游客发表
发帖时间:2025-01-10 07:56:50
Việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng sẽ tác động tích cực tới niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: TL |
PV: Ông đánh giá thế nào về chính sách giảm 2% thuế GTGT nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong thời gian qua?
Ông Trần Thanh Quyết: Như chúng ta đã biết, năm 2023 là một năm rất khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và đối với cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Vì vậy, chính sách giảm thuế GTGT 2% đang hỗ trợ tích cực cho tiêu dùng nói chung của doanh nghiệp cũng như người dân. Vì vậy, những chính sách hỗ trợ về thuế, phí như gia hạn, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu… nhất là giảm 2% thuế GTGT đối với phần lớn mặt hàng là những hỗ trợ rất tích cực.
Sự hỗ trợ này góp phần tiếp sức thêm cho sự phục hồi của doanh nghiệp cũng như người dân thông qua kích cầu tiêu dùng. Điều này được thể hiện rất rõ ràng khi đến cuối năm 2023, kinh tế của Việt Nam đã có sự tăng trưởng rõ rệt so với các quý trước đó trong năm.
Ông Trần Thanh Quyết |
PV: Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa trình Quốc hội về việc giảm thuế GTGT. Theo đó, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT như hiện nay, áp dụng cho nửa đầu năm 2024. Ông nhận định sao về đề xuất này?
Ông Trần Thanh Quyết:Chúng tôi đánh giá rất cao động thái này của Bộ Tài chính cũng như Chính phủ. Đề xuất này là rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi đến cuối năm 2023, chúng ta nhìn thấy vẫn còn nhiều khó khăn trong thời gian tới nữa khi mà tình hình kinh tế thế giới vẫn bất định, nên rất cần thiết để kéo dài thêm một thời gian nữa chính sách giảm thuế hỗ trợ này.
Theo dự báo thì ít nhất trong nửa đầu năm 2024, tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cũng sẽ chưa có sự cải thiện rõ rệt. Chính vì vậy, đề xuất của Bộ Tài chính lên Chính phủ và Quốc hội về việc tiếp tục gia hạn kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm 2% thuế GTGT xuống còn 8% sẽ tiếp tục góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong thời gian tới.
GTGT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, doanh nghiệp chỉ thu hộ số thuế này cho Nhà nước. Bởi thế, khi giảm thuế GTGT, giá cả hàng hóa sẽ giảm. Đáng lưu ý, việc giảm giá được thấy rõ nhất ở những nơi bán hàng có hóa đơn, chứng từ rõ ràng như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... Khi đó, chính sách giảm thuế GTGT giúp hàng hóa rẻ hơn, qua đó tác động trực tiếp vào những người mua cuối cùng, từ đó kích thích sức mua.
Đồng thời, việc tiếp tục giảm 2% thuế GTGT sẽ tạo tác động tích cực tới niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp tại Việt Nam. Cùng với những chính sách về miễn giảm thuế, phí, việc tiếp tục giảm 2% GTGT sẽ giúp cho các doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay để phục hồi và có thêm động lực hơn trong việc triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Điều quan trọng hơn cả là sự hỗ trợ này thể hiện tinh thần đồng hành của Chính phủ với những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn hiện nay, giúp doanh nghiệp cảm thấy họ không bị bỏ rơi trong gian khó. Qua đó, doanh nghiệp có niềm tin tích cực hơn với môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Giảm thuế giá trị gia tăng giúp giảm giá bán hàng hóa, dich vụ, qua đó kích cầu tiêu dùng. Ảnh: TL |
PV: Từ những lần giảm thuế GTGT trước, theo ông bài học kinh nghiệm là gì để chính sách được phát huy tác dụng tích cực hơn nữa?
Ông Trần Thanh Quyết: Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng nhất vẫn là thủ tục, giấy tờ cần thực hiện trên tinh thần rút gọn, đơn giản hóa. Với cộng đồng doanh nghiệp, được hỗ trợ một đồng cũng rất đáng quý nhưng nếu trong giai đoạn khó khăn hiện nay mà thủ tục thụ hưởng chính sách phức tạp, nhiêu khê thì có thể nhiều doanh nghiệp sẽ bỏ qua sự hỗ trợ này, dẫn tới chính sách không hiệu quả.
Giảm thuế thì số thu ngân sách nhà nước sẽ sụt giảm và có thể sẽ có tác động ít nhiều tới vấn đề liên quan tới đầu tư công. Tuy nhiên, những biện pháp này thường mang tính chất ngắn hạn nên tôi cho rằng, về lâu dài, Chính phủ vẫn cần phải tiếp tục đánh giá thêm những biện pháp vĩ mô mang tầm bao quát hơn, để không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp qua việc giảm thuế GTGT mà còn điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô cũng như tăng thêm các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân để kích thích nền kinh tế phát triển.
Thời gian qua, việc cải cách thủ tục hành chính đã được Chính phủ triển khai tích cực và cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa. Bởi vì, kể cả trong khó khăn thì vẫn có những doanh nghiệp mới được thành lập và có những vấn đề mà ngay giai đoạn đầu họ phải đối mặt. Vì vậy, càng trong khó khăn thì càng phải đơn giản hóa và có những chính sách hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp để làm sao doanh nghiệp duy trì, tin tưởng vào tiềm năng phát triển kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thủ tục cần được rút gọn, đơn giản hóa Với cộng đồng doanh nghiệp, được hỗ trợ một đồng cũng rất đáng quý nhưng nếu trong giai đoạn khó khăn hiện nay mà thủ tục thụ hưởng chính sách phức tạp, nhiêu khê thì có thể nhiều doanh nghiệp sẽ bỏ qua sự hỗ trợ này, dẫn tới chính sách không hiệu quả. |
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接