【mainz – stuttgart】Cần trợ sức trong hành trình khởi nghiệp
(CMO) Những năm qua, nhu cầu làm kinh tế, khởi sự doanh nghiệp, phát triển sản xuất trong lực lượng đoàn viên, thanh niên gia tăng mạnh mẽ. Cùng với UBND tỉnh, các sở, ngành đã có không ít chính sách hỗ trợ, khuyến khích tạo điều kiện cho thanh niên khởi nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những tấm gương khởi nghiệp thành công, vẫn còn không ít thanh niên đang lúng túng vì thiếu sự trợ sức trong hành trình khởi nghiệp.
Nhiều thách thức
Thực tế cho thấy, tuy đoàn viên, thanh niên được hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội nhưng việc đoàn viên, thanh niên trực tiếp nắm giữ nguồn vốn còn ít vì theo quy định của ngân hàng thì việc vay vốn phải do chủ hộ đứng ra vay, trong khi đó tỷ lệ thanh niên lập gia đình có hộ khẩu riêng quá ít, đa phần sống chung với cha mẹ. Ngoài ra, nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ quốc gia về việc làm lại ràng buộc điều kiện không cho vay nhỏ lẻ với mức dưới 50 triệu đồng. Do đó, dù có ý tưởng nhưng thiếu nguồn vốn là khó khăn lớn nhất của đa số thanh niên khi khởi nghiệp.
Thanh niên trao đổi những vướng mắc trong hành trình khởi nghiệp tại diễn đàn “Thanh niên Cà Mau kiến tạo khởi nghiệp” năm 2017. |
Khởi nghiệp thành công với mô hình trồng rau thuỷ canh cho thu nhập bình quân hằng tháng 7 triệu đồng, anh Đào Văn Bình, đoàn viên Chi đoàn Ấp 6, xã Khánh Hoà, huyện U Minh, bày tỏ: “Hiện tại địa phương có đến 70% đoàn viên, thanh niên chưa có việc làm, nguồn lực trợ giúp thanh niên khởi nghiệp tại quê nhà chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Do khó khăn về nguồn vốn và kỹ thuật nên không ít thanh niên chưa có điều kiện thử sức với ý tưởng khởi nghiệp của mình. Đam mê khởi nghiệp, tôi mong muốn sẽ có nguồn vốn để mở rộng thị trường, được hỗ trợ thêm về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi”.
Bên cạnh nguồn vốn khởi nghiệp, các mô hình kinh tế còn mang tính chất gia đình, tự phát, chưa được hỗ trợ ứng dụng khoa học - công nghệ, thiếu đầu ra ổn định cho sản phẩm cũng đang là nỗi băn khoăn của thanh niên hiện nay.
Chị Trần Thanh Liển, Phó Bí thư Xã đoàn Đông Thới, huyện Cái Nước, trăn trở: “Có một thực trạng là tỷ lệ thanh niên bỏ đi lao động các tỉnh ngoài rất nhiều do ở địa phương thanh niên không có nguồn vốn để làm ăn; một số thanh niên có mô hình kinh tế mang lại hiệu quả như nuôi sò huyết, trồng rau màu thì lại hoạt động nhỏ lẻ, theo kinh nghiệm truyền thống của gia đình và đầu ra bị thương lái ép giá, gây tâm lý chán nản”.
Thanh niên phải chủ động
Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Cà Mau Nguyễn Chí Công cho biết: “Khát khao lập thân, lập nghiệp làm giàu bằng sức lực, tri thức đã và đang thôi thúc nhiều thanh niên hành động, khởi nghiệp. Tuy nhiên, cũng còn không ít thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn đang lúng túng, chưa thật sự hiểu khởi nghiệp phải bắt đầu từ đâu mà quên rằng muốn khởi nghiệp đầu tiên phải chính từ bản thân thanh niên phát huy được nội lực của mình, có ý tưởng và có đam mê khởi nghiệp”.
Không thể phủ nhận việc trợ sức trong quá trình lập nghiệp như nguồn vốn vay, khoa học-kỹ thuật… là hết sức cần thiết, tạo động lực lớn thúc đẩy thanh niên lập nghiệp. Tuy nhiên, sẽ không có một nguồn lực nào bền bỉ và quan trọng bằng việc thanh niên phát huy nội lực của chính bản thân.
Cũng là một thanh niên chịu khó bám quê lập nghiệp với chính sức lao động và nguồn vốn tự lực của mình bằng cơ sở sản xuất tôm khô, anh Mai Tân Phới, Bí thư Chi đoàn ấp Lung Vinh, xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi, chia sẻ kinh nghiệm: “Điều quan trọng và đầu tiên trong khởi nghiệp là chính bản thân thanh niên phải chịu dấn thân và thử sức, không sợ thất bại, dám nghĩ, dám làm với ý tưởng của mình. Các đoàn viên, thanh niên không nên chỉ trông chờ vào hỗ trợ mà cần hoạch định cho mình một kế hoạch, ý tưởng về khởi nghiệp”.
Để hành trình khởi nghiệp của thanh niên thật sự bền vững và thành công, ngoài phát huy nội lực của bản thân, mong rằng các cấp, các ngành sẽ tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn sản xuất cho thanh niên nhiều hơn nữa, định hướng những mô hình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đầu ra sản phẩm ổn định, phù hợp với nhu cầu của thị trường để thanh niên hôm nay có thể phát huy sức trẻ xây dựng quê hương giàu đẹp.
Bài và ảnh: Kim Chi
Tại diễn đàn “Thanh niên Cà Mau kiến tạo khởi nghiệp” năm 2017, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng nhấn mạnh: “So với tiềm năng và thực tế phát triển kinh tế - xã hội hiện nay thì việc khởi nghiệp trong thanh niên cần được lưu tâm hơn. Các bạn thanh niên cần kiên định ý chí, thể hiện tinh thần xung kích, sự nỗ lực của bản thân, dám nghĩ, dám làm, tiên phong trong vấn đề khởi nghiệp; không ngừng nỗ lực học hỏi để có nền tảng kiến thức và thông tin cần thiết. Riêng các tổ chức Đoàn, Hội, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức về khởi nghiệp, lập nghiệp cho thanh niên, xây dựng chương trình truyền thông, tư vấn, hướng nghiệp, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, gắn với động viên, khen thưởng các cá nhân, tập thể tiêu biểu trong khởi nghiệp”. |