Năm 2020 là năm quan trọng khi Việt Nam - Hoa Kỳ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Với tinh thần "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai", hai nước đã chung tay đưa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ đạt những bước tiến dài.
Mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng quan hệ hai nước thời gian qua tiếp tục phát triển tốt đẹp. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì trao đổi thông qua điện đàm, thư từ; phối hợp thu xếp các đoàn thăm lẫn nhau. Đặc biệt, Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ, đặc biệt là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tiếp Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Hoa Kỳ (DFC) Adam Boehler ngày 26/10 nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ trong việc định hướng, kết nối, nâng cao hiệu quả đầu tư. Các bộ, ngành, địa phương quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, làm ăn thuận lợi tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam mong muốn đón các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, kinh doanh trong bối cảnh dịch chuyển các chuỗi cung ứng tại khu vực. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị Tổng giám đốc DFC có tiếng nói với Tổng thống Hoa Kỳ, Cơ quan Đại diện thương mại (USTR) và các cơ quan Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam thực hiện Kế hoạch hành động hướng tới thương mại cân bằng đã được thống nhất cuối năm 2019 và có đánh giá khách quan hơn về thực tiễn tại Việt Nam để có hợp tác phù hợp, cùng có lợi, cùng phát triển, hài hoà với các cam kết của Hoa Kỳ về một Việt Nam "mạnh, độc lập và thịnh vượng" và quan hệ đối tác toàn diện hai nước. "DFC cùng các cơ quan Việt Nam xác định cơ hội đầu tư vào các dự án tiềm năng về hạ tầng, năng lượng, dự án có hàm lượng công nghệ cao tại Việt Nam và khu vực Mekong" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị. Đối với định hướng chính sách tiền tệ, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đặt mục tiêu duy trì ổn định tài chính, ngăn chặn các cú sốc và hạn chế tác động từ bên ngoài thông qua việc điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tỷ giá trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung nhằm đạt mục tiêu xuyên suốt là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Chính sách tỷ giá của Việt Nam không nhằm mục đích tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế hay hỗ trợ cho từng ngành sản xuất. Trên thực tế, nếu phá giá đồng Việt Nam sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô, lòng tin của người dân, các nhà đầu tư, thiệt hại sẽ rất lớn đối với cả nền kinh tế. Đại diện cho Đoàn công tác cấp cao của Hoa Kỳ, ông Adam Boehler cho biết, tham gia đoàn công tác lần này có nhiều, bộ, ngành khác nhau, “là điều chưa có tiền lệ của chúng tôi khi đi công tác nước ngoài”. Thông qua hợp tác hai bên, tới đây, DFC sẽ đầu tư mạnh vào Việt Nam. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ cũng mong muốn xúc tiến các hoạt động kinh doanh của mình với Việt Nam và sắp tới, sẽ chứng kiến giao dịch lớn của ngân hàng này tại Việt Nam. Trong lĩnh vực hợp tác năng lượng, DFC mong tìm kiếm những cơ hội đầu tư trong lĩnh vực này. Chủ tịch US EximBank cũng mong muốn thúc đẩy xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam. Các lĩnh vực mà US EximBank có thể tài trợ như năng lượng tái tạo, giao thông vận tải, hàng không, y tế, nông nghiệp, công nghệ 5G... Bày tỏ chia buồn sâu sắc về những thiệt hại to lớn do thiên tai gây ra mà người dân miền Trung Việt Nam đang phải gánh chịu, đại diện Bộ Thương mại Hoa Kỳ hy vọng, hai bên sắp tới sẽ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực hàng không, dịch vụ y tế, đầu tư thúc đẩy hạ tầng.
|