Thời gian qua,ọcsứtối nay mấy giờ việt nam đá công tác dân vận đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân. Điều này được minh chứng bằng việc ngày càng có nhiều mô hình dân vận khéo, tiêu biểu. Mới đây, Tỉnh ủy Hậu Giang có chủ trương thành lập tổ dân vận ấp, khu vực, đây sẽ là điều kiện tiếp tục đưa công tác này gặt hái thêm những kết quả mới.
Dân vận động dân
Ông Lê Văn Nhơn (Hai Nhơn) kể: “Đoạn đường hơn 120m này trước đây là lộ đất, rồi bị sạt lở sâu vô tới 5m, đường thành sông. Dân phải “chữa cháy” bằng cách bắc cầu tạm, chỉ đàn ông, thanh niên mới dám đi, còn phụ nữ, học sinh thì đi… xuồng. Tính ra hơn 10 năm người dân tuyến kênh Thầy Cai bị đoạn đường này “hành”, đi đứng theo kiểu đường không ra đường, cầu không ra cầu”.
Tuyến đường ở ấp Láng Hầm, thị trấn Rạch Gòi do nhân dân đóng góp gần 2,7 tỉ đồng để xây dựng. |
Sau nhiều lần kiến nghị và biết được đoạn đường này chưa có kế hoạch đầu tư, giữa năm 2011, ông Hai Nhơn cùng một số hộ dân cố cựu tại đây đề xuất ý tưởng với bà con trong xóm là kè mé, làm lại đoạn đường bằng chính sức dân. Là người chủ trì, ông cho biết cũng khá đau đầu khi phải tính toán kinh phí, phương án vận động nhân dân và “giải trình” khi bị dân “chất vấn”.
Ông Bùi Văn Hăng, một trong 4 người đầu tiên đưa ra ý kiến xây dựng đoạn đường này, chia sẻ: “Lúc họp dân có đưa ra 3 mức đóng góp, những hộ giàu thì góp 2 triệu đồng/gia đình, hộ khá thì 1 đến 1,5 triệu đồng, còn hộ trung bình thì góp từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/hộ, hộ gia đình nghèo thì không. Lúc đầu cũng có ý kiến dè dặt vì số tiền hơi nhiều, nhưng vì thấy được đây là việc phải làm và cần làm nên gần 30 hộ dân ở đây đều ủng hộ”.
Tổng số tiền 33 triệu đồng mà bà con góp lại chỉ đủ tiền công cho chủ thầu làm 120m bờ kè, thế là ông Hai Nhơn lại họp dân và quyết định bà con cùng nhau “lấp kênh làm lộ”. “Ban đầu dự định chỉ kè mé, đổ đất rồi rải đá xô bồ, nhưng các hộ lại đề xuất làm hẳn đường bê tông, xây mới một cây cầu, vì thế đã “đẻ thêm” gần 80 triệu đồng. Bởi vậy, ngoài tiền dân đóng góp, tôi phải đi xin thêm ở xã, nhiều mạnh thường quân nữa mới đủ”- ông Hai Nhơn nhớ lại.
Cuối cùng, công trình đã hoàn thành sau 7 tháng thi công, người dân phải vừa làm, vừa học, tính toán thật kỹ để không lãng phí. Ước tính các gia đình ở đây đã góp trên 100 ngày công. Nói về công trình của sự đoàn kết, dân vận động dân xây dựng văn hóa cơ sở, ông Lê Thanh Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Vị Đông, nhấn mạnh: “Đây là tuyến đường đặc biệt nhất ở Vị Đông từ trước đến nay. Đó là tuyến đường đầu tiên của xã do chính người dân chủ công vận động, xây dựng. Chúng tôi rất hoan nghênh tinh thần chủ động, đoàn kết, quyết tâm thực hiện tuyến đường của người dân nơi đây. Phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra đã được nhân dân tuyến kênh Thầy Cai sáng tạo thực hiện. Phát huy sức dân là bài học và cách làm mà chúng tôi sẽ chú trọng”.
Điều đáng nói nữa là ngoài đoạn đường này, mỗi gia đình ở tuyến kênh Thầy Cai đều tự mình làm đường bê tông trên phần đất của mình dài gần 1km, ngang 1,6m, kinh phí không dưới vài trăm triệu đồng.
