Theo đó, năm nay là năm đầu tiên Hải Dương quả vải được bán trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử là Alibaba.com, Voso.vn, Sendo.vn và Lazada.vn. Để thực hiện kế hoạch này, ngày 6/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã tổ chức chương trình huấn luyện về truy xuất nguồn gốc và tham gia gian hàng cấp quốc gia về xúc tiến thương mại trên sàn thương mại điện tử. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, hội nghị tập huấn được triển khai theo hình thức vừa trực tiếp vừa trực tuyến với sự tham gia của 20 đại biểu tại hội trường và gần 100 học viên tham gia online là các thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, các chủ thể sản phẩm OCOP... Tại chương trình, các chuyên gia hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp nông nghiệp tỉnh Hải Dương làm tốt truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm và tránh hiện tượng trà trộn, làm giả thương hiệu. Đồng thời, hướng dẫn cách đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử và hướng dẫn cách bán hàng qua sàn giao dịch thương mại điện tử; giúp việc quảng bá thương hiệu vải thiều, sản phẩm OCOP của tỉnh tốt hơn. Theo đại diện Trung tâm ứng dụng Công nghệ thông tin, Cục Xúc tiến thương mại, việc truy xuất nguồn gốc và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử là hai yếu tố song hành. Truy xuất nguồn gốc là yêu cầu bắt buộc đối với nông sản đưa lên sàn thương mại điện tử. Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm ứng dụng Công nghệ thông tin, Cục Xúc tiến thương mại khẳng định: "Chúng tôi cam kết đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện thành công với điều kiện các doanh nghiệp thật sự cam kết và quyết tâm triển khai. Sau khi hướng dẫn trực tuyến, nhóm chuyên gia sẽ có những bước hướng dẫn từ xa hoặc trực tiếp tới từng doanh nghiệp". Theo ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, từ trước đến nay, mặc dù sản phẩm nông nghiệp Hải Dương rất dồi dào, đa dạng và phong phú nhưng việc tiêu thụ còn nhiều khó khăn vì chủ yếu vẫn qua các kênh truyền thống mà chưa phát huy được hiệu quả từ việc ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin. Thông qua khóa huấn luyện này, ngành nông nghiệp mong muốn giúp các cá nhân, tổ chức nắm vững quy trình truy xuất nguồn gốc và quy trình giao dịch khi tham gia các sang thương mại điện tử, từ đó, mở rộng thị trường cho nông sản, giải quyết được những điểm nghẽn trong tiêu thụ nông sản Hải Dương. Thời gian qua, thương hiệu vải thiều Hải Dương đã chinh phục nhiều thị trường khó tính: Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản, Singapore... Năm 2020, mặc dù dịch COVID-19 nhưng Hải Dương đã có một vụ vải thắng lợi. Sản lượng vải toàn tỉnh năm 2020 ước đạt 43.000 tấn; trong đó, 23.000 tấn vải sớm và khoảng 20.000 tấn vải thiều. Lượng vải tiêu thụ trong nước ước khoảng 50%, còn lại là được xuất khẩu. Tổng giá trị thực tế quả vải năm 2020 đạt 1.166 tỷ đồng, tăng 445 tỷ đồng so với năm 2019. Đặc biệt, có khoảng 1.600 tấn vải được xuất sang các thị trường khó tính, tăng khoảng 1.400 tấn so với năm 2017 và tăng khoảng 1.000 tấn so với năm 2019. Niên vụ vải năm 2021, Hải Dương có trên 9.100 ha vải với sản lượng ước khoảng 55.000 tấn. Về kế hoạch tiêu thụ, dự kiến 50% sản lượng vải của tỉnh (trong đó chủ yếu vải sớm) sẽ xuất khẩu Trung Quốc, 40% thị trường trong nước và khoảng 5 - 7% xuất khẩu đi các thị trường khó tính (Nhật Bản, Mỹ, Australia, EU, Singapore...) và 5% phục vụ chế biến. Theo TTXVN |