Xác định đầu tư xây dựng chợ là một trong những điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế,ộihachợkq châu âu thời gian qua, huyện Phụng Hiệp đã lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư giúp hạ tầng chợ ngày càng hoàn thiện. Chợ Cầu Trắng được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa. Đến chợ Cầu Trắng thời gian này sẽ thấy được sự đổi khác rõ rệt so với trước. Ngôi chợ mới khang trang, lối đi thông thoáng, mặt nền cao ráo, các quầy sạp, ki-ốt rộng rãi, sạch đẹp, được bố trí thuận lợi nên lượng hàng hóa nhiều hơn, phong phú hơn. Trời mưa, nắng cũng không ảnh hưởng đến việc buôn bán, mua hàng của người dân tại chợ. Ông Võ Tôn Hiền, kinh doanh ở chợ Cầu Trắng, phấn khởi cho hay: “Tôi buôn bán ở đây từ hồi còn chợ cũ. Phải nói, chợ bây giờ so với lúc trước thì đẹp hơn nhiều. Chứ hồi trước hễ mưa là ngập, việc mua bán của người dân vô cùng khó khăn. Bây giờ, chợ mới được xây dựng cao ráo, các quầy hàng sắp xếp hợp lý nên mua bán cũng dễ hơn rất nhiều”. Chợ Cầu Trắng do Công ty TNHH Xây dựng Hiệp Thành làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 10 tỉ đồng. Hiện chợ được chia thành hai phân khu: khu nhà lồng và khu hàng tươi sống. Trong khu nhà lồng có 64 gian hàng và khu hàng tươi sống có hơn 150 lô, sạp được bố trí rộng rãi, thoáng mát. Hạ tầng về điện, cấp thoát nước, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường… được bố trí đầy đủ, khoa học và tiện lợi cho các tiểu thương và khách hàng. Ông Nguyễn Văn Tần, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Hiệp Thành, cho biết: Thực hiện chủ trương xã hội hóa trong xây dựng chợ nông thôn, công ty đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chợ Cầu Trắng. Hiện nay, về cơ bản chợ đã hoàn thành, chỉ còn một vài hạng mục nhỏ như xây dựng hệ thống sân bãi phía trước. Dù chợ mới đi vào hoạt động hơn 1 tháng, nhưng đến nay khu hàng thực phẩm tươi sống dường như đã lấp đầy, còn khu nhà lồng số hộ kinh doanh cũng đã chiếm hơn phân nửa số lô thiết kế. Không chỉ có chợ Cầu Trắng, từ nguồn vốn ngân sách, chợ Long Thạnh, xã Long Thạnh cũng được xây dựng mới với tổng vốn hơn 1 tỉ đồng. Là tiểu thương chuyên kinh doanh mặt hàng giày dép tại chợ Long Thạnh, anh Nguyễn Văn Khởi phấn khởi chia sẻ: “Lúc trước, chợ nhỏ, nền chợ thấp nên có mưa là phải che đậy rất cực. Đó là chưa kể nước ngập, hàng hóa không có chỗ chứa nên cũng không dám nhập nhiều vì sợ mất mát, hư hỏng, thêm vào đó việc kinh doanh cũng rất khó khăn. Từ khi chợ được xây dựng mới, tôi đã nhập hàng hóa nhiều hơn để đa dạng sản phẩm. Do mới chuyển sang khu chợ mới nên mối quen chưa biết đến, có lẽ vài tháng nữa khi chợ sắp xếp ổn định thì việc mua bán sẽ thuận tiện hơn”. Theo UBND xã Long Thạnh, trước đây, chợ cũ có diện tích nhỏ với hơn 80 hộ kinh doanh. Không gian chật hẹp cùng với sự xuống cấp của hệ thống hạ tầng gây khó khăn cho các tiểu thương và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Bên cạnh đó, khu vực chuyên bày bán các sản phẩm tươi sống được xây dựng trên nền chợ cũ vốn dĩ đã thấp dẫn đến tình trạng lầy lội, ngập nước khi mưa và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Ông Phan Minh Trí, Chủ tịch UBND xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, cho biết: Do chợ đã xây dựng nhiều năm nên đã bị xuống cấp. Do đó, từ nguồn vốn ngân sách, địa phương đã tiến hành xây dựng lại. Chợ mới bao gồm 2 nhà lồng, được chia gồm: khu vực kinh doanh hàng thời trang, may mặc; giày dép; hàng gia dụng và thực phẩm; khu bán hàng tươi sống. Địa phương đang tiến hành sắp xếp lại các khu vực mua bán cho thật hợp lý để các tiểu thương buôn bán ổn định. Ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phụng Hiệp, cho biết: Bên cạnh việc đầu tư chợ từ nguồn vốn ngân sách, việc kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng chợ theo hình thức xã hội hóa đã đáp ứng được phần nào về nhu cầu vốn để phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn huyện. Từ đó, phát huy và khai thác các nguồn lực về vốn, đất đai một cách có hiệu quả, nhằm phục vụ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ đó, đã góp phần hoàn thiện dần hệ thống chợ trên địa bàn. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư vào trong lĩnh vực này, đồng thời rà soát lại các tất cả các chợ trên địa bàn để tiến hành sắp xếp, bố trí các vị trí mua bán đảm bảo trật tự an toàn giao thông, từng bước đưa mạng lưới chợ đi vào nền nếp, nhất là tạo được văn minh thương mại cho các tiểu thương. Bài, ảnh: THANH THÚY |