Chuyến xe sau tết từ miền Tây lên Bình Phước lúc nào cũng đầy ắp người. Những gương mặt khắc khổ,đợingậnhận định cúp đức chiếc túi xách cũ kỹ của các cặp vợ chồng và một vài đứa trẻ có khi 5, 6 tuổi hoặc chỉ vừa biết đi. Họ ngồi chen chúc giữa hành lang của xe khách giường nằm trên quãng đường gần 500 cây số. Phần vì không còn chỗ, phần vì để tiết kiệm chút tiền xe trong lúc vé xe đắt đỏ. Nhưng những câu chuyện trên xe thì lại rôm rả. Họ bàn về vụ điều năm nay làm công cho ai, đợt này đi về sẽ có thêm tiền thực hiện nhiều dự định dù chỉ là mua chiếc tivi hay sửa lại mái nhà. Một công việc thời vụ theo chu kỳ có thể mang lại thêm thu nhập cho họ cao hơn so với ruộng vườn, đồng bãi miền quê sông nước. Bà Nga, 61 tuổi, đã có 7 năm cùng chồng lặn lội từ miền Tây lên ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi (Đồng Phú) lượm điều thuê, hết vụ lại về. Vừa đến nơi, vợ chồng ông bà được chủ cũ tiếp tục thuê. Trong câu chuyện với tôi, bà không nhớ nhà mình ở huyện nào của tỉnh Sóc Trăng, chỉ biết chỗ đó gọi là cầu ông Rọ. Tôi hồ nghi bà không biết chữ. Bà kể, bà có 6 đứa con, đứa nào cũng đi làm thuê. Ruộng vườn ít mà giờ cũng chưa có việc để làm. Phải tầm đến tháng 4, tháng 5 mới vào vụ. Ở nhà cũng chơi nên bà lên Bình Phước làm thuê có tiền chi tiêu cuộc sống. Nhưng rồi bà lại quay qua nói với người chồng bên cạnh “mà năm nay chắc chỉ đủ tiền xe về quá ông”. Người đàn ông đang lúi húi lượm nốt vài trái điều còn sót lại vội quay sang bà cười trấn an. Theo nhiều nhà nông, vụ điều ở Bình Phước năm nay được đánh giá có thể chỉ bằng nửa năm ngoái làm vơi đi kỳ vọng của những người làm công từ xa đến như vợ chồng bà Nga. Điều ít, nhân công chỉ thu hoạch tầm một buổi đã xong, rồi lại chờ điều chín. Vì thế, họ tiếp tục rảnh rỗi, đàn ông buổi trưa uống thêm chén rượu vì buổi chiều dù sao cũng nghỉ. Còn những phụ nữ nằm đu đưa trên võng thì không nén được tiếng thở dài. Với họ, rảnh rỗi lúc nào tức là tiền bạc vơi đi lúc ấy. Hai vợ chồng làm một ngày chỉ được 300 ngàn đồng tiền công nhưng phải đợi mấy hôm mới có việc vì điều chưa kịp chín. Điều đầu vụ giá giảm mạnh so với năm trước khiến không khí thu hoạch ở các nhà vườn trên địa bàn tỉnh trầm lắng hơn. Nhưng khi tôi hỏi: “Ít việc thế này cô chú có về quê kiếm việc khác làm không?”, câu trả lời tôi nhận được là những cái lắc đầu. Vài người ngậm ngùi: “Lỡ lên đây rồi ráng ở lại làm thôi, mấy bữa nữa qua vườn khác hái thêm”, hoặc “Biết vậy ở nhà ăn thêm mấy bữa nữa rồi lên”, “Chuyến này về chắc không mua được nhiều đồ cho mấy đứa nhỏ”... Nhưng tôi biết, vụ mùa năm sau, họ sẽ lại sắp xếp quần áo, dắt díu nhau đi kiếm thêm thu nhập để tiếp tục cuộc mưu sinh này. Hạ Băng |