23.000 căn được bán ra
Tiềm năng lớn của sản phẩm cùng với việc các nhà phát triển bất động sản cam kết lợi nhuận khi đầu tư vào Condotel khiến loại hình bất động sản này thu hút sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Mạnh Hà , Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, theo con số thống kê chưa đầy đủ về bất động sản nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng, năm 2017 có khoảng 23.000 condotel và biệt thự nghỉ dưỡng được bán ra thị trường. Trong năm 2017 số lượng giao dịch thành công chiếm 65 đến 70% khối lượng chào bán.
Lý giải việc bất động sản nghỉ dưỡng lại thu hút đầu tư, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết những nguyên nhân chính. Thứ nhất, nhu cầu nghỉ dưỡng đang tăng rất cao trong thời gian qua. Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tăng 30%/năm. Ở trong nước, đời sống người dân tăng cao, nhu cầu về nghỉ dưỡng cũng tăng lên, có khoảng 60-70 triệu lượt người đi du lịch hằng năm. Việc đặt khách sạn khó khăn, nên nhu cầu cho phòng ở tiện nghi sẽ tăng lên.
Nguyên nhân thứ hai là do chính sách của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các địa phương tạo điều kiện cho phân khúc condotel phát triển, vì các địa phương nhận thấy được lợi ích của việc đầu tư vào phân khúc này đang ngày càng phát triển.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho biết, từ năm 2015 đến nay, các địa phương ven biển cho phép nhiều DN đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng trong có công trình condotel. Số lượng phòng khách sạn, biệt thự và căn hộ đưa vào kinh doanh có hiệu quả, được xã hội ghi nhận, đáp ứng nhu cầu người dân.
Theo ông Robert Merrigan, Giám đốc Jones Lang Lasalle Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Công ty JLL, một điểm minh chứng cho sự phát triển của thị trường này đó là nhà đầu tư đã cam kết được lợi nhuận với người mua. Điều này đã góp phần định hướng, hấp dẫn người mua vào thị trường này.
Pháp luật chưa ghi nhận
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Sinh cũng cho biết, đây là loại hình mới, pháp luật chưa ghi nhận cụ thể ở Luật Bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở,... Do đó, việc triển khai thực hiện các dự án condotel trong thời gian qua chưa thật thuận lợi, cho cả địa phương trong việc kêu gọi đầu tư, cho nhà đầu tư dự án trong việc kinh doanh và bán sản phẩm.
Nói về một số nội dung còn vướng mắc đối với mô hình condotel, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết có nhiều bất cập liên quan đến mô hình này. Theo đó, thứ nhất, việc áp dụng tính toán chỉ tiêu kiến trúc kỹ thuật công trình có căn hộ condel hiện chưa rõ ràng.
Vấn đề thứ hai là chỉ tiêu dân số đối với các công trình condotel. Hiện mới có chỉ tiêu dân số với khu vực nhà ở, chưa có đối với condotel nên nếu không có quy định bổ sung sẽ ảnh hưởng tới chỉ tiêu dân số địa phương.
Vấn đề thứ ba là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất thương mại dịch vụ có thời hạn là 50 năm nhưng hiện vẫn chưa có quy định cụ thể liên quan đến condotel, là đất thương mại dịch vụ hay đất ở. Hiện các DN đang khuyến nghị là nên cấp theo diện đất ở lâu dài.
Thứ tư, theo ông Nguyễn Văn Sinh là các quy định liên quan đến kinh doanh mua bán chuyển nhượng chưa rõ ràng, với điều kiện bán sản phẩm hình thành trong tương lai, bảo lãnh cho thuê mua và đặc biệt là quy định bán căn hộ cho người nước ngoài...
Bên cạnh đó, về quản lý condotel, loại hình bất động sản này có cơ chế vận hành khác với chung cư. Nếu như chung cư có ban quản lý thì đối với condotel, chủ đầu tư có thể tự vận hành hoặc thuê đơn vị vận hành riêng. Cuối cùng, bất cập thứ sáu, Thứu trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, đất đai liên quan đến condotel chưa có quy định sử dụng.
Cần cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu
Năm 2015 phân khúc condotel đã xuất hiện, nhưng chưa có văn bản luật đi kèm. Vì tính pháp lý của loại hình này chưa có dẫn đến quyền lợi của nhà đầu tư. Nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm hoàn thiện các quy định về loại hàng hóa này để đảm bảo cho các nhà phát triển dự án cũng như các nhà đầu tư của phân khúc này.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho rằng: “Có nhiều ý kiến khác nhau về condotel nhưng chúng ta nên bàn giải pháp giúp condotel phát triển trong thời gian khi chưa có luật riêng cho mô hình này”.
Theo ông Trịnh Văn Quyết, thực tế là condotel đang tồn tại, triển vọng tốt. Vậy cần tìm giải pháp cho lãnh đạo ngành, địa phương vốn đang lúng túng. Các địa phương xin ý kiến của bộ ngành để các bộ, ngành có hướng dẫn để các các địa phương trong cả nước áp dụng chung, không để mỗi địa phương áp dụng một quy định riêng.
Về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu căn hộ/biệt thự du lịch cho khách hàng, theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, về nguyên tắc, bên mua nhà, công trình xây dựng, các căn hộ, phần diện tích trong nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Khoản 3, Điều 19 Luật Kinh doanh BĐS).
Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết người mua condotel đều gặp khó khăn trong việc xin cấp Giấy chứng nhận vì pháp luật chưa có cơ chế rõ ràng cho vấn đề này. Do đó, để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người có tài sản, giúp chủ sở hữu căn hộ tiếp cận được dễ dàng hơn với các nguồn tín dụng khi đầu tư căn hộ trong dự án cũng như làm tăng tính thanh khoản của sản phẩm vì chỉ khi có Giấy chứng nhận chủ sở hữu căn hộ mới có thể thế chấp chính căn hộ tài sản hợp pháp của mình, để vay vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng, ông Nguyễn Trần Nam đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp các Bộ, ngành liên quan cần có hướng dẫn cụ thể về việc cấp Giấy chứng nhận cho loại hình BĐS này theo hướng cá nhân, tổ chức có thể mua căn hộ condotel (không phải dưới dạng chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án) và được cấp Giấy chứng nhận, dù dự án condotel đó được xây dựng trên đất thương mại dịch vụ hay đất ở không hình thành đơn vị ở.