Dân vận khéo ở Rạch Gòi
“Hiện chúng tôi đang vận động nhân dân kè mé khoảng 500m nữa là hoàn thành hơn 1km tuyến đường có nguy cơ sạt lở của ấp. Song song đó, chúng tôi phát động bà con trồng được hơn 1.000 cây xanh các loại ven đường, bờ kè”- ông Nguyễn Hoàng Tấn, Trưởng ấp Xáng Mới B, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, “khoe” tuyến đường đẹp và công trình kè mé nổi bật nhất ở ấp.
Đầu năm 2012, cán bộ, đảng viên và nhân dân ấp Xáng Mới B đã chung tay xây dựng công trình kè này (hơn 500m kè cần kinh phí gần 450 triệu đồng). Đây là mô hình dân vận khéo mới, tiêu biểu được Ban Dân vận Huyện ủy Châu Thành A công nhận.
Trong 54 hộ dân tuyến này có vài ba hộ dân ban đầu không đồng tình. Bà Hồ Thị Hai cho biết: “Ban đầu thiệt cũng khó khăn lắm, tính không làm, nhưng thấy bà con ở đây ai cũng thực hiện, mình lại không thì cũng khó nên cuối cùng phải làm. Mà tôi làm sau nên kỹ hơn mấy hộ trước nữa”.
Ngoài ra, trong Chiến dịch giao thông - thủy lợi và chỉnh trang đô thị năm 2012, ở thị trấn Rạch Gòi còn có mô hình mới vận động nhân dân hiến đất và đầu tư 100% lộ theo tiêu chí nông thôn mới. Theo đó, chính quyền địa phương phối hợp với cán bộ, đảng viên ấp Láng Hầm vận động dân hiến đất, hoa màu và bỏ vốn đầu tư xây dựng tuyến đường bê tông dài gần 1km với chiều ngang 3,5m, làm cổng rào đồng đều và treo đèn trước ngõ và kè mé chống sạt lở. Tổng kinh phí thực hiện trên 2,7 tỉ đồng.
Tuyến đường ấp Láng Hầm hoàn thành đã tạo diện mạo mới cho ấp và cả thị trấn, kéo giảm lượng xe lưu thông qua nội ô chợ Rạch Gòi đi về ấp Láng Hầm, Xáng Mới, Xáng Mới B và ngược lại. “Trên 2,7 tỉ đồng là số tiền không nhỏ, nhưng cái được lớn nhất chính là bài học huy động sức dân, mừng vì sự đồng tình ủng hộ của nhân dân đối với chính quyền”- Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gòi Phan Thanh Lâm nhấn mạnh.
“Trợ lực” cho dân vận cơ sở
Cuối năm 2011, Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Đề án số 01 về thành lập tổ dân vận ở ấp, khu vực. Trước tiên sẽ thực hiện ở các xã được đầu tư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 và mỗi xã, phường, thị trấn còn lại sẽ chọn một ấp, khu vực làm điểm chỉ đạo thành lập tổ dân vận.
Mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng. Kịp thời nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân cho Đảng, Nhà nước có chủ trương, quyết sách phù hợp với nhân dân, tạo sự thống nhất từ trong nội bộ Đảng và nhân dân… Tổ dân vận sẽ gồm từ 7-9 thành viên, do bí thư chi bộ ấp, khu vực làm tổ trưởng.
“Trước đây, Ban công tác Mặt trận cũng thực hiện vai trò vận động quần chúng, nhưng tổ dân vận với bí thư chi bộ ấp, khu vực làm tổ trưởng thì tin rằng công tác dân vận sẽ hoạt động có chiều sâu, và hiệu quả sẽ cao hơn”- ông Lê Thanh Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Vị Đông nói.
Còn ông Nguyễn Tấn Sơn, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, TP.Vị Thanh, cho rằng việc thành lập tổ dân vận ấp, khu vực là điểm nhấn quan trọng, cho thấy sự quan tâm sâu sát, chú trọng đặc biệt đến công tác vận động nhân dân trong tình hình mới”.
Bà Lê Kim Phượng, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, nhấn mạnh: “Một nhiệm vụ quan trọng của tổ dân vận ấp, khu vực là phải thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thắc mắc trong dân, giải quyết các khiếu nại, tố cáo, mâu thuẫn trong nhân dân để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phối hợp tuyên truyền vận động, tổ chức cho nhân dân tham gia tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Việc thành lập tổ dân vận ấp, khu vực sẽ là “trợ lực” quan trọng giúp công tác dân vận đạt được những đột phá trong thời gian tới”.
Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN