhận 5 giống điều địa phương gồm: BP18, BP27, BP43, BP68, BP89. Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là đơn vị duy nhất đang tiếp tục sản xuất các giống này ngay tại đơn vị. Năm nay, ban không sản xuất giống cà phê. Tuy nhiên, cà phê có nhiều nguồn giống chất lượng được sản xuất ở nhiều nơi, nhất là tại Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Đắk Lắk). Riêng giống tiêu tại Bình Phước thì có BP-TD9T1, tiêu huyện Lộc Ninh và nhiều giống có uy tín như Vĩnh Linh, Ấn Độ, tiêu sẻ... Người trồng có nhu cầu tìm hiểu có thể đến trực tiếp ban quản lý hoặc các viện để được tư vấn giúp đỡ”. Thạc sĩ Trần Đình Thọ, Phó giám đốc Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh cho biết. |
Chưa có số liệu thống kê chính xác diện tích và số lượng trồng mới nhưng nhu cầu của người dân không nhỏ. Là người có kinh nghiệm, anh Luật trực tiếp đến Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh nghe tư vấn và mua giống. Trong khi đó, hộ anh Phan Hải (1970) cũng ở thôn Bình Hòa, trồng 900 cây cà phê vào diện tích 1,5 ha tiêu chết năm ngoái, lo lắng cho biết: “Giống cà phê tôi mua của người bán dạo trên ôtô. Nghe nói lấy từ tỉnh Lâm Đồng, gốc cà phê mít, ghép chồi cà phê xanh lùn, sức chịu hạn tốt, mau cho thu hoạch. Tùy thuộc cây lớn hay nhỏ có giá từ 10-13 ngàn đồng/cây, người bán cung cấp tận nhà. Trên bao bì không có thông tin gì nhưng thấy họ quảng cáo chào hàng hấp dẫn quá nên tôi và một số hộ cũng đã mua. Hiện cây phát triển tốt nhưng vẫn lo vì không biết kết quả thế nào”.
Thời gian qua, nhiều người trồng điều trong thôn Bình Hòa lại đổ xô đi mua giống AB05-08 và AB29 vì được người bán quảng cáo là giống tốt với nhiều ưu điểm vượt trội, trong khi 2 giống này cơ quan chuyên môn thông báo là chưa được công nhận... Còn giống điều Bình Phước đã được công nhận ít người biết đến và cũng không đủ đáp ứng nhu cầu của nông dân. Qua đó cho thấy, vấn đề giống cây trồng đang rất bức thiết.
Ông Nguyễn Công Tiến và nhiều hộ nông dân ở Bình Hòa đề nghị các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần quản lý chặt những cơ sở bán giống; công bố rõ nên mua giống nào, ở đâu và chịu trách nhiệm với người trồng khi giống không đảm bảo. Chị Đinh Thị Trang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Bình cho biết: “Hằng năm, hội đều phối hợp các cơ quan chuyên môn cấp huyện, tỉnh tổ chức hội thảo, tập huấn hướng dẫn nông dân về quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đồng thời tư vấn nhà nông về giống. Tuy nhiên, hiện nay thông tin về giống trên thị trường cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Trước sự cạnh tranh và lợi nhuận kinh tế của doanh nghiệp đòi hỏi người nông dân cần tỉnh táo và có sự lựa chọn đúng. Nếu chủ quan, mua giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém thì sẽ thiệt hại rất lớn về kinh tế”.
Quang Minh