Bị tai nạn giao thông khi đang đi làm thì được hưởng chế độ gì?ịtainạngiaothôngkhiđangđilàmthìđượchưởngchếđộgìty so as roma
Tùng Nguyên(Dân trí) - Người lao động đang trên đường đi làm hoặc từ công ty về nhà mà bị tai nạn giao thông thì được hưởng trợ cấp tai nạn lao động, khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
Anh Tùng, nhân viên phòng nhân sự của Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu, thắc mắc: "Khi người lao động lái xe máy cá nhân từ công ty về nhà hoặc từ nhà đến công ty theo cung đường hợp lý mà không may xảy ra tai nạn, va quẹt gây chấn thương thì căn cứ như thế nào để xác định trường hợp đó là tai nạn lao động?".
Anh Tùng cũng mong muốn được hướng dẫn các hồ sơ, thủ tục mà người lao động và người sử dụng lao động phải cung cấp cho cơ quan bảo hiểm xã hội để giúp người lao động được hưởng quyền lợi chế độ tai nạn lao động trong trường hợp này.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó trưởng phòng phụ trách phòng Chế độ bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội TPHCM), cho biết: "Người lao động bị tai nạn giao thông trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý được xác định là tai nạn lao động theo điểm c khoản 1 điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động".
Theo bà Hồng Nga, trong trường hợp này, nếu người lao động có đủ hồ sơ theo quy định sẽ được hưởng trợ cấp tai nạn lao động.
Còn trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động và các bên liên quan trong việc điều tra tai nạn lao động được thực hiện theo các khoản 5, 6 của điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Theo đó, người sử dụng lao động và các cá nhân liên quan đến tai nạn lao động phải có nghĩa vụ hợp tác với Đoàn điều tra, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu có liên quan và không được từ chối hoặc cản trở quá trình điều tra.
Trường hợp tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cung cấp cho Đoàn điều tra một trong 3 loại giấy tờ sau.
Thứ nhất là biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn.
Thứ 2 là biên bản điều tra tai nạn giao thông.
Thứ 3, trong trường hợp không có các biên bản trên thì phải có văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan công an xã, phường, thị trấn (nơi xảy ra tai nạn) theo đề nghị của người lao động hoặc thân nhân của người lao động.
Khoản 6 điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động cũng quy định rõ thời hạn điều tra vụ tai nạn lao động. Thời hạn tính từ thời điểm nhận tin báo, khai báo tai nạn lao động đến khi công bố biên bản điều tra tai nạn lao động tùy thuộc vào mức độ tai nạn.
Về quyền lợi của người lao động bị tai nạn, bà Nguyễn Thị Hồng Nga cho biết nội dung này được quy định chi tiết tại các điều 38, 39 và 45 của Luật An toàn, vệ sinh lao động; Nghị định 39/2016, Nghị định 88/2020 và Thông tư 28/2021.
Theo khoản 8 điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động. Tai nạn lao động được xác định xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Trong trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bị tai nạn lao động sẽ được hưởng chế độ trợ cấp. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp khó xác định là tai nạn thông thường hay tai nạn lao động, đặc biệt là tai nạn diễn ra bên ngoài nơi làm việc như tai nạn giao thông trên đường từ nhà đến nơi làm việc.