Các cá nhân được đề nghị xét tặng hai loại danh hiệu (nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú) là những người đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình di sản văn hóa phi vật thể: Nghệ thuật trình diễn dân gian (âm nhạc, múa, sân khấu…), ngữ văn dân gian (dân ca, sử thi, hò, vè…), tập quán xã hội và tín ngưỡng (hương ước, nghi lễ…), tri thức dân gian (ẩm thực, trang phục…), nghề thủ công truyền thống… Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian chiếm số lượng áp đảo tại hầu hết các địa phương. Thậm chí, nhiều địa phương (như Bắc Ninh, Bạc Liêu…) chỉ có hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực này. Trong khi đó, số hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực ngữ văn dân gian, tri thức dân gian (ẩm thực) chiếm số lượng ít nhất: chỉ có 2/103 hồ sơ xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, 10/733 hồ sơ xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho lĩnh vực ẩm thực. Hà Nội là địa phương có số lượng hồ sơ lớn nhất (12 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân và 58 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú). Việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức định kỳ 3 năm/lần. Trước đó, vào năm 2015, Chủ tịch nước đã trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho 600 cá nhân và truy tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân cho 17 cá nhân. Theo TTXVN |